Những chấm sáng trong đêm

12h đêm. Khi đường phố đã vắng đi cái ồn ào náo nhiệt thường nhật, khi đêm bắt đầu sâu lắng, khi trong mỗi căn nhà, mỗi mái ấm, mọi người đã say giấc sau một ngày làm việc vất vả nhưng những người công nhân vệ sinh môi trường vẫn miệt mài với công việc của mình. Tiếng chổi khua xao động mặt đường khuya…

“Tiếng chổi tre xao xác hàng me”

Góc đường Nguyễn Huệ, chị Hồ Bích Ngọc (Quận 2, TP. Hồ Chí Minh) đều tay khua từng nhát chổi gom rác thành đống rồi khom lưng đẩy xe đi hốt lại bỏ vào thùng. Dưới ánh đèn đường vàng vọt, dáng chị nghiêng theo từng nhát chổi khua, chiếc áo dạ quang lập lòe di chuyển trong đêm. Một chiếc xe máy lạng qua sát người khiến chị giật mình buông chổi nhảy lên vỉa hè.

Chiếc xe rồ ga ầm ĩ rồi phóng vụt vào đêm. Đây là những tình huống mà chị Ngọc thường xuyên gặp trong khi quét dọn đường phố.

Và khi công việc kết thúc, chị lặng lẽ một mình đi về trên đường phố khuya. “Lúc đầu cũng thấy cô đơn lắm nhưng rồi quen vì chỉ cần đi hết quãng đường ấy là có thể về với những người thân yêu của mình”, chị Ngọc tâm sự. Chị cho biết mình làm công việc này đã 14 năm, từ khi con gái chị mới 7 tuổi, đến nay thì cô bé đã 21 tuổi rồi.

14 năm qua, đêm nào con gái cũng cố thức đợi mẹ về, nó thường ngủ quên trên bàn học vì không đợi được. Nhưng chỉ cần nghe bước chân chị là cô bé tỉnh ngay lập tức, lấy khăn cho mẹ lau mặt rồi mới yên tâm đi ngủ. Trước đây, chồng chị vẫn đi cùng, vừa để giúp chị quét cho nhanh, vừa để nhặt những thứ người ta vứt đi rồi đem về bán. Nhưng sau đó công ty không cho đi theo nên chỉ mình chị làm.

 
Người đàn bà này đang còng lưng gánh nặng một gia đình với 5 đứa con.

Với thu nhập của hai vợ chồng, cuộc sống khá khó khăn nên anh chị chỉ sinh một đứa con. Chị nghĩ thà chỉ một đứa nhưng được ăn học tử tế còn hơn sinh nhiều mà không lo được để chúng phải thất học. Một đứa thôi nhưng để lo cho con học hành đàng hoàng vợ chồng chị cũng khá vất vả, nhất là trong thời buổi cái gì cũng tăng giá, học phí của con cũng tăng theo. Kể về những vất vả của mình nhưng trong mắt chị vẫn lấp lánh niềm vui, vẫn ngời lên nét đẹp chịu thương chịu khó của người phụ nữ Việt Nam.

2h đêm, góc đường Pasteur, chị Nguyễn Thị Hoa đang khua những nhát chổi cuối cùng để chuẩn bị về. Quãng đường này chị đã quét bao nhiêu năm nay rồi, quen từng chỗ lồi chỗ lõm, quen từng gốc cây bên đường. Ngày nắng cũng như ngày mưa, chị vẫn miệt mài khua chổi hàng đêm. Trừ những đêm mưa to quá, nước ngập đường chị mới nghỉ còn nếu mưa nhỏ thì mặc áo mưa và vẫn tiếp tục quét vì theo chị chỉ cần không quét một đêm, sáng mai ra đường phố sẽ ngập rác.

Chị cho biết mình quê ở Hà Tây, vào đây được 10 năm và đấy cũng là thời gian mà vợ chồng chị đã làm nghề quét rác. Lương hai vợ chồng cộng lại phải chi nào tiền thuê nhà, tiền ăn uống, tiền điện nước, tiền ăn học cho hai con nên cuộc sống khá vất vả.

Chị tâm sự: Giờ cái gì giá cũng tăng nên chi tiêu cái gì cũng phải đắn đo suy nghĩ. Vợ chồng tôi tiết kiệm tối đa trong việc mua sắm cho bản thân, chủ yếu để lo cho 2 cháu, một đang học lớp 10, một đang học lớp 12. 10 năm nay gia đình tôi chưa về quê, muốn lắm nhưng mỗi lần về là một lần tốn kém nên đành thôi.

Và không chỉ chị Hoa, chị Ngọc, khắp các đường phố Sài Gòn còn biết bao con người đang thầm lặng làm việc như thế. Đi qua mỗi con đường, mỗi góc phố sẽ cảm nhận được Sài Gòn đêm thật yên bình. Nhưng những người như chị Ngọc, chị Hoa và bao người khác có cảm nhận được điều đó hay với họ chỉ là nỗi nhọc nhằn mà họ đang trải qua trong đêm.

Đấy là với những người làm lao công trên đường phố, đêm ở Sài Gòn, khi nhà nhà đang say giấc thì còn có những người gom rác tự do lặng lẽ qua từng con ngõ, từng cổng nhà mang đi những bịch rác mà trước khi đi ngủ chủ nhà đã vứt ra. Mỗi tháng chủ nhà đóng 10 nghìn cho những người thu gom rác là xong phận sự và không cần bận tâm rác đã được mang đi như thế nào trong đêm.

 
Không đeo khẩu trang, ai đảm bảo sức khỏe cho họ?

“Sinh nghề tử nghiệp”

Có lẽ, trong các nghề, thu gom rác là một trong những nghề phải tiếp xúc nhiều nhất với sự ô nhiễm. Để bảo vệ, họ phải đeo khẩu trang nhằm ngăn bớt những chất độc hại xông vào miệng vào phổi. Nhưng đôi khi khẩu trang không phải là phương tiện có thể giúp họ an toàn tuyệt đối với sự ô nhiễm.

1h đêm, tại góc đường Phan Văn Trị (Gò Vấp), những công nhân của Công ty Dịch vụ Công ích Gò Vấp đang đưa những thùng rác lên xe tải. Mồ hôi túa ra trên những gương mặt không bịt khẩu trang chống ô nhiễm. Khi được hỏi, một anh công nhân cho biết, do mồ hôi ra thấm ướt cả khẩu trang rất khó chịu nên phải bỏ ra. Và khi bỏ khẩu trang ra, biết bao mùi hôi thối xộc vào mũi những người công nhân ấy? Tất nhiên, hàng tháng họ được hưởng tiền trợ cấp độc hại. Nhưng tiền liệu có mua được sức khỏe?

Với những người là nhân viên của công ty được hưởng trợ cấp độc hại đã đành, với những người thu gom rác tự do thì lấy ai để phụ cấp độc hại cho họ? Chị Phan Thị Châu, thu gom rác trên đường Quang Trung cho biết mình đi gom rác thuê cho một người bà con bỏ tiền ra cai thầu con đường này, mỗi tháng được trả 1 triệu, không có phụ cấp độc hại gì hết.

Chị Châu cho biết, chị gom rác trên con đường này cũng gần 10 năm nay để nuôi 5 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Cuộc sống vô cùng vất vả nên để có thêm thu nhập, chị nhặt nhạnh những thứ người ta bỏ đi trong đống rác mang bán cho vựa ve chai để có thêm tiền, mỗi ngày được khoảng năm chục ngàn. Cuộc sống ngày càng khó khăn nên con gái lớn của chị đã nghỉ học đi làm để phụ mẹ nuôi các em. Giá cả leo thang khiến cuộc sống của những người lao động nghèo gặp nhiều khó khăn trong đó có những người làm nghề quét rác.

Cuộc sống vất vả thế nhưng người công nhân môi trường còn phải đối mặt thêm biết bao khó khăn khi phải làm việc về đêm ngoài đường. Không được ăn uống tử tế, không được quây quần bên gia đình vào bữa cơm tối là điều mà người công nhân môi trường thường xuyên phải chịu.

 
Bữa ăn bên vỉa hè.

Bên vỉa hè góc đường Hàn Thuyên, anh Nguyễn Ngọc Sáng (Công ty công ích công cộng thành phố) đang ngồi ăn cơm dưới ánh đèn đường. Anh cho biết, mang cơm theo vừa ngon lại vừa tiết kiệm vì ăn ở ngoài vừa không đảm bảo sức khỏe, vừa đắt đỏ. Anh cười: Chỉ có điều phải ăn trên vỉa hè hoặc trên ghế đá công viên như thế này thôi. Vợ anh mới sinh thêm đứa nữa nên cuộc sống chật vật hơn, phải tiết kiệm tối đa mới có thể lo được.

Lương bổng eo hẹp nên hầu như tháng nào tiêu hết tháng ấy. Bởi thế những người lao động nghèo như anh Sáng rất sợ mình hoặc những người trong gia đình bị ốm. Nhưng anh cho biết cũng may là cả nhà đều được mua bảo hiểm nên có bệnh cũng đỡ chứ không thì chả lấy đâu ra tiền mua thuốc.

Với những người gom rác tự do, họ chẳng có một chế độ bảo hiểm nào, đã thế nhiều khi còn không thu được tiền từ các hộ gia đình vì vào giờ đi thu tiền, các hộ gia đình thường vắng nhà. Để lấy được 10 ngàn, có khi người thu tiền phải trở đi trở lại nhiều lần.

Làm việc trên đường phố, nhất là vào lúc đêm, những người công nhân quét rác còn đối mặt với tai nạn giao thông. Nhiều người đã bị tử thần cướp đi mạng sống. Đêm chính là lúc nhiều người đi nhậu về khuya, có hơi men vào, khó kiểm soát được tốc độ nên nhiều khi đã tông phải những người lao công đang quét trên đường. Hàng năm thống kê có biết bao vụ tai nạn giao
thông đau lòng diễn ra trên đường phố mà nạn nhân là những người công nhân quét rác.

Chút mặc cảm với nghề

Làm sạch đường phố là việc làm đáng tự hào nhưng nhiều khi những người lao công lại nhận được ánh nhìn coi thường của một số những người tự cho mình là cao sang trong xã hội. Chính vì thế mà đôi khi họ thấy tự ti với nghề của mình.

Chị Nguyễn Thị Hoa (Công ty Công ích Công cộng thành phố) tâm sự: Công việc vất vả nhưng chúng tôi chẳng nề hà, chỉ buồn là nhiều khi người đời có vẻ coi thường công việc của chúng tôi. Tôi sợ các con tôi mặc cảm. Nhưng được cái 2 đứa bé rất ngoan và thương bố mẹ. Mỗi sáng thức giấc, chúng bảo nhau thật khẽ khàng để bố mẹ được ngủ yên sau một đêm làm việc vất vả.

Còn với anh Nguyễn Ngọc Sáng, làm công việc gom rác đã 19 năm, nhiều lúc anh cũng muốn bỏ nghề nhưng bỏ thì chả biết làm gì. Và suy nghĩ cũng như khát vọng của anh là hi sinh đời bố, củng cố đời con. Anh chấp nhận vất vả để lo cho con học hành đàng hoàng, sau này sẽ có được địa vị tốt trong xã hội không phải làm công việc vất vả giống anh.

Nhưng đó chỉ là chút tự ti trong giây phút chạnh lòng khi cô đơn một mình trên đường phố chứ không phải suy nghĩ thường
trực của những người lao công. Với họ, nghề là sự phân công của xã hội, và cho dù là sang hay hèn thì quan trọng nhất vẫn là làm tốt công việc của mình.

Và như cái nghiệp, đa số ai đã chọn nghề này thì đều gắn bó với nó lâu dài. Cô Lê Thị Hoa (Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) sau 32 năm gắn bó với nghề, giờ về hưu rồi tâm sự: Khi đang làm việc, chỉ mong được ngủ một giấc trọn đêm. Giờ về hưu rồi nhiều đêm lại mất ngủ vì nhớ tiếng chổi khua trên đường…