ThienNhien.Net – Lâm tặc len lỏi Tây Nguyên. Những người dân miền Bắc Trung tiến. Rừng đại ngàn Tây Nguyên lùi dần vào quá khứ, được thế bởi bạt ngàn nương rẫy cà phê, tiêu, sắn…Nhờ lấn đất rừng, những người dân đang gây dựng cuộc sống trên quê hương mới. Song, sự xuất hiện của họ đã xáo trộn nếp sống, nếp nghĩ nơi đây, đồng thời gây không ít phiền toái cho chính quyền sở tại.
“Chúng tôi biết sai nhưng…”
Rời con đường liên tỉnh rải nhựa êm ru, xe chúng tôi rẽ vào con đường đất đỏ dẫn vào Đắk R’măng (huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông) một trong những nơi rừng đang bị bà con di cư tàn phá ác liệt nhất khu vực Tây Nguyên hiện nay. Hai ven đường, dấu vết rừng nham nhở, đoạn đã bị phát và đốt trụi, đoạn vẫn còn hờ hững đám cây bụi lơ thơ phía ngoài như rèm trúc nhưng trong hoặc đã thành rẫy cà phê hoặc còn ngổn ngang bãi chiến tích thảm thương của những vụ đốt rừng.
Anh bạn đồng nghiệp bên báo Lao Động, trong vai hoa tiêu của nhóm, thở dài: “Một năm trước, nơi đây toàn là rừng đấy”. Càng đi sâu vào xã, chúng tôi càng gặp nhiều đồi trọc, đen cháy. Chốc chốc, những đám khói u ám bao trùm, che lấp màu xanh vời vợi của bầu trời Tây Nguyên.
Mang những thắc mắc đến nhà một người dân ở cụm 4 – một trong 17 cụm do người Mông di cư vào lập nên, chúng tôi gặp anh Hoàng A Chú, từ Lào Cai đến đây năm 2001. Anh Chú vừa dỗ cô con gái nhỏ ở trần, vừa giải thích: “Bà con vào đây thấy đất rộng nên phá rừng, đốt cỏ cây để trồng lúa, sắn. Nhà mình hiện đang làm trên hơn 3ha. Đất tốt lắm nên phải mở rộng để trồng thêm.”
Muốn vào cụm 4, xã Đắc R’măng, huyện G’Long, tỉnh Đắk Nông phải lội qua suối.(Ảnh: Thúy Bình) |
Cạnh nhà anh Chú là nhà của trưởng thôn cụm 4 – ông Hoàng A Dung. Trước cửa nhà ông Dung, hàng chục súc gỗ xếp ngay ngắn, “Gỗ này lấy từ rừng về làm nhà. Bà con nghèo không có tiền nên nhà nào làm nhà cũng phải vào rừng” – ông Dung thật thà. Từ khi vào Đắk R’măng đến nay, gia đình ông cũng đã kịp phá đến 8ha rừng tre, lồ ô làm ruộng rẫy trồng lúa, sắn. Ông Dung thừa nhận: “Chúng tôi biết sai rồi nhưng cũng chỉ vì kiếm ăn mà thôi.”
Toàn xã Đắk R’măng có 14 cụm dân di cư tự do, với 3.431 khẩu. Phó tịch UBND xã – ông K’ Vanh cho biết, từ năm 2000 dân từ các tỉnh ồ ạt kéo về xã, phần lớn là đồng bào H’mông. Ban đầu, họ cử vài người đến “thám thính” trước, thấy ổn thì kéo cả gia đình vào, tiếp nữa là họ hàng với lý do thăm thân, cũng ở lại nốt và dần tách thành hộ mới. Đến nay, dân di cư tự do “hoàn thành” việc phá một diện tích rừng từ 500 – 600 ha. Cá biệt, một số người còn phát rừng trên đất của lâm trường, khi bị tịch thu dao rựa, còn chống đối, giam giữ cán bộ.
Chúng tôi được biết ở Đắk Nông đa số các xã đều có dân di cư tự do. Trong vòng 11 năm qua (1976 – 2007), lượng dân di cư tự do đã tăng ồ ạt, con số lên đến 36.105 hộ – 165.666 khẩu, nằm ngoài khả năng kiểm soát của chính quyền.
Cư K’bang, cái tên được nhắc đến nhiều trong những cuộc phỏng vấn của chúng tôi tại Ea Súp, bởi đây là xã mới nhất của huyện, dân 100% di cư tự do. Hiện xã có khoảng 1.110 hộ với 5.100 khẩu, chỉ từ tháng 04/2007 đến nay đã có thêm 120 hộ người Mông “đổ bộ”.
Chủ tịch xã, ông Ma Văn Thuyên (quê gốc Cao Bằng), nhớ lại: “Ban đầu là 44 hộ dân kéo đến. Họ kéo từ Bình Thuận sang, vào xã Ea D’lơi, được tích dồn về Cư K’bang theo chủ trương của trên. Số hộ này chúng tôi đã tổ chức cứu đói trong suốt 3 tháng đầu khi họ chưa có đất sản xuất, Tết hỗ trợ cho mỗi khẩu 5kg gạo nếp, sau cũng giao đất ở và đất sản xuất và lập thôn lâm thời là thôn 13. Cuộc sống của họ đã tạm gọi là ổn định. Nhưng đến trước Tết nguyên đán vừa rồi, họ lại kéo nhau vào thêm 83 hộ nữa…”
Theo báo cáo của UBND xã Cư K’bang tháng 12/2007, diện tích đất sản xuất nông nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước, diện tích lúa tăng 3,1%, diện tích đậu xanh 58,6%… Diện tích gia tăng này ở đâu chui ra? Dĩ nhiên là từ đất rừng.
Hiện tượng phá rừng không chỉ xảy ra ở xã Cư K’bang mà rộng khắp huyện Ea Súp. Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho biết: “Dân di cư tự do chiếm 2/3 dân số huyện, đều phá rừng. Điều đáng nói là số dân kéo đến vẫn đang gia tăng không ngừng.”
Chưa có con số thống kê chính thức về diện tích rừng biến mất do dân di cư tự do ở Tây Nguyên. Nhưng nhìn vào diện tích đất sản xuất nông nghiệp tăng ở các xã, con số đó chắc chắn không nhỏ. Theo ông Vũ Mạnh Khuông, Chi cục trưởng Chi cục Hợp tác xã tỉnh Đắk Nông, mỗi hộ di cư tự do có diện tích bình quân đất sản xuất 1,5ha/hộ. Đắk Nông trong 11 năm qua đã có 36.105 hộ. Như vậy, diện tích đất sản xuất của số hộ này đã khoảng 54.000 ha, hầu hết đều từ đất rừng mà ra. Đó là riêng tỉnh Đắk Nông, vậy cả khu vực Tây Nguyên thì sao?
Tìm thấy miền đất hứa
Anh Hoàng A Chú sau 7 năm nhảy dù vào Đắk R’măng, giờ cũng đã có nhà để ở, 2 ha đất trồng lúa, trồng mì, có xe máy chạy vè vè. Những gì gia đình anh đang có thực sự quí giá so với những ngày khắc khổ chọc lỗ trên đá để trồng lúa, trồng ngô ở quê cũ Lào Cai, dưới cái rét tê tái vùng cao. Và cũng rất quí giá sau những ngày lang bạt khắp nơi kiếm sống.
Bên cạnh việc có đất tốt để sản xuất, dân di cư tự do cũng nhận được một phần hỗ trợ từ các chương trình của Nhà nước giúp Tây Nguyên phát triển kinh tế xã hội. Chủ tịch huyện Ea Súp, ông Phan Xuân Lĩnh, cho biết: “Năm 2007, huyện dành cho 100 triệu giúp đào 3 giếng nước cho dân di cư tự do. Trong đó, có một giếng cung cấp nước cho 44 hộ dân Mông ở thôn 13, xã Cư K’bang.”
Trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản dành ưu đãi cho đồng bào dân tộc thiểu số như Quyết định 168 hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội Tây Nguyên, chương trình 134 về chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt, quyết định 139 về thẻ khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số, chương trình 135 dành cho các hộ gia đình dân tộc thiểu số ở các buôn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc miền núi, biên giới, vùng sâu vùng xa. “Chưa có quốc gia nào trên thế giới có chính sách ưu đãi đối với đồng bào dân tộc thiểu số lớn như vậy cả” – Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Văn Lạng cho biết. |
Còn tại Đắk R’măng, xã hỗ trợ mỗi hộ dân 5 lít dầu thắp sáng và mấy bao muối. Con em họ trong độ tuổi đi học đều được nhận vào trường PTCS Lê Lợi.
Cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Chiên cho biết học sinh của trường chủ yếu là từ các hộ dân di cư tự do, trong đó, học sinh người Mông chiếm 2/3. Tuy nhiên, không hề có sự phân biệt đối xử giữa các học sinh.
Những người dân di cư hầu hết đều hài lòng với nơi ở mới và bày tỏ mong muốn được chính quyền địa phương tạo điều kiện để ổn định lâu dài. Trưởng cụm 4 xã Đắk R’măng, Hoàng A Dung, tâm sự: “Chúng tôi không muốn chuyển đi đâu. Đồng bào đều muốn Đảng và Nhà nước hỗ trợ để sống ổn định ở đây.”
Trưởng thôn lâm thời 13 của xã Cư K’bang, anh Thào Seo Vềnh cũng có chung nguyện vọng: “Đồng bào đi nhiều nơi rồi. Đói khổ nhiều rồi. Giờ đến đây thấy cuộc sống sung sướng hơn nhiều. Đồng bào mong chính quyền giúp đỡ”.
Mặc dù có vô vàn vấn đề phức tạp nảy sinh từ vấn đề di cư tự do của người dân, song bên cạnh đó cũng có một nhận xét chung về họ ấn tượng chúng tôi trong suốt chuyến công tác, cũng là một câu nguyên văn trích từ bản Báo cáo tình hình di dân và dân di cư tự do là người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông: “Dân di cư tự do có tinh thần tự lực cánh sinh cao, cần cù chịu khó làm ăn, không trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, có nhiều kinh nghiệm cho dân sở tại học tập”…
Quản lý không theo kịp
Hầu như đi đến đâu, chúng tôi cũng gặp nhưng cái lắc đầu, thở dài của cán bộ địa phương. Số lượng dân đổ về tăng hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Ngay cả việc giám sát số lượng dân mới đến đã đủ căng thẳng chứ đừng nói đến việc chăm lo hay đối phó với họ. Vậy mà chủ trương giải quyết từ trên xuống thì còn lập lờ, nước đôi khiến huyện, xã nhiều phen lúng túng như gà mắc tóc.
Ông Phan Ngọc Quân, trưởng phòng kế hoạch Ủy ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông, cho biết: “Đồng bào di dân tự do thường lén vào chiếm đất rừng, trong khi dân địa phương xưa nay vẫn bị cấm vào khai thác. Nếu không xử lý nổi đồng bào di dân tự do, dân địa phương sẽ tỵ nạnh. Đồng thời, ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo vệ rừng”.
Ông Trần Đình Bình, chuyên viên phòng Tôn giáo huyện Krông Bông, Đắk Lắk thì nhận xét: “Dân càng đông, địa phương càng khó quản lý. Số lượng dân di cư tự do tăng không kiểm soát được khiến kế hoạch hàng năm của địa phương đều bị phá vỡ.”
Chủ tịch xã Cư K’bang, Ma Văn Thuyên, cho biết: “Đối với những hộ dân mới đến do chưa được tiếp nhận chính thức, chưa có chương trình hỗ trợ nên việc học hành của con em họ phải tự giải quyết. Tôi được biết họ đang thuê một cô giáo người Mông có trình độ lớp 8 để dạy trẻ em lớp 1, lớp 2.”
Trẻ em người Mông cụm 13, xã Cư K’bang, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk sử dụng nước giếng do chính quyền xã đào. (Ảnh: Thúy Bình) |
Tại Đắk R’măng, tình cảnh dù có khá hơn nhưng vẫn thiếu thốn trăm bề. Trẻ em trong độ tuổi đi học phải vượt qua hàng bao cây số đất đỏ, sông suối để đến trường. Do ở xa nên các em đều ở lại trường. Nhờ những tấm lòng hảo tâm quyên góp, trường cũng đã xây được cho các em một dãy nhà trọ, nhưng xem ra vẫn bí lắm. 15 – 20 em chui vào căn phòng rộng chưa đầy 10m2, ẩm thấp. Các em tự xách nước, tự nấu ăn và phải tự lo mọi thứ sinh hoạt cho mình, chẳng khác nào một “sinh viên đaị học” từ quê ra trọ học ở thành phố. Có gì đó thật ngậm ngùi.
Tôi ngồi bên em Hoàng Thị Sâu, 6 tuổi, học lớp 1. Em đang xới cơm từ chiếc nồi con con, đen nhẻm. Đôi bàn tay nhỏ xíu còn lóng ngóng khiến các hạt cơm cứ chạy quanh thìa. Khi tôi lân la hỏi chuyện, em cúi gằm, nhích dần vào sát tường. Đến khi cô Chiên hiệu trưởng đến đỡ lời, em mới lí nhí: “Em mang gạo từ nhà, rau thì vào rừng có gì ăn nấy. Hôm nay, em ăn cơm với cà chua”.
Một số bạn khác thì góp gạo thổi cơm chung. Em Hoàng A Vảng, 17 tuổi đang học lớp 6, cho biết: “Em nấu cơm cùng 3 bạn khác, mấy đứa góp tiền vào với nhau”.
Do đường xá xa xôi, mỗi năm cứ đến mùa thu hoạch, số học sinh đến lớp lại giảm. Thầy Nguyễn Bá Dũng, hiệu phó trường PTCS Lê Lợi, cho biết: “Từ 70% – 80% học sinh của trường có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nhà học sinh ở gần nhất cũng cách trường 10 cây số, còn xa thì 20 cây. Sau khi nghỉ Tết, các em thường nghỉ ở nhà để giúp bố mẹ thu hoạch lúa, sắn, đến năm học sau mới đi học lại.”
Cũng vì cái khó chuyện đi lại, cộng thêm việc không có trạm y tế nên nhiều trường hợp người dân không được cấp cứu kịp thời đã tử vong. Ông Dung bùi ngùi: “Năm ngoái, con anh Hoàng A Phềnh mắc bệnh tả, khiêng cháu ra trạm y tế xã nhưng giữa đường nước lên to quá nên đành chịu.”
Theo báo cáo chưa đầy đủ của Ủy ban Dân tộc, hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên gồm: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng có khoảng 50.868 hộ dân di cư tự do chưa ổn định cuộc sống cần định canh định cư và 85.055 hộ dân di cư tự do đã ổn định, hầu hết họ đều sống trên đất lâm nghiệp. |