Tại xã Hữu Bằng – nơi có nhiều bệnh nhân tả nhất Việt Nam hiện nay – vôi bột được rắc khắp nơi, 38 quầy kinh doanh thực phẩm và một trường mầm non bị đóng cửa. Song cơ quan chức năng vẫn lo ngại bệnh dịch phát tán khi có tới gần nửa số hộ dân ở đây không có toilet, nước sạch.
Sau khi có tới gần 140 người phải cấp cứu vì tiêu chảy từ ngày 13/04, chính quyền xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây, đã tiến hành hàng loạt biện pháp mạnh để chống dịch. Nhân viên y tế phun hóa chất, rắc vôi bột ở nhà bệnh nhân và tất cả các ao chuôm, cống rãnh, nhà vệ sinh công cộng…
Chỉ trong một buổi chiều 15/04, toàn bộ gần 16.000 dân và 2.000 lao động tạm trú được uống thuốc phòng tả. Một trường mầm non của xã phải dừng đón nhận các bé. Xã cũng tạm đình chỉ tất cả các quán bún phở, thịt chó trên địa bàn, lập chốt kiểm tra để ngăn đưa rau sống vào xã; và yêu cầu các gia đình có đám cưới chỉ tổ chức tiệc ngọt thay vì ăn uống linh đình…
Hiện cả 9 thôn ở Hữu Bằng đều có bệnh nhân. Trong 41 mẫu bệnh phẩm đầu tiên được chuyển lên Hà Nội xét nghiệm, có 23 mẫu dương tính với tả, chiếm hơn một nửa. Đến hôm 16/04, số ca tả được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định là 30. Trong đợt dịch tiêu chảy cấp này, không xã nào ở cả 3 miền tập trung số bệnh nhân tả đông đến như vậy.
Dịch bùng phát ngay sau hội chùa Tây Phương và chùa Thầy (ngày 11 và 12/04). Theo phong tục địa phương, trong dịp này, người dân Hữu Bằng nghỉ việc để vui chơi và tổ chức ăn uống, trong đó có một món không thể thiếu là thịt chó. Sáng 13/04, một người đàn ông ở thôn Bàn Giữa bị đi ngoài tháo dạ (sau đó được khẳng định nhiễm tả), và từ đó đến hết ngày, có thêm hàng chục người nữa ở nhiều thôn phát bệnh. Ngày hôm sau, dịch lên đến đỉnh điểm với gần 70 người mắc mới. Nhiều gia đình có 2-3 bệnh nhân. Một số trường hợp bị nặng, mạch và huyết áp không đo được.
Tại xã Hữu Bằng, cứ 10 gia đình thì 4 hộ không có toilet, 5 hộ không có nước sạch, là yếu tố khiến các chuyên gia y tế không khỏi lo ngại dịch sẽ tiếp tục lai rai hoặc dễ bùng phát lại tại đây. “Tình hình vệ sinh rất tệ” – ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương, nhận xét sau chuyến về Hữu Bằng hôm 16/04.
Giải thích nguyên nhân của tình trạng này, chính quyền xã cho rằng do đất đai quá chật, gần 16.000 người chen chúc nhau trong 2 km2 cả đất thổ cư và canh tác, nhiều nhà rộng 20-30 m2 và có đến 3 cặp vợ chồng chung sống. Tuy nhiên, nhiều người dân, trong đó có ông Huy ở thôn Đông, cho rằng đó là do thói quen: “Với dân ở đây, thiếu gì thì không chịu được, chứ thiếu hố xí thì cũng không phải là vấn đề. Ngay nhà tôi cũng mới có”.
Xã có 4 nhà vệ sinh công cộng dành cho những gia đình không có toilet. Tuy nhiên, do các toilet này quá bẩn, và không phải ai cũng ở gần, nên phần lớn chọn giải pháp ra đồng để “giải quyết nỗi buồn”. Theo ông Phan Văn Tý, cán bộ UBND xã, trong những người bị tiêu chảy cấp nguy hiểm, có một số thuộc các gia đình không có toilet. Điều này có nghĩa là, trước khi được phát hiện, họ đã kịp phát tán mầm bệnh ra môi trường. Hiện xã yêu cầu những gia đình có bệnh nhân mà chưa xây toilet phải đi vào bô, đổ Chloramin B rồi mang đến nơi tập trung để xử lý lần nữa, nhưng việc thực hiện cũng rất khó kiểm soát.
Cũng theo ông Tý, có đến 40% số toilet hiện có ở Hũu Bằng không đảm bảo chất lượng. Chất thải từ những nhà vệ sinh này đổ ra gần chục ao tù và cống rãnh có nhiều chỗ lộ thiên. Người dân cho biết trong những ngày mưa, nước và rác thải ở ao và cống rãnh không thoát đi được, cứ dềnh lên đường, rất bẩn và hôi thối.
Không chỉ thiếu nhà vệ sinh, Hữu Bằng còn khan hiếm nước sạch. Chủ tịch xã Phan Lạc Sơn cho biết, hệ thống nước máy chỉ cung cấp đủ cho gần 50% số hộ dân. Số còn lại phải dùng nước giếng, nước giếng khoan, nước mưa… hoặc mua của các dịch vụ tư nhân. Do thiếu thốn, nước sạch được dùng hết sức hạn chế, khiến vệ sinh không đảm bảo.