ThienNhien.Net – Số lượng dân di cư tự do tại Tây Nguyên có thể tăng ít hay nhiều, tùy từng giai đoạn nhưng có một thực tế là con số này chưa bao giờ giảm. Tây Nguyên vẫn là “miền đất hứa”. Và lãnh đạo các địa phương phải tiếp nhận dân di cư tự do bất đắc dĩ hẳn còn “đau đầu” khi chưa có một giải pháp mạnh và kiên quyết từ trên xuống.
Di dân tự do ở Tây Nguyên: Đau đầu nhà chức trách
Tiêu chết trên nghĩa địa rừng
Những người dân di cư tự do có thể đang hài lòng với cuộc sống hiện tại, nhưng 20 – 30 năm nữa, sự hài lòng có còn không? Liệu con cháu họ sau này có tiếp tục di cư nữa không?
Đi tìm câu trả lời cho hai câu hỏi trên, chúng tôi đến nơi từng được mệnh danh là thủ phủ tiêu của tỉnh Đắk Nông – xã Đắk Sin, huyện Đắk R’Lấp. Ở Đắk Sin, tiêu đang bệnh và diện tích trồng tiêu đang giảm.
Tiêu ngả màu vàng trước khi thu hoạch.(Ảnh: Thúy Bình) |
Trước năm 2000, màu xanh của tiêu bạt ngàn Đắk Sin. Hồ tiêu được giá và ổn định trên thị trường nên nhà nhà trồng. Theo thống kê của UBND xã, từ năm 1998 – 2000, xã Đắk Sin có trên 4.000 ha tiêu cho thu hoạch. Nhiều người trở nên có của ăn của để nhờ tiêu như tỉ phú Phan Văn Vinh, thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ 13ha đất trồng tiêu. Số hộ có diện tích từ 5 – 10 ha hồ tiêu tăng nhanh và không ít nông dân thành tỷ phú nhờ trúng liền vài vụ. Tuy nhiên, có một điều lạ. Theo phó chủ tịch Hội nông dân xã Phạm Văn Quyền, dù thu nhập bình quân đầu người thuộc loại khá trong huyện và tăng 8 – 10%/năm nhưng người dân vẫn không có ý định ở lại lâu dài.
Chúng tôi đến nhà của vợ chồng anh Nguyễn Quang Hoa, chủ của trên 4ha tiêu, điều, cà phê, cao su. Hai vợ chồng anh rời xã Trung Nghĩa, thị xã Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên đến Đắk Sin đã hơn 10 năm. Gia đình anh thuộc hộ thu nhập khá trong xã, mỗi năm thu được hơn 100 triệu đồng. Vậy mà vẫn ở nhà cấp 4, trong nhà ngoài chiếc tivi cũ không rõ nhãn hiệu sản xuất hầu như không có gì đáng giá.
Thấy vẻ băn khoăn của tôi, anh Hoa giải thích: “Phần lớn tiền kiếm được, vợ chồng tôi đều chuyển về cho bố mẹ ở quê. Một phần nuôi hai con học ở nhà, một phần xây nhà và phần còn lại để tích lũy khi đất ở Đắk Sin không còn sinh lời.” Ông Quyền bảo đó cũng là suy nghĩ chung của đa số hộ dân của xã, vốn là người quê gốc ở các tỉnh phía Bắc như Thái Bình, Hưng Yên….
Chủ tịch UBND xã Hoàng Xuân Quý cho biết: “Xã Đắk Sin không có người dân bản địa vì nơi đây trước kia là rừng. Năm 1977, người dân Thái Bình vào đây theo chương trình di dân kế hoạch, thành lập hợp tác xã Hồng An, từng bước hình thành nên xã Đạo Nghĩa, tiền thân của xã Đắk Sin ngày nay. Sau khi tách năm 1982, xã Đắk Sin có 70% dân di cư tự do.”
Mỗi năm, khi thu tiền về, các hộ dân đều gửi tiền về quê tích lũy để xây nhà từ một đến hai tầng. Vị chủ tịch xã trẻ gốc Hưng Yên cho biết: Riêng 6 tháng đầu năm 2007, lượng tiền từ Đắk Sin chuyển di các vùng khác qua ngân hàng khoảng 6 – 7 tỷ đồng, trong đó thu nhập từ trồng tiêu chỉ chiếm một phần, vì giờ tiêu đã giảm nhiều.
Từ năm 2002 đến nay, rệp sáp tấn công vào bộ rễ tiêu và gây nên những vết thương. Nấm phát triển trên vết thương khiến bộ rễ không thể cung cấp thức ăn cho thân, lá, quả tiêu. Tiêu chết dần. Được biết, nhiều đoàn cán bộ khoa học đã đến lấy mẫu về nghiên cứu nhưng vẫn chưa tìm được thuốc đặc trị.
Tiêu mất mùa liên tiếp khiến diện tích tiêu thu hẹp và sản lượng giảm sút. Diện tích trồng tiêu năm 2007 giảm 24% so với năm 2006, và giảm hơn 70% so với thời hoàng kim. Ông Quyền vừa chỉ vào ruộng tiêu trơ trụi của mình, vừa nói giọng buồn buồn: “Trước cứ mỗi ha thì khoảng 1.000 trụ, từ khi bị sâu bệnh, giờ chỉ còn 300-400 trụ/1ha. Năng suất cũng giảm phân nửa”.
Nhiều hộ phá bớt tiêu để trồng thêm điều, cà phê và cao su. Nhiều hộ bán trang trại, trở về quê cũ. Khi chúng tôi hỏi anh Hoa về dự định tương lai, anh cho biết: “Vợ chồng tôi làm thêm mấy vụ nữa xem sao. Nếu thu hoạch không được thì chắc chốn này không kiếm được tiền rồi.”
Khi màu xanh biến mất khỏi vùng đất, những ngôi nhà tạm sẽ không còn? (Ảnh: Thúy Bình) |
Khi không thấy đất sinh lời, những ông chủ như anh Hoa sẽ đi tìm đất mới hay trở về quê. “Những cây tiêu hút chất màu của đất rừng để sống, khi chất màu cạn và con người ra đi, nơi đây chỉ là đất chết” – ông Quyền mắt nhìn vô định nói: “Chúng tôi thường bảo nhau: Tiêu chết trên nghĩa địa rừng”.
Nghe câu chuyện của Đắk Sin, chúng tôi cảm nhận một sự thờ ơ, lãng trách của những người dân di cư nơi đây đối với mảnh đất mà chính họ vung dao khai phá, mảnh đất đang chăm lo đời sống hàng ngày của gia đình họ. Khi đất chết, họ lại tiếp tục hành trình tìm miền đất hứa.
Loay hoay tìm một lối đi
Thực tế, số lượng dân di cư tự do đến Tây Nguyên có thể tăng ít hay tăng nhiều, nhưng chưa bao giờ giảm. Tây Nguyên vẫn là “miền đất hứa”. Và lãnh đạo các địa phương có dân di cư tự do vẫn “đau đầu” sau khi áp dụng nhiều biện pháp “cương” ,“nhu” đủ loại.
Ban đầu, khi dân di cư tự do mới đến, các địa phương đều lập dự án cấp đất, đưa bà con ra khỏi rừng. Tin lành đồn mau, số lượng người kéo đến càng đông khiến dự án nào cũng bị phá vỡ. Anh Tống Ngọc Trung, cán bộ hạt kiểm lâm vườn quốc gia Chư Yang Sin (Đắk Lắk), cho biết: “Năm 2001, khi những người dân từ các tỉnh phía bắc kéo đến khu vực quản lý của Vườn quốc gia, một dự án cho 200 hộ dân được lập tại ba điểm của xã Cư Pui. Theo đó, người dân trong dự án được cấp đất và hưởng điện, đường, trường, trạm y tế.” Nhưng chỉ một thời gian ngắn, số hộ dân tăng nhanh và phá thêm đất rừng ngoài dự án. Một số hộ dân được nhận đất liên lạc với người thân của họ, và tiếp đó là 10 đợt dân đổ về vùng qui hoạch từ các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Bình Thuận…
Theo ông Huỳnh Chính, Trưởng phòng tài nguyên và môi trường huyện Krông bông, (Đắk Lắk), huyện khuyến khích dân di cư tự do trồng rừng trong vùng dự án. Hộ nào trồng sẽ được cấp sổ đỏ và có thể thế chấp sổ đỏ vay tiền. Song không có hộ nào trồng rừng. |
Các nhà quản lý dự án tìm cách ngăn chặn song họ không thể kiểm soát được tình hình. Số hộ dân trong vùng dự án đến nay là 500 hộ (tăng 250%) và chăc đó không phải con số cuối cùng. Dự án hoàn toàn bị phá vỡ.
Hiện tượng phá vỡ qui hoạch cũng diễn ra tương tự tại Đắk Nông. Theo ông K’Vanh, phó chủ tịch UBND xã Đắk R’măng, huyện Đắk G’long, năm 2000, xã mới có khoảng 5 – 6 hộ di cư tự do. Nhưng 8 năm sau, số hộ đã là 590 với 3.141 khẩu sống rải rác ở 14 cụm không theo qui hoạch. Đó là chưa kể đến những hộ sống lén lút trong rừng sâu mà chính quyền xã chưa tìm ra.
Xã từng lập dự án đưa các hộ dân về vùng đất qui hoạch nhưng chỉ có duy nhất 1 cụm đồng ý. Ông K’ Vanh cho chúng tôi biết: “Sau khi làm công tác tư tưởng, chỉ có cụm 13 chịu về dự án. Chúng tôi không gom được các cụm khác.” Theo Bí thư Đảng uỷ xã Đắk R’Măng Lê Kim Phúc, người dân từ chối cư trú hợp pháp tại vùng qui hoạch vì theo họ, đất dự án không tốt bằng đất họ đang canh tác.
Không chỉ chính quyền địa phương lúng túng, quân đội cũng bó tay. Tại văn phòng Ủy ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông, trưởng phòng kế hoạch Ủy ban, Phan Ngọc Quân, cho biết tháng 5/2002, Trung đoàn 720, đơn vị kinh tế quốc phòng thuộc Binh đoàn 16 tiếp nhận 320 hộ người Mông di cư tự do vào ổn định cuộc sống tại đất của Trung đoàn tại xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức. Song khi bà con có đất ở và đất sản xuất, thân nhân của họ lại đến và không về. Số hộ tăng hơn 2 lần so với dự kiến. Theo UBND huyện Tuy Đức, riêng trong tháng 1/2008, có 26 hộ/128 khẩu mới đến. Và trong khi chờ cấp đất, bà con phá cả rừng thuộc lâm phận Trung đoàn quản lý.
Biện pháp cứng rắn là gom dân trả về địa phương cũng đã được áp dụng. Ông Phan Ngọc Quân cho biết: Cách đây, một vài năm, Ủy ban tổ chức một vài chuyến đưa bà con về quê hương song chưa có chuyến đi nào thành công.
Chính quyền địa phương cấp huyện, tỉnh cũng liên lạc với địa phương có dân đi nhưng chỉ nhận được sự hợp tác trên điện thoại hay sự im lặng. Anh Trần Đình Bình, chuyên viên phòng Tôn giáo huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Chúng tôi đã liên lạc với tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lào Cai, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Lai Châu. Song không tỉnh nào tổ chức đón người về, một số tỉnh cử cán bộ đến làm việc và bày tỏ mong muốn huyện sẽ hỗ trợ cho bà con ổn định cuộc sống bởi vì đâu cũng là “đồng bào ta” cả.
Ông Lĩnh phân bua “Việc tiếp nhận nhiều khi phải dừng lại vì trước đón tiếp tốt nên họ đến nhiều. Chúng tôi chỉ biết gom họ lại vì đụng đến đất phải đợi ý kiến tỉnh. Có lần gom đến 10 ngày vẫn chưa có cách giải quyết vì lãnh đạo tỉnh đi vắng hay bận việc”.
Phó chủ tịch Ủy ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông cho biết phía Ủy ban cũng đã nghĩ đến những giải pháp dung hòa như tổ chức các chuyến tham quan vùng núi phía Bắc cho các già làng trưởng bản M’Nông, Mạ, Êđê để họ thông cảm và chia sẻ hơn với những khó khăn của bà con ngoài ấy. Họ đã tổ chức được 3 chuyến như vậy, mỗi chuyến được 50 người. Ngoài ra, Ủy ban cũng đang góp phần nỗ lực để đồng bào di cư tự do hưởng thêm quyền lợi như giải quyết 100% đất ở và sản xuất, hỗ trợ kinh phí học, đề nghị đồng bào dân tộc di cư tự do nằm trong khu vực quy hoạch bố trí sắp xếp được hưởng những ưu đãi của chính sách 134, 135. Sắp tới, Ủy ban sẽ đứng ra tổ chức Liên hoan sum họp các dân tốc thiểu số Đắk Nông (29 dân tộc), cam kết trao vòng tay hứa hẹn đoàn kết chung sức chung lòng, bảo vệ tổ quốc.
Nhiều giải pháp cho vấn đề di dân tự do đã được đưa ra song các tỉnh đều gặp khó khăn trong quá trình thực hiện. Ông Khuông cho biết: “Dự án Tổng quan ổn định dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 được phê duyệt 409 tỷ đồng, nhưng mỗi năm, TW chỉ đầu tư 5 – 6 tỷ đồng, đạt khoảng 12 – 15% so với nhu cầu. Quĩ đất không còn nên tỉnh đề nghị chuyển đổi từ 500ha đến 1.000 ha đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp nhưng đề xuất trên chưa được thông qua.”
Dĩ nhiên nếu đề xuất ấy được chấp nhận, sẽ có thêm rừng bị mất.
Theo báo Nhân Dân ngày 2/4/2008, từ năm 1980 đến năm 1995, trung bình mỗi năm Tây Nguyên “xóa sổ” 120.000ha rừng. Rừng giàu và trung bình giảm 75%, rừng nghèo tăng 109%. Từ năm 1995 đến nay, mỗi năm không dưới 45.000ha rừng bị phá.
Còn tại VQG Yok Đôn (VQG lớn nhất cả nước) chỉ trong vòng 6 ngày, từ 28/10 đến 2/11/2007, kiểm lâm Vườn đã phát hiện và bắt giữ được 11 vụ khai thác và vận chuyển gỗ trắc trái phép ở vùng lõi – vùng bảo vệ đặc biệt. Thu giữ gần 2 tấn gỗ trắc tang vật. Đó là chưa kể đến hàng chục vụ lâm tặc đã nhanh chân trốn thoát cùng tang vật. Ông Mai Văn Hiền, Hạt trưởng kiểm lâm huyện Ea Súp cho biết: “Chỉ trong hai tháng đầu năm, huyện đã mất 2.834 m2 rừng, thu giữ 88,073m3 gỗ quí (bồ kết, bằng lăng, cẩm se) trị giá 58.494.000 đồng. |