Thông thường, các doanh nghiệp có cùng loại hình sản xuất, kinh doanh được quy hoạch vào một khu công nghiệp (KCN) riêng. Tuy nhiên, tại một số KCN trên địa bàn tỉnh, do chưa tính hết đến nhiều khả năng xảy ra nên việc sắp xếp các doanh nghiệp vào các KCN vẫn để lại hậu quả. Tình trạng ô nhiễm chéo giữa các doanh nghiệp là một ví dụ cụ thể.
Người khác làm – Tôi phải hứng chịu
Mới đây, công ty TNHH PAK Việt Nam (KCN Mỹ Xuân A), đã có đơn khiếu kiện về tình trạng ô nhiễm môi trường do bụi cát và đá xây dựng do Công ty TNHH Bê tông Mêkông gây ra trong quá trình sản xuất. Hơn 130 công nhân Công ty PAK làm việc tại các dây chuyền sản xuất giấy luôn phải chịu áp lực về ô nhiễm bụi, cát, đá trong suốt thời gian làm việc. Nhiều công nhân bức xúc vì việc ô nhiễm gây khó thở và có thể dẫn đến bệnh bụi phổi silíc, (một loại bệnh nghề nghiệp nghiêm trọng đã được các cơ quan chức năng cảnh báo đối với những người làm việc trong hầm mỏ, nơi khai thác cát, đá…) lại không phải do bản thân công ty PAK gây ra mà do “nhà hàng xóm”.
Lãnh đạo Công ty PAK cho biết: Khi nào trạm trộn bê tông của Công ty Mêkông vận hành là cả khu vực nhà máy PAK bụi mù. Điều nữa đáng nói là, do nằm ngay đầu luồng gió nên người lao động của Công ty PAK bị ảnh hưởng nặng nề hơn người lao động đang làm việc trong khuôn viên Công ty Mêkông.
Ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bê tông Mêkông cho biết: Để hạn chế bụi, cát, đá, công ty đã phun nước tưới trong khuôn viên và làm hàng rào lưới. Biện pháp này tạm thời mang lại hiệu quả, giảm được lượng bụi cát bốc sang công ty PAK. Thế nhưng, việc phun nước không được thường xuyên và khi phóng viên báo Bà Rịa – Vũng Tàu có mặt tại khuôn viên Công ty Bê tông Mêkông thì hệ thống rào lưới đã rách tả tơi từ khi nào.
Hệ lụy
Công ty Bê tông Mêkông hoạt động tại KCN Mỹ Xuân A từ năm 2001, ngay sau khi KCN này bắt đầu khởi động. Dĩ nhiên chẳng ai “đổ lỗi” cho việc Công ty PAK đến sau nên phải chịu thiệt thòi. Việc quy hoạch 2 doanh nghiệp này gần nhau để bây giờ bị ảnh hưởng ô nhiễm chéo là một điều không ngờ tới đối với những người làm công tác quy hoạch.
Ông Nguyễn Văn Hiển cho biết: “Chúng tôi biết rằng doanh nghiệp phải bảo đảm công tác môi trường trong hoạt động sản xuất. Thế nhưng với ngành nghề trộn bê tông, việc bụi cát là điều không thể tránh khỏi. Muốn ngăn bụi cát chỉ có cách duy nhất là làm một hệ thống lưới sắt bao kín khu vực sản xuất. Nhưng chúng tôi không đủ kinh phí để làm và cũng hiếm có công ty nào làm được việc này. Ngay trong KCN Mỹ Xuân A cũng có vài nhà máy trộn bê tông, trạm nghiền xi măng cũng hoạt động tương tự, họ chỉ chưa bị kiện như chúng tôi vì không nằm gần công ty nào…”.
Giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay là quy hoạch các đơn vị sản xuất cùng ngành nghề vào một khu riêng. Tuy nhiên, chuyện di dời không phải dễ đối với các công ty đã hoạt động ổn định. Và, dù ở nơi nào, thì bản thân doanh nghiệp cũng phải tự đứng ra chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Không thể nói không có cách nào hoặc kinh phí quá lớn thì cứ tự do sản xuất và tự do gây ô nhiễm môi trường. Ngoài sự việc kể trên, còn nhiều loại ô nhiễm môi trường chéo giữa đơn vị này với đơn vị khác mà “mắt thường” chưa nhìn thấy được vì chưa có kiểm chứng nào cụ thể.
Đặc biệt, khi việc xử lý chất thải, rác thải trong các KCN chưa được triệt để thì tình trạng này còn đáng cảnh báo gấp nhiều lần với các doanh nghiệp có sử dụng nguồn khí, nguồn nước sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt ngay trong các KCN. Nếu tự bản thân doanh nghiệp gây ô nhiễm, người lao động của doanh nghiệp này sẽ phải được doanh nghiệp thực hiện những chế độ ưu đãi, phụ cấp độc hại… Thế nhưng do công ty khác gây ô nhiễm thì khó xử lý và người lao động chắc chắn bị thiệt thòi.
Sự việc gây “ô nhiễm chéo” tại Công ty Bê tông Mêkông đặt ra vấn đề sắp xếp, quy hoạch sản xuất tại các KCN. Trước hết, cần tính đến các tác nhân gây ô nhiễm trong cùng một môi trường liên kết để không ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe con người.