Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh rơi vào "bão" dịch heo tai xanh. Lệnh cấm mua bán vận chuyển heo bệnh ra khỏi vùng dịch đã được ban hành. Chính quyền các địa phương cấp tốc thành lập các chốt kiểm dịch, tưởng như một… cái móng heo cũng không ra được khỏi vùng, nhưng…
Kì 1: Phận người trong “cơn bão” dịch tai xanh
Những ngày này, cánh lái lợn ở vùng quê nghèo Nghệ An buồn thùi lụi bởi “cơn bão” heo tai xanh hoành hành. Sớm sớm, cánh lái lợn đã tụ tập ngay quán rượu vặt đầu làng với mấy quả ổi xanh lè và chai quốc lủi.
Sơn – một lái lợn có hơn 10 năm thâm niên trong nghề nhăn nhó: “Nếu không có cái “thằng” heo tai xanh hoành hành, giờ này cánh lái lợn đã đi cả rồi, chẳng ai rỗi hơi mà ngồi đây. Mà này, tui nói thật nhé, trời nắng thè lưỡi thế này, chẳng thằng nào chui vào đây uống rượu vặt đâu. Không đi buôn, không có tiền, rảnh việc nên ngồi ăn tục nói phét”.
Tôi đi làm lái lợn
Sơn cười nhăn nhó khi tôi có ý định đi lái lợn một chuyến: “Ông anh mà đi hỏi mua lợn vào thời điểm này, người ta lại bảo là hâm đấy. Lợn đã bị heo tai xanh rồi, chẳng lẽ ông anh cũng bị lây nhiễm. Chẳng ma nào nó nhận mua thịt lợn vào thời điểm này cả, cho dù ông có bán rẻ như cho họ cũng không dám mua”.
Thuyết phục mãi, Sơn cũng đành miễn cưỡng đưa tôi đi theo. Cả 2 leo lên con ngựa sắt cũ rích, đội nắng rẽ vào xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu.
Xóm làng hun hút, bạc thếch dưới cái nắng đầu hè. Đang trong giai đoạn “bão” dịch heo tai xanh nên chẳng ai muốn ra làm đồng. Cả làng buồn như để tang!.
Sơn cười hềnh hệch: “Dân sạt nghiệp vì lợn, lái lợn cũng thất nghiệp vì heo tai xanh. Khi thông tin về dịch heo tai xanh mới tràn lan ở Thanh Hóa và Hà Tĩnh, cánh lái lợn bầy tui còn làm ăn được. Mà có thể gọi là …trúng mánh to. Này nhé, giá lợn thịt ở thị trường Nghệ An lúc đó còn rất cao, khoảng 70-80 ngàn/kg. Dân lo, sợ dịch lây lan sang đàn lợn của mình nên bán tống, bán tháo đi. Thời điểm đó, giá lợn hơi còn không đến nỗi thấp. Dù sao thì họ cũng gỡ gạc được đồng vốn.”
Theo lời Sơn kể thì giai đoạn đầu, khi dịch chưa phát tán ra Nghệ An là “mùa” làm ăn của cánh lái lợn. Hàng trăm con lợn được người dân bán tống bán tháo với giá rẻ hơn rất nhiều. Sáng, khi còn chưa nhìn thấy rõ mặt người, đoàn quân lái lợn đã đổ xô về các xã. Gia đình nào ít thì cũng 1 con, nhiều có khi lên đến chục con. Sau khi gom xong đàn lợn, cánh lái lợn thuê hẳn một xe tải loại lớn rồi chở ra Bắc. Địa phương tiêu thụ nhiều nhất vẫn là Hà Nam, Nam Định và Hà Nội.
Thế không gặp trở ngại nào từ lực lượng thú y à? Sơn trả lời ngay: “Trạm thú y? Dựng lên cho vui đó mà. Mỗi trạm chỉ có vài ba gã lèo tèo, hết ngồi hút thuốc lào rồi lại đi uống rượu vặt. Chỉ có thằng nào quá đen, bị báo thì mới bị bắt thôi. Còn không, đừng nói hàng trăm con chứ hàng ngàn con cũng dễ ợt. Với lại, làm nghề nào quen nghề ấy. Mọi động thái của nhân viên kiểm dịch cánh lái lợn này đều nắm trong long bàn tay. Này nhé, thông thường mỗi ngày, cánh thú y thường chia làm 3 ca trực, đừng có dại gì mà đi và ca thứ nhất và ca thứ 2 (từ 7 – 22h), vì thời gian đó có cả lực lượng liên nghành nữa. Thời gian qua trạm tốt nhất là sau 2 giờ sáng”.
Rồi Sơn kể vanh vách những chốt kiểm dịch: Ở cửa ngõ phía Bắc Nghệ An thì chỉ có 1 trạm ở Hoàng Mai, ở phía Nam thì có trạm gần cầu Bến Thủy, ở phía Tây thì trạm Nậm Cắn….
Tuy nhiên, những ngày “hoàng kim” của cánh lái lợn cũng chẳng là bao. Dịch lây lan quá nhanh, người tiêu dùng không ai ngó ngàng tới thịt lợn nữa. Chuyến cuối cùng, Sơn và một số người trong nhóm gom được gần trăm con với giả rẻ. Tưởng là trúng mánh, nào ngờ….
“2 giờ sáng, anh em lúi húi chất hơn trăm con lợn lên xe. Xe đi qua một loạt trạm kiểm dịch ngon ơ. Mấy thằng cười tít mắt: chuyến này chắc là trúng to. Hàng đến Hà Nam, gọi cho cánh lái lợn ở đây ra nhận thì chỉ nghe ò í e. Đến cuối chiều thì gặp thằng chủ hàng đang cởi trần trùng trục đi ngất ngưởng ngoài đường. Hỏi thì nó trả lời lạnh tanh: “Ông chở về nhà mà …ăn. Dân ở đây không ai thèm ăn thịt heo nữa đâu, họ tránh thịt heo như tránh ma vậy”, Sơn cười như mếu dưới cái nắng nóng ran.
Kiểm dịch bằng … mũi!
Cách đây 1 tuần, tại Trạm kiểm dịch động vật Hà Tĩnh đóng ở Gia Lách (huyện Nghi Xuân, giáp với Nghệ An), khi dịch tai xanh đã bùng phát, mặc dù phải trực 24/24h, nhưng nhìn vào trong bốt thì chỉ thấy… 2 chiếc mũ treo trên tường, vào phòng làm việc thì gặp ông Trần Quốc Thuỷ (trạm trưởng) đang ngồi xem ti vi với 2 cháu nhỏ
Ông Thuỷ cho biết “Trong mấy ngày qua tình hình ở đây rất yên tĩnh. Xe ô tô vận chuyển động vật qua đây đều tự giác vào xuất trình giấy tờ. Nhiều xe chúng tôi đùa là cho qua nhưng họ cũng không dám”.
Hình ảnh này chụp được chỉ cách trạm kiểm soát Gia Lách (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vẻn vẹn… 300m. Cán bộ thú y ở trạm này giải thích rằng họ chỉ có nhiệm vụ kiểm soát xe ô tô, còn “vận chuyển 1-2 con qua trạm thì vẫn được”. |
Khi mới rời chốt được khoảng 300m thì bắt gặp ba chiếc xe máy chở ba con lợn không hề che đậy chạy từ Hà Tĩnh qua thành phố Vinh. Điều lạ lùng là những chiếc xe này chạy một cách ngang ngang nhiên qua Trạm kiểm dịch động vật Gia Lách mà không gặp bất kỳ sự ngăn chặn nào cả (?)
Đưa thắc mắc này hỏi thì được ông Thuỷ giải thích “Trạm chúng tôi chỉ có nhiệm vụ kiểm tra các xe ô tô. Hơn nữa, nếu vận chuyển từ 1 đến 2 con qua trạm thì vẫn được” (!?).
Tiếp cận Nghệ An, nơi nạn dịch chỉ mới bắt đầu nhưng đã được báo động từ lâu, ông Vi Lưu Bình (Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An) cho biết: “Nghệ An đã chuẩn bị tinh thần từ lâu để phòng chống dịch, nhất là dịch tràn sang từ Thanh Hoá và Hà Tĩnh. Tại 2 trạm kiểm dịch hai đầu Bắc, Nam lực lượng cán bộ thú y đã được tăng cường”
Ông Bình kể: “Tại chốt chặn ở Hà Tĩnh, cán bộ thú y phải đứng ở ngay trạm thu phát vé Cầu Bến Thuỷ để có thể quan sát các xe đi qua khi dừng lại mua vé. Vì nhiều chủ hàng có thể tìm cách che phủ lợn nên, cán bộ thú y phải dùng …”mũi” để đánh hơi mùi đặc trưng của lợn. Tại các xã đã phát dịch, các chốt kiểm dịch cũng được thành lập. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến nạn dịch ở Nghệ An là do các lái lợn lọt chốt đem dịch từ vùng khác vào…”.
Tại trạm kiểm dịch phía Nam, khi đi qua đi lại nhiều lần nơi trạm soát vé cầu Bến Thuỷ, hầu như không mấy khi bắt gặp cán bộ thú y trực tại đó như lời của ông Bình nói. Đến trạm, các cán bộ thú y đang bắc ghế ngồi trong trạm nhìn ra đường cách đó khoảng 7m. Không hiểu với cách làm việc này thì họ sẽ kiểm soát xe chở lợn bằng cách nào?
Ông Đỗ Công Đoá (Trưởng trạm kiểm dịch), cho hay: “Mấy ngày hôm nay, không có một xe chở lợn nào đi qua trạm hết. Do thiếu người nên anh em thỉnh thoảng mới đứng được ở trạm soát vé để quan sát …”.
Đi vào vùng dịch thuộc địa phận huyện Diễn Châu, bắt gặp ngay chiếc xe mang BKS 37H-581. chở lợn với số lượng lớn đi hiên ngang qua địa phận chỉ cách vùng dịch khoảng 2km mà không hề gặp bất kỳ một sự cản trở nào. Trong khi đó, UBND tỉnh Nghệ An đã có lệnh cấm buôn bán, vận chuyên giết mổ lợn trên địa bàn hai huyện mắc dịch.
Khi hỏi ông Độ (Chi cục trưởng Chi cục thú y Nghệ An) thì được biết nơi có thể kiểm tra chiếc xe trên về phía Bắc còn cách đó 80km, nằm giáp với Thanh Hoá. Giả sử, đó là chiếc xe mang mầm dịch thì việc phát tán cho các vùng khác là điều gần như chắc chắn…
Tiếp tục hành trình vào hai xã Diễn Nguyên và Diễn Quảng chỉ thấy một chốt kiểm dịch duy nhất nằm ở giữa 2 xã. Trong khi đó đường qua các xã lân cận là Diễn Cát và Diễn Hạnh, không hề thấy có chốt kiểm dịch nào. Nếu là lái lợn thật thì cũng chẳng mấy khó khăn để đưa dịch ra ngoài…
Hầu hết các tỉnh đều nhận định, hoạt động của thương lái chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh lây lan. Thế nhưng, chốt kiểm dịch hoạt động theo kiểu trên thì việc để phát tán dịch bệnh là điều hoàn toàn có thể dự báo trước.