Các chuyên gia đang đề nghị hình sự hoá một số hành vi vi phạm về môi trường có khả năng gây hậu quả rất lớn cho sức khỏe, tính mạng con người như mua bán rác thải y tế, rác thải công nghiệp chưa qua xử lý để sản xuất các mặt hàng tiêu dùng…
Sử dụng rác thải y tế tái chế thành đồ nhựa, tung ra thị trường gây nguy hại sức khỏe người tiêu dùng; chất 3 MCPD trong sản xuất nước tương khiến người tiêu dùng có nguy cơ bị ung thư… Những cảnh báo làm nóng dư luận, tuy nhiên tất cả chỉ dừng lại xử phạt hành chính đối với cơ sở, cá nhân vi phạm và… rút kinh nghiệm chung. Chưa có vụ việc nào được xử lý hình sự, vì sao?
Dư luận bức xúc, cơ quan bảo vệ pháp luật lúng túng
Hai sự kiện nêu trên có thể liệt vào chuỗi sự kiện gây bức xúc nhất về an toàn thực phẩm. Xét mức độ ảnh hưởng, không người tiêu dùng nào tự loại mình ngoài cuộc, đồng nghĩa họ đều có thể là nạn nhân của nước tương có chứa chất 3 MCPD, thực phẩm sử dụng hoá chất độc hại, đồ nhựa gia dụng được tái chế từ rác thải y tế hoặc hàng loạt vụ nhập khẩu rác thải nguy hại khác.
Đối tượng và mức độ ảnh hưởng đã khá rõ, chủ thể vi phạm cũng không khó phát hiện. Tuy nhiên, không có bất cứ vụ việc nào được xử lý hình sự. Tất cả đều xử lý hành chính, phạt tiền.
Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 dành hẳn một chương quy định các tội phạm về môi trường (gồm có 10 điều luật, tương ứng 10 tội danh). Hình phạt quy định tại các tội này khá nghiêm khắc.
Tuy nhiên thực tế hiếm có vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, vi phạm môi trường bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo phân tích của cơ quan bảo vệ pháp luật, vướng mắc lớn nhất là các tội phạm nhóm này đều quy định: Chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm hoặc hành vi đó gây hậu quả nghiêm trọng.
Thực tế, việc xác định hậu quả như thế nào là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng trong trường hợp này là rất khó. Chẳng hạn, nhà sản xuất sử dụng nước tương có chứa hoạt chất 3 MCPD có nguy cơ gây ung thư, hậu quả là người tiêu dùng có nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Nhưng không phải ai sử dụng nước tương có chứa chất 3 MCPD cũng bị ung thư hoặc ảnh hưởng sức khỏe bao nhiêu phần trăm… Các nhà nghiên cứu cho rằng, có thể người tiêu dùng sau nhiều năm, thậm chí cả chục năm mới xảy ra hậu quả…
Đối với hành vi bán rác thải y tế và nhà sản xuất mua rác thải này để tái chế ra hộp đựng thức ăn nhanh, thìa, đũa nhựa, các nhà khoa học khẳng định khi sử dụng đồ gia dụng này sẽ nguy hại tới sức khỏe .
Nhưng cũng như vấn đề nêu trên, chưa hề có kết luận nào xác định một người vì sử dụng đồ gia dụng đó gây thiệt mạng hoặc gây tổn hại sức khỏe, mức độ tổn hại bao nhiêu phần trăm…
Như vậy, khi yếu tố “hậu quả nghiêm trọng” là bắt buộc để định tội danh mà hậu quả đó lại rất trừu tượng, không xác định rõ ràng thì theo pháp luật hiện hành, hành vi vi phạm không thể bị truy cứu hình sự.
Nếu sau thời gian dài, mười năm hoặc hàng chục năm sau, cơ quan chức năng có kết luận cụ thể hành vi – hậu quả là logic (người sử dụng thực phẩm chứa chất độc hại bị thiệt mạng) thì khi đó thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự cũng đã hết.
Các hành vi vi phạm về môi trường có khả năng gây hậu quả rất nghiêm trọng cho sức khỏe, tính mạng con người như mua bán rác thải y tế, mua bán rác thải công nghiệp chưa qua xử lý, còn chứa các chất độc hại… vì thế chủ yếu vẫn hành chính hoá, nộp phạt rồi buộc trục xuất (nếu là hành vi nhập khẩu rác thải).
Thay đổi quy định pháp lý: Hậu quả chỉ là tình tiết tăng nặng
Những lỗ hổng pháp lý này không phải bây giờ mới được nhắc đến nhưng khi hiện thực đã chứng tỏ sự bất cập quá lớn (hàng loạt vụ vi phạm gần đây đều không thể xử lý hình sự, dù hành vi vi phạm rất nguy hiểm), các nhà làm luật không thể chậm trễ hơn.
Chính vì vậy, một trong những nội dung sửa đổi BLHS năm 1999 mà Ban soạn thảo đang nghiên cứu, lấy ý kiến cơ quan chuyên môn thì những quy định về các yếu tố cấu thành tội phạm đối với nhóm tội phạm về môi trường, sức khỏe con người được đặc biệt chú ý.
Theo đó, nhiều ý kiến từ cơ quan chuyên môn đề nghị sửa đổi: Quy định các tội phạm về môi trường theo hướng có cấu thành hình thức, tức là chỉ cần quy định hành vi vi phạm và các dấu hiệu khác mà không cần yếu tố hậu quả.
Khi hậu quả xảy ra, tuỳ mức độ nghiêm trọng hay không để đưa vào tình tiết tăng nặng. Nghiên cứu pháp luật các nước trên thế giới cho thấy đây là việc điều chỉnh cần thiết.
Thứ hai, hình sự hoá một số hành vi vi phạm về môi trường có khả năng gây hậu quả rất lớn cho sức khỏe, tính mạng con người như mua bán rác thải y tế, rác thải công nghiệp chưa qua xử lý để sản xuất các mặt hàng tiêu dùng, đồng thời nghiên
cứu, tham khảo kinh nghiệm pháp lý quốc tế để đưa ra những quy định mang tính dự báo.
Hình thức phạt tiền đối với các tội phạm về môi trường với tư cách hình phạt chính và hình phạt bổ sung nhằm đảm bảo tính răn đe.