Việc đưa vào sử dụng máy trồng mía 2 hàng của nhóm cán bộ và kĩ sư Nhà máy Đường Phổ Phong-Công ty cổ phần (CP) Đường Quảng Ngãi, gồm: Nguyễn Ninh, Thái Thanh Tùng, Nguyễn Văn Quảng, Phạm Thành và Lương Ngọc Cảnh được xem là bước "đột phá" trong lộ trình cơ giới hoá ngành mía đường.
Nhìn chiếc máy trồng mía 2 hàng đang chạy đều tại đám đất bên cạnh, lão nông Võ Văn Hùng (43 tuổi) ở Phổ Phong không khỏi vui sướng: Chẳng bao lâu nữa thì không chỉ người trồng mía ở Đức Phổ, mà các vùng khác trong tỉnh sẽ quên đi nỗi ám ảnh về chuyện tìm không ra nhân công mỗi khi bước vào vụ mới.
Để hiểu rõ hơn về chiếc máy này, tìm đến Nhà máy Đường Phổ Phong vào một sáng gần giữa tháng 4. Mặc dù khá bận với công việc của một Trưởng phòng Kĩ thuật-Chất lượng nhưng anh Thái Thanh Tùng, một trong số 5 thành viên của nhóm nghiên cứu vẫn dành khá nhiều thời gian trò chuyện về chiếc máy mà anh và 4 người khác đã “sinh hạ” ra nó.
Theo lời anh Tùng thì khoảng đầu năm 2008, trên cơ sở tập bản vẽ về máy trồng mía một hàng lãnh đạo Công ty giao cho, một số cán bộ kĩ thuật của Nhà máy đã nhanh chóng bắt tay vào tìm hiểu, mổ xẻ. Sau một thời gian làm việc cật lực, hàng chục chi tiết chưa chính xác, phù hợp đã được chỉnh sửa cùng sự hỗ trợ của nhiều công nhân kĩ thuật, cuối cùng thì chiếc máy trồng mía một hàng (MT 01) đầu tiên được hoàn thành.
MT 01 là một máy công tác, được dẫn động bởi máy kéo MTZ 890 và 892, có khối lượng 750kg; dài 2200 mm, rộng 1680 mm, cao 2000 mm. Máy MT 01 là một tổ hợp đảm nhận 5 khâu trong quá trình trồng gồm: Rạch hàng, cắt hom, rải hom, rải phân và lấp đất. Anh Nguyễn Văn Quảng, một thành viên của nhóm nhớ lại: Ngày đầu tiên thử nghiệm rất nhiều người đã ra xem khiến nhóm nghiên cứu ai cũng hồi hộp. Thế nhưng sự lo lắng trở nên thừa vì máy hoạt động khá tốt, với năng suất trồng từ 1,5-2 ha mía/ca máy (7 giờ).
Mặc dù MT 01 được đánh giá là đảm bảo các yêu cầu kĩ thuật và đạt hiệu quả cao, nhưng do việc dùng máy kéo MTZ 892 để dẫn động nên công suất của máy kéo chỉ mới phát huy được 1/3. Với quyết tâm khắc phục nhược điểm này, trên cơ sở thành công của MT 01, nhóm cán bộ kĩ sư của Nhà máy Đường Phổ Phong lại tiếp tục lao vào nghiên cứu, thiết kế để nó hoàn chỉnh hơn. Và chỉ hơn 2 tuần sau, chiếc máy trồng mía 2 hàng mang kí hiệu MT 02 đã được chế tạo thành công.
So với MT 01 thì MT 02 có nhiều tính năng vượt trội: Năng suất đạt 3-3,5ha/ca máy, tăng 1,5ha/ca máy. Bên cạnh đó khoảng cách hàng của MT 02 điều chỉnh được: 8,8m-0,9m -1,0m. Nói về lợi ích kinh tế, anh Tùng cho biết: Dĩ nhiên là sử dụng máy trồng mía giúp chi phí giảm rất nhiều so với trồng bằng tay.
Tính toán sơ bộ thì 1ha mía trồng thủ công như hiện nay phải qua các khâu: Sử dụng máy rạch hàng, sau đó thuê nhân công để lột, cắt, chuyển hom và đặt theo hàng, cuối cùng là công đoạn bón phân và lấp đất. Tổng tiền thuê nhân công cho kiểu trồng thủ công này tới gần 1,93 triệu đồng/ha. Trong khi đó sử dụng máy MT 01 chỉ tốn khoảng 1,08 triệu đồng/ha, máy MT 02 thì chi phí gần 760.000 đồng/ha, giảm so với trồng thủ công hơn 1,168 triệu đồng/ha và so với máy MT 01 giảm gần 327.000 đồng/ha.
Anh Phạm Thành còn cho biết thêm: Do diện tích đất trồng mía ở các địa phương trong tỉnh thường manh mún, nhỏ lẻ nên thời gian dừng máy và quay đầu nhiều cũng làm hạn chế đáng kể trong việc giảm chi phí hoạt động của MT 01 và MT 02.
Nhưng dẫu sao cũng phải thừa nhận, việc chế tạo thành công và đưa vào hoạt động máy trồng mía đã góp phần rất lớn trong việc giảm chi phí trong khâu trồng mía, giải phóng sức lao động, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi phát triển vùng mía tập trung, chuyên canh.