Ngay tại Hà Nội, người ta đang "chế" hành phi bằng cách trộn với bột vỏ sắn. Nếu chứng kiến công đoạn làm hành phi này, nhiều người sẽ không dám bưng bát cơm rang hoặc ăn đĩa bánh cuốn nóng có trộn hành khô thơm lừng.
Phù phép cho hành phi tăng cân
Vào vai một tiểu thương đi mua hành phi đem bán cho các cửa hàng bánh cuốn, cơm rang, được dẫn vào xưởng sản xuất hành phi thơm của bà Hương ở thôn Thuận Quang, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm. Nói là xưởng sản xuất cho oai, chứ đây chỉ là một khu nhà cấp 4 được lợp bằng ngói ẩm thấp.
Trên nóc nhà, những chiếc khóa giang đã đen thui vì khói và bụi, mạng nhện giăng mắc khắp nơi. Vừa bước vào phân xưởng, một mùi hành thối khăm khẳm bốc nồng nặc, xộc thẳng vào mũi khiến ai cũng phải choáng váng. Một nữ công nhân tuổi chừng 35, mồ hôi nhễ nhại, gồng mình chao hành trên những chiếc bếp than hồng rực. Gặng hỏi mãi mới biết tên chị Hiền đã nhiều năm làm thuê ở Thuận Quang.
Xưởng sản xuất có 3 công nhân. Chị Hiền đảm nhiệm công việc phi hành. Chị Thuận làm nhiệm vụ độn vỏ sắn. Anh Tuấn chuyên xay hành và nghiền vỏ sắn.Theo quan sát, chị Thuận tay không đeo găng đang hồn nhiên độn bột vỏ sắn với hành đã xay vào các chậu dưới nền nhà. Khi hỏi: “Hành phi thì chỉ có hành khô xay ra rồi mang bán, chị còn cho thêm bột gì mà trắng và mịn thế?”. Chị Thuận vui vẻ giải thích: “Giá nguyên liệu như hành, dầu, than và nhất là bột mỳ tăng cao. Nếu làm như trước kia, độn thêm bột mỳ thì bán không được lãi thậm chí là lỗ nặng. Để bám lấy nghề nhiều gia đình đã chọn giải pháp là độn thêm bột vỏ sắn vào cho tăng cân”.
Đứng nhìn những chậu vỏ sắn đã được xay nhỏ mịn, vờ ngây ngô hỏi bà Hương, chủ xưởng: “Thế chị xay vỏ sắn mịn như bột để làm gì? Người ta cũng dùng cả vỏ sắn cơ à?”. Bà Hương giật mình nhưng trấn tĩnh ngay: “À, nhà mình có làm thêm cả nghề xay bột sắn ấy mà. Hôm trước nhà mất điện nên mang ra đây làm. Mấy chị giúp việc này đãng trí lắm. Tôi đã bảo mang vào trong nhà, làm ăn tắc trách thế là cùng!”.
Kiểu đánh lạc hướng của bà Hương không lừa được ai. Sau nửa giờ đồng hồ trong xưởng, đứng quan sát chiếc chảo rán của chị Hiền đã bốc mùi khét lẹt mà không thấy thay. Mang câu chuyện vừa chứng kiến được, kể cho chị Hoa, có thâm niên trong nghề hành phi đã “gác kiếm”. Chị Hoa bật mí: “Ngày trước, người ta vẫn dùng bột mỳ độn lẫn với hành phi. Nhưng thời gian gần đây, giá hành đắt đỏ hơn, để bám trụ với nghề mà vẫn có lời, nhiều người đã nghĩ ra cách độn lẫn với vỏ sắn cho nặng thêm. Nhưng muốn hành phi thơm ngon mà không có vị đắng của vỏ sắn thì ắt phải theo tỉ lệ 1 chậu vỏ sắn xay và 3 chậu hành khô.
Không chỉ có vỏ sắn, người ta còn độn thêm cả vỏ đu đủ, vỏ bí…”.Theo ông Trần Thế Minh, trưởng thôn Thuận Quang, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, toàn thôn có hơn 100/300 hộ làm nghề hành phi. Công cụ sản xuất bao gồm máy thái hành, máy ép mỡ, chảo rán và bếp lò, giá thành vừa phải nên bất cứ gia đình nào cũng có thể trang bị được.
Nguyên liệu nhập chủ yếu từ các vùng Hải Dương, Hưng Yên, Hà Giang. “Ông có nghe nói đến việc có nhiều hộ sử dụng cả vỏ sắn độn vào cho hành phi nặng hơn?” – Ông Minh chối đây đẩy: “Gia đình tôi cũng làm nghề hành phi nhưng chưa bao giờ làm chuyện thất đức như vậy. Nếu cho vỏ sắn vào rất dễ bị ngộ độc, sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của rất nhiều người”.
Rời thôn Thuận Quang, từng đoàn xe ôm vẫn tấp nập chở hành phi đi giao bán khắp nơi trong thành phố. Không biết sẽ còn bao nhiêu người ăn phải thứ hành phi độn vỏ sắn. Trong khi chờ các cơ quan chức năng vào cuộc, mọi người hãy tự biết bảo vệ sức khỏe cho mình.