Theo một công trình nghiên cứu do Ngân hàng Thế giới tài trợ, công bố ngày 15/04, với tốc độ xây dựng như hiện nay, nền đất của Jakarta sẽ bị lún dần và đến ngày 06/12/2025, nước biển sẽ lấn sâu tới 5 km vào vùng đất liền của thành phố, tới tận Phủ Tổng thống của Indonesia.
Thậm chí, nước biển có thể hoàn toàn nhấn chìm khu vực thành cổ lịch sử ở phía Bắc thành phố ven biển này.
Các chuyên gia nhận định thời điểm cuối năm 2025 chính là một đỉnh điểm của chu kỳ thiên văn kéo dài trong khoảng thời gian 18,6 năm. Đến lúc đó mặt nước biển Java sẽ dâng cao đủ để nhấn chìm các vùng thấp trũng của thủ đô Jakarta.
Theo dự báo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, đến năm 2025, mực nước biển chỉ dâng cao thêm 5 cm. Nhưng ông Brinkman – một trong những người tham gia công trình nghiên cứu (thuộc Viện nghiên cứu tài nguyên nước Delft của Hà Lan) cho rằng, tới lúc đó, thành phố Jakarta sẽ bị lún sâu xuống từ 40 đến 60 cm.
Ngoài vấn đề tải trọng của các công trình kiến trúc, tình trạng khai thác bừa bãi nguồn nước ngầm của các nhà máy công nghiệp, khách sạn, nhà hàng và những hộ gia đình giàu có ở đây cũng gây ra những ảnh hưởng rất xấu, làm gia tăng tốc độ lún của thành phố.
Mặc dù Ngân hàng Thế giới đã từng kêu gọi ngừng ngay việc khai thác nước ngầm ở Jakarta, đồng thời chính quyền cũng đã áp dụng biện pháp tăng giá khai thác nước ngầm, nhưng cho đến nay tình hình vẫn chưa được cải thiện rõ rệt.
Theo ông Brinkman, nếu không có biện pháp kiên quyết xử lý vấn đề khai thác nước ngầm, một phần của Jakarta sẽ bị lún sâu tới 5 mét. Ông cũng giải thích thêm rằng ngày 06/12/2025 chính là đỉnh điểm của chu kỳ triều cường, nên gần thời điểm đó có khả năng sẽ xảy ra nhiều vụ ngập lụt.