Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có 151 khu công nghiệp (KCN) tập trung, trong đó 26 KCN được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, các KCN đã thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn 1.029 triệu USD và vốn đầu tư trong nước khoảng 15.820 tỉ đồng. Tuy nhiên, tại hội thảo “Phát triển Khu công nghiệp- Khu chế xuất vùng ĐBSCL- Triển vọng và thách thức” tổ chức tại tỉnh Long An vào cuối tháng 03/2008, có rất nhiều ý kiến cho rằng việc qui hoạch, phát triển KCN của vùng đang dần lộ ra những bất cập. Làm gì để KCN phát triển bền vững là bài toán hóc búa đang đặt ra cho các địa phương trong vùng.
Hệ lụy từ “cơn khát” đầu tư…
Theo Bộ Kế hoạch- Đầu tư, năm 2007, tổng doanh thu các doanh nghiệp trong KCN vùng ĐBSCL đạt trên 1,5 tỉ USD; trong đó xuất khẩu được gần 590 triệu USD; giải quyết việc làm cho khoảng 60.000 lao động. Hiện nay, các dự án đầu tư vào KCN tập trung ở lĩnh vực sản xuất, chế biến nông- lâm- thủy sản.
Ông Trần Hồng Kỳ, Vụ phó Vụ Quản lý Khu công nghiệp- Khu chế xuất (Bộ Kế hoạch- Đầu tư), cho rằng: “Chính sách phát triển và thu hút đầu tư của từng địa phương trong vùng chưa phù hợp. Các tỉnh thường tập trung nhiều vào ưu đãi đầu tư như: hạ giá thuê đất, giảm thuế… Điều này, đã tạo ra sự cạnh tranh không cần thiết giữa các tỉnh trong việc kêu gọi, thu hút đầu tư”.
Theo ông Kỳ, lâu nay các tỉnh trong vùng chỉ chú trọng đến việc lắp đầy diện tích đất công nghiệp mà chưa gắn kết giữa qui hoạch với công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Những dự án bị cấm triển khai ở các nước, khu vực khác bị “đẩy” về các tỉnh ĐBSCL và trong “cơn khát” đầu tư các tỉnh đã “hứng” phải luồng công nghiệp ô nhiễm. Trong khi đó, tỷ lệ lắp đầy diện tích đất công nghiệp các KCN trong vùng mới đạt 33,5% và có khu chỉ mới sử dụng 5%.
Tỉnh Long An hiện có 17 KCN, tổng diện tích qui hoạch gần 7.258 ha. Ông Phan Thành Phi, Trưởng Ban quản lý các KCN Long An, cho biết: “Tỉnh có 8 KCN đang hoạt động. Hết quí I- 2008, các KCN có 222 dự án còn hiệu lực (85 dự án FDI, tổng vốn gần 787,8 triệu USD và 137 dự án trong nước, vốn 4.940 tỉ đồng). Hiện tại, nguồn “đất sạch” trên 3.735 ha đất, chiếm hơn 51% tổng diện tích các KCN toàn tỉnh, nhưng mới cho doanh nghiệp thuê lại 510 ha”.
Hiện nay, Long An đang thu hút những dự án di dời từ TP Hồ Chí Minh hoặc không còn thích hợp với mục tiêu thu hút đầu tư của khu vực Đông Nam bộ. Do những địa phương này đang “kén” nhà đầu tư, nên phần lớn những dự án di dời có công nghệ lạc hậu và sử dụng nhiều lao động.
Còn tại TP Cần Thơ, theo Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, trong quí I- 2008, đã tiếp trên 30 đoàn doanh nghiệp đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Tuy nhiên do chưa có nguồn “đất sạch”, nên chỉ thu hút thêm 8 dự án mới, tổng vốn hơn 81 triệu USD. Hiện nay, các KCN của thành phố có 162 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký trên 961 triệu USD. Trong đó, 117 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong quí I- 2008, tổng doanh thu đạt ngoài 220,8 triệu USD.
Có thể nói, hầu hết các KCN tập trung ở ĐBSCL đều được đặt ở vị thế “đắt địa”, với hệ thống giao thông sẵn có, gần nơi cung cấp dịch vụ. Do đó, chi phí bồi hoàn, xây dựng hạ tầng khá cao; gây khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng và ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư. Bình quân 1 ha đất tại tỉnh Long An, phải chi tới 3- 3,5 tỉ đồng cho san lấp mặt bằng và xây dựng hạ tầng; còn Vĩnh Long và Trà Vinh từ 1,8 đến 2 tỉ đồng… Đó là chưa kể đến chi phí giải tỏa bồi hoàn, tái định cư. Tính ra để được 1 ha đất công nghiệp hoàn chỉnh, Long An mất 8 tỉ đồng; TP Cần Thơ khoảng 5 tỉ đồng.
Nguồn nhân lực dồi dào ở ĐBSCL được xem là một lợi thế cho việc ra đời KCN và mời gọi đầu tư. Tuy nhiên, chất lượng và trình độ lao động thấp, lực lượng này chủ yếu sử dụng trong những lĩnh vực cần nhiều lao động phổ thông như may mặc, thủy sản, da giày…, còn ngành công nghiệp đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao rất khó kiếm lao động. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm môi trường đang là vấn nạn hiện nay của nhiều địa phương.
Hướng đến mục tiêu bền vững: Cách nào?
Không thể phủ nhận những lợi ích từ sự phát triển các KCN tập trung mang lại. Ngoài những đóng góp cho tăng trưởng kinh tế vùng, các KCN còn giải quyết việc làm cho người lao động và có thể “thu gom” tất cả nguồn ô nhiễm về một khu vực, tạo điều kiện cho ngành môi trường dễ dàng kiểm soát ô nhiễm, thuận lợi hơn trong việc đưa ra giải pháp xử lý. Song, hiện tại toàn vùng chưa có KCN nào đáp ứng yêu cầu xử lý chất thải triệt để; nước thải từ sản xuất công nghiệp phần lớn không được xử lý triệt để mà trực tiếp thải ra sông, rạch.
Các KCN chưa có hệ thống lưu trữ và xử lý chất thải rắn an toàn về mặt môi trường, đặc biệt là chất thải nguy hại. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư hạ tầng KCN chỉ xây dựng nhà máy xử lý nước thải trung tâm khi đã lắp đầy 50- 70% diện tích đất công nghiệp, mà lẽ ra phải xây dựng ngay từ khi triển khai dự án cùng với công trình giao thông, cấp – thoát nước.
Hiện nay, suất đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải tập trung của một KCN khá lớn. Chẳng hạn, cuối tháng 03/2008, các công ty đã chào giá thiết bị nhà máy xử lý nước thải 1.000 m3/ngày bằng công nghệ sinh- hóa tại Cụm công nghiệp nhựa Đức Hòa khoảng 600.000 USD; trong đó chi phí xây dựng nhà máy 200.000 USD. Con số này không nhỏ đối với các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN, nên một số KCN đã khởi động và lắp đầy vẫn chưa xây dựng được nhà máy xử lý nước thải. Như ở TP Cần Thơ có 5 KCN tập trung, KCN Trà Nóc I (135 ha) đã lắp đầy 100% diện tích, KCN Trà Nóc II khoảng 70%, các KCN còn lại trong quá trình triển khai xây dựng hạ tầng, giải phóng mặt bằng, nhưng chưa có khu nào có nhà máy xử lý nước thải tập trung.
Theo ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, từ giữa năm 2007, UBND thành phố đã cắt kinh phí cấp cho Công ty Xây dựng hạ tầng KCN, nên việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải bị chậm lại. Ban Quản lý đang xây dựng dự án mời gọi doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý nước thải.
Còn ở Long An, trong 17 KCN, mới có KCN Đức Hòa I và Thuận Đạo đang vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung giai đoạn I. Các KCN Long Hậu, Đức Hòa III- Việt Hóa, Cầu Tràm đang xây dựng. Riêng công trình xử lý rác thải, theo qui hoạch chi tiết và báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, tại các KCN chỉ có khu xử lý rác sơ bộ, đóng vai trò bãi rác trung chuyển đi khu xử lý rác tập trung (tại Tân Thành, huyện Thủ Thừa), nhưng hiện tại khu xử lý rác này chưa hoạt động.
Ông Phan Thành Phi, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Long An, thừa nhận: “Hiện nay, nạn ô nhiễm môi trường nếu không kiểm soát và quản lý chặt chẽ sẽ đe dọa sự bền vững trong phát triển các KCN nói riêng và cả nền kinh tế của tỉnh”. Các KCN Long An hiện có 34 dự án đầu tư hạ tầng, nhưng mới 15/34 dự án đã lập và được cơ quan thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trong khi đó, nếu 17 KCN trong tỉnh đi vào hoạt động, trung bình hàng ngày sẽ thải ra môi trường 363 tấn rác thải công nghiệp, 151.000 m3 nước thải.
Ông Huỳnh Văn Thoàng, Trưởng Ban quản lý KCN tỉnh Vĩnh Long, cho rằng: “Công tác qui hoạch KCN còn bộc lộ nhiều bất cập, chưa tuân thủ những qui định về BVMT; chỉ nhìn trong phạm vi tỉnh mà chưa chú trọng đến liên kết vùng. Yếu tố vùng rất quan trọng để qui hoạch, xác định những ngành công nghiệp đặt ở thượng lưu, hạ lưu, hay bố trí xa nguồn nước. Hiện nay, các chương trình hỗ trợ từ cơ quan chức năng chỉ tập trung vào giải quyết vấn đề làm thế nào cải thiện môi trường đầu tư. Rất ít dự án giám sát ô nhiễm môi trường và thống kê chất lượng nước thải tại KCN một cách toàn diện”.
Hiện tại, Vĩnh Long mới có KCN Hòa Phú (129 ha) đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đang xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất 4.000 m3/ngày đêm. Còn tuyến Công nghiệp Cổ Chiên (430 ha), KCN Bình Minh 130 ha đang hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng.
Theo Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ, trong bối cảnh hiện nay, ĐBSCL không nên lôi kéo dự án mà nơi khác từ chối để tổn hại đến các ưu thế đang có. Làm như vậy, một lần nữa, ĐBSCL lại là khu vực đi sau và rơi vào vòng lẩn quẩn. Phải tận dụng ưu thế để xây dựng năng lực cạnh tranh chuẩn bị cho chiến lược lâu dài.
Theo Quyết định 1107/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: đến năm 2010 qui hoạch phát triển KCN vùng ĐBSCL lên đến 31.500
ha và năm 2020 khoảng 50.000 ha, trong đó 50% diện tích thuộc địa bàn tỉnh Long An.
Tiến sĩ Bùi Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Khoa học- Công nghệ (Bộ Khoa học- Công nghệ), cảnh báo: “Triển vọng phát triển KCN của ĐBSCL rất lớn, nhưng nếu không có giải pháp xử lý triệt để vấn nạn ô nhiễm sẽ dẫn đến nguy cơ về môi trường rất khó lường trong tương lai gần. Cần phải giải quyết tốt qui hoạch phát triển gắn với qui hoạch bảo vệ môi trường trên tất cả cấp độ, ngành và địa phương.