Trước kia, dân tộc Si La (Lai Châu) sống như người rừng, không có chữ viết. Nay, những lớp học, những âm thanh đọc bài của trẻ đã trở thành niềm tự hào với người dân bản Seo Hai. Chuyện người Si La đi tìm con chữ cho dân tộc mình không còn là điều hiếm hoi nữa, con em người Si La đều được đến trường…
Đảng và Nhà nước đang có nhiều chính sách đặc biệt để đưa con em đồng bào các dân tộc đến trường. Đây là chiến lược lâu dài nhằm đào tạo nguồn cán bộ tương lai, trở về đưa dân tộc mình đi lên thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Nhưng, chuyện đi học của các em cũng không phải dễ dàng, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn.
Một điểm trường đã được mở ngay tại bản của người Si La dành cho học sinh tiểu học. Dãy nhà tạm chia vách thành 4 lớp, làm bằng vách đất mái tranh. Mỗi lớp học chỉ 7 – 8 em, nhưng trình độ thì rải đều từ lớp 1 đến lớp 5. Hầu hết các em còn bập bè những từ đầu tiên, làm quen với những phép tính đơn giản. Thầy cô phải dạy kèm từng học sinh một… Cái chữ như câu chuyện cổ tích kỳ diệu, hàng ngày đưa các em đến trường. Đó cũng là niềm hạnh phúc của các thầy, cô giáo.
Cô Nguyễn Thị Hằng Phương, điểm trường xã Kan Hồ, Mường Tè, Lai Châu cho biết: “Dân bản Seo Hai quý giáo viên, học sinh chịu khó đi học, mặc dù điều kiện rất khó khăn…”.
Ngày mới của các em THCS bản Seo Hai bắt đầu từ hơn 4h sáng để chuẩn bị sách vở, nấu ăn. Đường đến trường chỉ 5 km đi bộ, nhưng các em phải qua con sông Đà. Vào mùa khô, các em có thể đi đi về về, nhưng mùa mưa thì các em phải ở bên kia bờ chờ người thân sang tiếp tế. Năm nào, ở bản Seo Hai cũng có người chết đuối. Năm ngoái, 4 em học sinh lớp 9 cùng bị lũ cuốn trôi. Đến nay, dân bản phải cử những người chèo thuyền giỏi nhất đưa các em đến trường.
Vất vả là thế, nguy hiểm là thế, xong tất cả các em đều cố gắng đến trường. Ngoài các học sinh trong bản, Si La còn có 11 học sinh đi học ở trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Mường Tè. Các em vào trường phải đảm bảo điều kiện học lực, vì đây chính là nguồn cán bộ tương lai cho dân tộc Si La. Học xong, các em sẽ trở về quê hương lập nghiệp, giúp bản làng mình, dân tộc mình vươn lên.