Các nông, lâm trường toàn quốc đang thụ hưởng gần 5 triệu ha đất, trong khi hiệu quả kinh tế – xã hội lại rất thấp, nhất là với các lâm trường. Bộ Chính trị, Chính phủ tìm mọi biện pháp tháo gỡ mâu thuẫn này nhưng rất khó bởi đất đai vẫn là khâu rối rắm, phức tạp nhất.
Cho thuê, mượn vô tội vạ
Song, tại Hội nghị triển khai công tác kiểm tra sắp xếp, đổi mới và quản lý sử dụng đất đai nông, lâm trường quốc doanh năm 2008, do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 16/04, đất đai vẫn là vấn đề mà các địa phương kêu ca là rối rắm, phức tạp nhất. “Kêu” là vậy, nhưng căn nguyên chính là do cung cách quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường không hiệu quả, nếu không nói là bừa bãi.
Đơn cử, trong số hơn 4,6 triệu ha đất đai giao cho các nông, lâm trường quốc doanh trước khi quản lý, đã có trên 7.700ha đã được các nông, lâm trường tự ý cho thuê, cho mượn. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần cho rằng, con số này thực tế cao hơn rất nhiều, trong khi nhiều người dân, doanh nghiệp (DN) muốn có đất sản xuất mà không có, gây ra sự bất công.
Thậm chí, xấp xỉ 54.000ha đất nông, lâm trường khác đang bị lấn chiếm, xâm canh. Tình trạng đất sản xuất trong nông, lâm trường bị lấn chiếm quá phức tạp, còn địa phương lại không tập trung giải quyết nên tranh chấp kéo dài.
Hơn nữa, diện tích đất đai mà các nông, lâm trường quốc doanh buộc phải giao lại cho chính quyền địa phương quản lý là 757.000ha, đến nay mới bàn giao chưa đầy 24.500ha, tức chỉ bằng có 3,2%!?
Ông Nguyễn Xuân Sang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hoá, thừa nhận, mặc dù tỉnh đã cơ bản chuyển đổi xong các nông lâm trường, bước đầu cho kết quả tốt nhưng việc cho mượn, giao khoán đất vẫn rất lộn xộn, phức tạp.
Việc xác định trên bản đồ hay giao đất thực địa đều gặp nhiều khó khăn, mà nguyên nhân là do phụ thuộc nhiều kết quả rà soát, phân loại 3 loại rừng (sản xuất, phòng hộ và đặc dụng) theo tiêu chí mới. Đây cũng chính là lý do khiến đề án sắp xếp đổi mới nông, lâm trường quốc doanh, lẽ ra phải hoàn thành trong năm 2005, nay vẫn ì ạch.
Thậm chí, tại Gia Lai, nhiều nông trường đã khoán trắng, cho thuê đất trong khi sản xuất thua lỗ, nợ tồn đọng lớn dẫn tới bi kịch là muốn phá sản hoặc giải thể đều không được vì âm vốn. Có 2 nông trường đang rơi vào tình trạng “dở khóc dở mếu” này mà địa phương đang phải kiểm tra, xem xét để bàn cách tháo gỡ.
Có nông trường cho địa phương mượn đất sản xuất với số lượng lớn một cách vô tội vạ, thời gian kéo dài, mà buông lỏng quản lý và đánh giá hiệu quả, điển hình như Nông trường Đông Triều (Quảng Ninh).
Có địa phương cho nông trường bán vườn cây gắn với đất để trả nợ trong khi chưa có hướng dẫn của Bộ NN-PTTN, một việc làm tiềm ẩn những sai sót hoặc có thể để lại hậu quả xấu, như trường hợp UBND tỉnh Đăk Lăk cho phép nông trường Phước An bán trên 1.000ha vườn cà phê gần hết chu kỳ sản xuất hoặc không hiệu quả…
Chính vì vậy, mới đây nhất, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp kiểm tra, rà soát tình hình đất đai cũng như hoạt động của các nông, lâm trường. Khoảng 130 nông, lâm trường trên toàn quốc nằm trong danh sách này. Tự các nông, lâm trường sẽ phải tiến hành rà soát trong tháng 05/2008, trước khi lãnh đạo địa phương kiểm tra.
Nguy cơ tụt hậu
Sau đó, 5 đoàn của Ban chỉ đạo sắp xếp đổi mới nông, lâm trường quốc doanh sẽ đi kiểm tra thực tế, khoảng một nửa trong 130 nông, lâm trường trên. Dự kiến, công việc kiểm tra tiến hành từ 01/08 đến 30/10 và đến cuối năm sẽ tổng hợp báo cáo, trình Chính phủ.
Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cho rằng, không thể chấp nhận tình trạng quản lý đất đai lớn nhưng hiệu quả sản xuất lại thấp như vậy. “Nếu chúng ta không có chủ trương đẩy mạnh phát triển nông, lâm trường, nâng cao hiệu quả hoạt động thì sẽ tụt hậu”, ông nói.
Chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát cũng nhận định, thực chất lâm trường cũng như ban quản lý rừng, mà ban quản lý lại nhưg một bộ máy hành chính, ngồi điều hành rồi thuê người dân bảo vệ rừng. Với tình trạng đó, chúng ra sẽ không bảo vệ được rừng, rừng sẽ chết.
Ông yêu cầu, phải làm rõ về hiệu quả sử dụng từng mảnh đất được sử dụng như thế nào, tránh để tình trạng người dân thiếu đất, thiếu việc làm, đói nghèo còn đất và rừng thì lại bỏ hoang. Bộ trưởng Cao Đức Phát tỏ ra lo ngại: “Trong khi diện tích đất nông nghiệp đang bị thu hẹp, việc tăng trưởng hầu như trông vào việc tăng năng suất. Song, ở khu vực ĐBSH và ĐBSCL, việc tăng năng suất hiện rất khó khăn, giờ phải trông lên miền núi, vùng sâu để khai hoang tăng diện tích”.