Để Hà Nội tiến tới kỷ niệm sinh nhật thứ 1.000 với một diện mạo mới: Sạch và xanh, cần có thêm nữa những dự án lớn giải quyết ô nhiễm nước. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, năm 1990 Việt Nam có 13 triệu dân thành thị, chiếm khoảng 20% tổng số dân cả nước. Con số này đã tăng lên 25% vào năm 2005 và dự kiến sẽ tăng lên 33% vào năm 2010. Sự bùng nổ dân số cùng với tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh chóng đã tạo ra một sức ép lớn tới môi trường sống ở Việt Nam, đặc biệt là với việc nguồn nước sinh hoạt ngày càng trở nên thiếu hụt và ô nhiễm.
Ao hồ Hà Nội ô nhiễm nặng
Tình trạng ô nhiễm nước nghiêm trọng đang diễn ra ở nhiều nơi trên khắp cả nước, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, nơi có dân cư đông đúc và nhiều khu công nghiệp lớn. Hầu hết sông hồ ở các thành phố này đều bị ô nhiễm bởi chất thải từ khu dân cư và các khu công nghiệp. Phần lớn lượng nước thải đều không được xử lý mà đổ thẳng vào các ao hồ, sau đó chảy ra các con sông lớn tại vùng châu thổ sông Hồng và sông Mê Kông. Nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất, lò mổ… và ngay cả bệnh viện cũng không được trang bị hệ thống xử lý nước thải.
Mỗi ngày, cư dân Hà Nội thải ra khoảng 600.000m3 nước thải sinh hoạt với khoảng 250 tấn ra các sông. Thêm vào đó là một lượng lớn chất thải từ các bệnh viện và các khu công nghiệp. Ước tính có khoảng 260.000m3 chất thải công nghiệp mỗi ngày và chỉ có khoảng dưới 10% lượng nước thải này là được xử lý trước khi đổ ra các sông. Ngoài ra, các bệnh viện cũng thải ra khoảng 7.000m3 nước thải mỗi ngày, và chỉ có 30% là được xử lý.
Do đó, nhiều ao hồ và sông ngòi tại Hà Nội đã bị ô nhiễm nặng. Đáng lưu ý là hệ thống hồ trong công viên Yên Sở, nằm cách Hà Nội 6km về phía Nam, được coi là thùng chứa nước thải của Hà Nội bởi Yên Sở tiếp nhận hơn 50% lượng nước thải của Hà Nội. Hệ thống ao hồ trong công viên Yên Sở đã bị ô nhiễm nặng, tù đọng với chất thải và phát ra mùi hôi thối khó chịu.
Người dân trong khu vực này không chỉ không có đủ nước sạch cho nhu cầu sinh hoạt và tưới tiêu mà điều kiện sống của họ còn bị đe dọa nghiêm trọng vì nhiều khu vực trong công viên cũng là nơi nuôi dưỡng mầm mống của dịch bệnh.
Mặc dù được mở cửa từ năm 2002 nhưng công viên này đã không được sử dụng một cách hiệu quả và gần như không có khách tham quan do sự ô nhiễm trong công viên và mùi ô uế bốc lên từ hồ. Vì vậy, quá trình phát triển của Công viên Yên Sở vẫn dậm chân tại chỗ. Tình trạng này sẽ được chấm dứt trong tương lai bởi tập đoàn phát triển cơ sở hạ tầng và bất động sản lớn nhất Malaysia, Gamuda Berhad, đã được Chính phủ Việt Nam cho phép tiếp tục tham gia vào việc tái tạo công viên Yên Sở và cải thiện chất lượng nước sông hồ ở Hà Nội.
Nguồn nước không an toàn
Sự nóng dần lên của trái đất và bùng nổ dân số đang làm cạn nguồn nước và các nguồn năng lượng khác. Khai thác khả năng sản xuất nguồn nước sạch và hệ thống xử lý nước sẽ có nhiều tác động tích cực đến các ngành kinh tế và toàn xã hội nói chung. Tỉ lệ cấp nước tính trên đầu người của Việt Nam có thể đạt tới 150-250 lít/ngày tại các thành phố lớn như Hà Nội. Tuy nhiên, 40% dân số thành thị đang phải chịu cảnh thiếu nước sạch. Thậm chí không phải tất cả 60% dân số còn lại được dùng đủ nước sạch cho sinh hoạt hàng ngày.
Quan trọng hơn nữa, theo Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Việt Nam, số lượng người chết do các bệnh liên quan đến ô nhiễm nước như viêm màng kết, tiêu chảy, ung thư ngày càng tăng lên. Trên thực tế, 88% các trường hợp mắc bệnh tiêu chảy liên quan đến nguồn nước không sạch. Hàng triệu người dân Việt Nam đang sử dụng nguồn nước ngầm bị nhiễm asen, tác nhân gây ra các căn bệnh ung thư, còi xương, tiểu đường và máu trắng.
Ngoài ra, tỉ lệ trẻ em tử vong tại các khu vực bị ô nhiễm nguồn nước là rất cao. Sử dụng nguồn nước không an toàn, hệ thống xử lý nước cơ bản yếu kém, và vệ sinh không hiệu quả là các tác nhân lớn sinh ra các bệnh gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi như bệnh tiêu chảy, viêm phổi và suy dinh dưỡng. Liên Hợp Quốc ước tính, nếu tỉ lệ người dân không có nước sạch và hệ thống xử lý nước an toàn bị giảm một nửa thì các quốc gia trên toàn thế giới mỗi năm sẽ tiết kiệm được 7,3 tỉ USD chi phí y tế và giá trị làm việc toàn cầu đạt được do ít người nghỉ ốm hơn sẽ đạt gần 750 triệu USD.
Giải pháp: Quan tâm đến các nguồn nước
Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề ô nhiễm nước nghiêm trọng tại Việt Nam? Dĩ nhiên Chính phủ cần phải vạch ra một chiến lược quản lý nguồn nước để đảm bảo nguồn cung cấp nước sạch cho nhân dân. Chiến lược lâu dài là có thể cung cấp những nguồn nước uống an toàn đã qua xử lý và cải thiện hệ thống vệ sinh, chiến lược ngắn hạn là sử dụng những phương pháp xử lý nước đơn giản tại hộ gia đình như lọc nước, đun sôi nước bằng lượng nhiệt thừa từ nấu nướng. Ngay cả việc xây dựng thói quen rửa tay cũng có thể bảo vệ hàng triệu con người.
Bên cạnh đó, ngoài chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức và tuyên truyền với cộng đồng về vệ sinh nước, cách sử dụng và xử lý nước, Chính phủ cũng sẽ cần phải áp dụng những quy định nghiêm ngặt hơn đối với vấn đề kiểm soát ô nhiễm, buộc tất cả mọi doanh nghiệp – từ quy mô nhỏ đến lớn – phải đáp ứng được những tiêu chuẩn tối thiểu. Điều quan trọng nhất là Chính phủ cần đầu tư và xây dựng những dự án nước sạch cũng như các công trình xử lý nước thải để hỗ trợ cho chiến dịch này và thu hút người dân tham gia. Một ví dụ điển hình là dự án công viên Yên Sở trị giá hàng triệu đô la đã được đề cập ở trên.
UBND TP Hà Nội đã và đang làm việc với Gamuda để cải tạo và nâng cấp hệ thống công viên hồ, công viên Yên Sở trở thành một công viên công cộng tiêu chuẩn quốc tế với những hồ nước tự nhiên sạch sẽ, một hệ thống vệ sinh hiện đại. Một trong những phần quan trọng của dự án này là xây dựng nhà máy xử lý nước thải lớn nhất tại công viên Yên Sở với công suất xử lý một nửa lượng nước thải của Hà Nội. Dự án công viên Yên Sở sẽ biến khu công viên bình thường hiện nay thành một cửa ngõ phía Nam sôi động, có môi trường xanh sạch đẹp cùng với những công trình phục vụ thương mại, khách sạn và du lịch.
Nếu có thêm những dự án lớn tương tự để giải quyết vấn đề ô nhiễm nước, Hà Nội sẽ tiến tới kỷ niệm sinh nhật thứ 1.000 với một diện mạo mới: Sạch và xanh.