ThienNhien.Net – Trong thời gian qua, một vài cuộc xung đột giữa người dân với loài voi lại diễn ra ở Châu Á. Điển hình là cuộc chiến từ chập tối tới tận 3 giờ sáng của người dân ở xã Trang Troyeung, thuộc tỉnh Kompong Speu, phía Tây Nam Campuchia, để bảo vệ khu rừng chuối của họ khỏi sự quấy phá của bầy voi.
Ông Tuy Sereivathana, một người dân làng nói: “Chúng tôi cảm thấy rất mệt và ngủ thiếp đi, sau đó lũ voi quay trở lại ăn chuối vào lúc 4 giờ sáng. Chúng tôi đã phải thức cả đêm, phải ngủ trên cánh đồng. Nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn thua lũ voi.”
Những cuộc xung đột nhỏ giữa người dân sống gần rừng với động vật hoang dã đã xảy ra hàng nghìn năm nay, nhưng tốc độ phá rừng gia tăng và sự suy giảm số lượng loài voi nhanh chóng như hiện nay thì đã tạo ra không chỉ mối lo lớn đối với loài người mà còn đe dọa 40.000-50.000 cá thể voi đang sinh sống.
Ở Châu Á, sự chia cắt những khu rừng và mật độ ô nhiễm môi trường cao đã gây ra hệ quả là hàng năm con người ở đây phải mất rất nhiều công sức để xua đuổi lũ voi tàn phá mùa màng của họ. Trong khi ở Châu Phi, nơi có số voi gấp 10 lần Châu Á, điều tương tự không xảy ra.
Hiện tại, có khoảng 300 con voi sinh sống tại 6 quốc gia (trong tổng số 13 quốc gia có voi châu Á sinh sống) đang trong tình trạng bị đe dọa cao. Các chuyên gia lo sợ rằng các cuộc xung đột giữa người dân với voi trên các cánh đồng lúa và chuối đang trở thành một mối nguy hiểm lớn, dẫn tới sự tuyệt chủng của loài vật dễ bị tổn thương này.
Những “cuộc chiến”
Từ nông trường trồng chè của Sri Lanka tới những ruộng lúa của Việt Nam, những người nông dân không thể sống được khi mùa màng của họ bị bầy voi tàn phá. Họ đã làm mọi cách để săn đuổi, thậm chí giết chúng, ảnh hưởng tới các hoạt động bảo tồn loài voi.
Simon Hedges, chủ tịch nhóm chuyên gia về voi châu Á của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên (WCS) nói: “Khi những con voi bị hạn chế trong một không gian sống ngày càng thu hẹp, thì chúng sẽ nổi nóng ngày càng dữ dội và thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, khi con người khao khát có một cuộc sống với chất lượng tốt hơn, họ trở nên ít khoan dung hơn trong cuộc tranh chấp với thiên nhiên”.
Những loài gặm nhấm, chim hoặc linh trưởng có thể là mối nguy hại lớn hơn đối với mùa màng, nhưng voi lại là loài gây ra sự thù oán nhiều hơn cả. Vì chúng thường làm thương hoặc giết chết con người trong khi tàn phá mùa màng của họ.
Ấn Độ, nơi sinh sống của 60% số lượng voi châu Á, đang giữ kỷ lục trên thế giới về số người chết hàng năm khi bị voi quấy phá mùa màng.
Ông Raman Sukumar, một trong những nhà lãnh đạo trên thế giới có chuyên môn về loài voi Châu Á, nói: “Có khoảng 200 đến 250 người đã chết trong những cuộc đối đầu hàng năm”.
Còn ở Srilanka, hàng năm cũng có tới 50 người chết vì đụng độ với loài voi khiến quốc gia này chiếm vị trí thứ 2, chỉ sau Ấn Độ. Cũng tại nơi này, hàng trăm con voi đã bị bắn, bị hắt axit và bị bệnh bởi ăn phải những quả bí ngô có tẩm độc.
Trong khi một số lượng lớn voi ở Ấn Độ bị đối xử như trên, thì tại các nước khác số lượng voi còn lại trong tự nhiên ở mức quá ít. Các chuyên gia lo ngại rằng Băng la đet, Bu tan, Campuchia, Trung Quốc, Nê pan và Việt Nam có lẽ chỉ còn không tới 300 con voi.
Tại Việt Nam, có khoảng 80 con voi đang sống theo từng nhóm nhỏ ở khu vực giáp ranh giữa Lào và Campuchia. Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng của loài voi do nạn săn bắn và môi trường sống của chúng bị thu hẹp.
Bà Nguyễn Bích Hà, chuyên gia của Tổ chức bảo tồn quốc tế (FFI) tại Việt Nam nói: “Môi trường sống của loài voi rất dễ bị tổn thương do những người dân nghèo cần đất đai để phát triển cuộc sống kinh tế của họ. Sự xung đột dẫn tới việc hoặc con người tồn tại được, hoặc loài voi tồn tại được. Và con người dường như đã chiến thắng bởi tỷ lệ voi cái và voi đực hiện nay đã rơi vào tình trạng mất cân đối một cách nghiêm trọng. Chúng tôi đã cố gắng hết sức để làm những việc tốt nhất có thể, nhưng chúng tôi vẫn không thể cứu loài voi khỏi sự tuyệt chủng”
Hạn chế xung đột
Sukumar nói: “Việc giảm những cuộc xung đột với loài voi để giúp chúng và giúp người dân là hoàn toàn có thể làm được, nếu có sự quản lý cẩn thận. Nhưng loại bỏ hoàn toàn các cuộc tấn công là một yêu cầu cao. Những người nông dân cũng có lỗi trong việc lấy đất rừng làm ruộng, họ đã cắt nhỏ nơi sinh sống của lòai voi. Một khi những con voi đã ăn nông sản, chúng sẽ quen dần với mùi vị đó. Nông sản sẽ thu hút chúng hơn là những thức ăn hoang dã, do đó chúng sẽ tới và tìm kiếm trên các cánh đồng của người dân. Đó là con dao hai lưỡi”.
Chuyên gia người Campuchia, Sereivathana lại tin rằng có thể đảo ngược được thái độ của người dân đối với loài voi khi chúng đang tàn phá mùa màng, nhà cửa và thuyền đánh cá của người dân. Được biết, voi đã được trưng làm biểu tượng trên các vỏ hộp thuốc lá ở Campuchia và vỏ chai bia ở Thái Lan.
Việc cảnh sát khuyên bảo người dân sống tách khỏi môi trường của lòai voi sẽ khó đạt hiệu quả. Thay vào đó, tại tỉnh Kompong Speu và gần chục ngôi làng khác, tổ chức FFI đã xây dựng những tháp quan sát bằng gỗ, căng dây điện chống voi, và lập những đội bảo vệ để dọa những con voi có ý định quấy phá.
Ông Sereivathana nói: “Có ba điều cần làm cùng lúc – sự tôn trọng luật pháp, giáo dục và các phương kế sinh nhai. Cần phải nghĩ về các kế sinh nhai cho nông dân, làm thế nào người dân có thể tìm được công việc mới…Giáo dục cũng rất quan trọng, để cho người dân hiểu biết hơn về bảo tồn loài voi”.
Tổ chức của ông cũng cung cấp vốn cho người dân để khuyến khích họ đổi sang canh tác những thứ mà voi không thích ăn như cà tím và ớt, thay cho canh tác mía, dưa, chuối và lúa.
Tuy nhiên, với một số nông dân, lý do thay đổi loại cây trồng để tránh sự quấy phá của lũ voi không làm dịu đi sự tức giận về những thiệt hại kinh tế của họ.
“Tôi vẫn nghĩ về việc trồng mía. Nó mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng cà tím. Nhưng nếu tôi trồng mía, tôi sợ là lũ voi sẽ lại tới phá và tôi sẽ chẳng còn lại gì”, Siep Nait, một nông dân 50 tuổi thủng thẳng nói trong khi bà chất đống những quả cà tím trên cánh đồng của mình, nơi trước đó đàn voi vẫn thường đến quấy phá.