Đồng bằng sông Cửu Long: Rừng trên “chảo lửa”, mặn vào vùng ngọt

Theo đánh giá của cơ quan khí tượng, thủy văn, mùa khô năm 2008 thực sự là "vòng lửa" treo trên đầu. Bởi ngoài khả năng thời tiết sẽ nắng nóng nhất trong 10 năm gần đây, 2008 được dự báo là năm có lượng mưa ít hơn trung bình nhiều năm và nguy cơ cháy rừng rất cao.

Chính vì thế mà mới vào đầu tháng 4, đã có hàng ngàn hécta rừng ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có nơi chiếm 100% diện tích, bước vào mức báo động cháy cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm. Không những thế, tình trạng khô hạn còn vắt kiệt nước ở các kênh rạch, tạo thế cho nước mặn từ biển Tây xâm nhập đất liền…

Rừng trên “chảo lửa”

Tại An Giang, do năm nay đúng vào thời kỳ tháo nước mùa khô rừng tràm đồng bằng nên ngoài việc quán xuyến hơn 15.000ha đất rừng như trước, các cơ quan chức năng còn gánh thêm trách nhiệm bảo vệ cháy 900ha rừng tràm ngập nước Trà Sư. Còn tại Vườn quốc gia Tràm Chim (VQGTC), năm nay rơi đúng vào thời điểm tháo nước mùa khô tại khu A1 nên 100% diện tích ở đây đã đạt báo cháy cấp V.

Vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Hạ ( Cà Mau), đã 2 tháng nay người dân tổ chức trực 24/24 ở những chòi canh lửa. Họ không được quyền lơ là cho dù trời nóng bức.

Nếu như ở An Giang phải gánh thêm trên 400 ha đất trồng tràm tự phát vừa thiếu hệ thống kỹ thuật an toàn cháy vừa lại thiếu sự quan tâm của các chủ rừng do cây tràm rớt giá… thì tại VQGTC lại “nóng” lên với những vụ tranh chấp đất đai và nạn đột nhập vào rừng săn bắt trái phép. Nói chung, các địa phương có rừng, trước nguy cơ cháy do khô hạn kéo dài, lãnh đạo nơi đây như ngồi trên đống lửa.

Phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) mùa khô ở ĐBSCL như câu chuyện đến hẹn lại lên. Tại hai huyện miền núi An Giang là Tri Tôn và Tịnh Biên nơi có đến gần 9.000ha rừng đồi núi thì phương tiện chữa cháy chủ lực của lực lượng kiểm lâm là những chiếc can nhựa chứa nước. Theo đó mỗi chốt được phân bổ từ 200-300 can để khi có cháy dùng dập lửa. Tuy nhiên, theo xác nhận của ngành kiểm lâm, thiết bị này chỉ có hiệu quả trong tình huống cháy nhỏ…

Trong khi đó, tuy có đìa mương bao quanh, nhưng do khoảng cách giữa vùng ruột của các tiểu khu tại VQGTC với nguồn nước là cả cây số nên nước xa rất khó cứu được lửa gần, nếu xảy ra cháy tại các nơi này. Không chỉ gặp khó với phương tiện, mà tại nhiều địa phương, công tác PCCCR được “khoán trắng” cho ngành kiểm lâm. Trường hợp rừng tràm tự phát ở xã Vĩnh Phước nói trên là điển hình.

Không nằm trong quy hoạch đất rừng, nhưng tại đây lại xuất hiện trên 400ha đất trồng tràm. Không tuân thủ thiết kế an toàn PCCC, không chăm sóc, bảo quản vào mùa khô, thậm chí khi xảy ra sự cố, cơ quan chức năng nhiều lần “mời” cũng không đến. Trong khi đó tại VQG Tràm Chim, sự phối hợp PCCCR với các lực lượng chức năng địa phương tuy được tỉnh nhiều lần “hâm nóng” nhưng vẫn chưa phát huy hiệu quả.

 
Tranh thủ bắt những con cá còn sót lại, kẻo nước mặn ập vào.

Mặn đã vào vùng ngọt

Nắng hạn gay gắt làm cho nước tại các kênh rạch trong vùng ngọt cạn kiệt. Trong khi đó, triều biển Tây đang dâng lên đã đẩy nước mặn sâu vào đất liền. Nhiều nơi ở ĐBSCL nước mặn xâm nhập đã hoành hành đời sống và sản xuất của cư dân…

Tại Bạc Liêu, mặn từ sông Cái Lớn “ăn” sâu vào vùng ngọt của hai huyện Hồng Dân và Phước Long đe dọa đến sản xuất của người dân. Ông Lương Ngọc Lân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu cho biết: Nhiều khả năng trên 1.000ha lúa (trái vụ) mới gieo sạ ở Ninh Quới A, Ninh Quới sẽ thiếu nước, vì mặn dưới sông trên 5 phần ngàn. Cũng tại vùng này, trên 30.000ha lúa đông xuân muộn đang thời kỳ trổ bông đứng trước nguy cơ thiếu nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất.

Trong khi đó, tại Cà Mau tình hình xâm nhập mặn đã chính thức báo động. Toàn bộ 54.000ha vùng ngọt ổn định của huyện Trần Văn Thời mặn đã tràn vào. Ông Ngô Khênh, ấp Kinh Đứng B, xã Khánh Hưng sản xuất 6 công đậu xanh, than: “Dưới sông nước mặn chát không thể bơm lên tưới đậu được. Chúng tôi phải đào sâu xuống ruộng lấy từng gáo tưới”. Nước mặn tràn vào những đìa cá chờ ngày thu hoạch ở xã Khánh Hưng làm thiệt hại nặng đến kinh tế gia đình của người dân.

Ông Danh Thol, xã Khánh Hưng, bắt những con cá còn sót lại, thở than: “Mọi năm đìa này tôi thu trên một triệu đồng, năm nay chưa đến 200.000 đồng. Mặn quá, nó chết hết còn gì”. Theo Phòng Nông nghiệp – Thủy sản huyện Trần Văn Thời, nước mặn đã được dự báo trước vì 4 con đập giáp ranh với huyện U Minh đã bị người dân phá lấy nước vào nuôi tôm từ hơn năm nay. Mùa khô năm nay nắng hạn kéo dài, nước rút cạn nhanh nên mặn “có điều kiện” len lỏi” vào toàn vùng ngọt. Tại huyện U Minh, đến nay diện tích nhiễm mặn đã gấp đôi diện tích ngọt.