ThienNhien.Net – Châu Á là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế toàn cầu. Căn cứ vào tỷ lệ tăng trưởng hiện nay, khu vực này được coi là nhân tổ thúc đẩy sự tăng trưởng chung của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, làm sao để duy trì và củng cố sự tăng trưởng này. Đó là một thách thức.
Mới đây, vào ngày 27/03/2008, tại New Delhi, Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP) đã đưa ra ấn phẩm: “Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội khu vực Châu Á-Thái Bình Dương năm 2008”. Trong đó, có giới thiệu quan điểm chính luận về các vấn đề liên quan đến kinh tế và xã hội trong khu vực.
ESCAP đã tiến hành nghiên cứu ở 23 địa điểm trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Ủy ban này.
Ở New Delhi, cuộc nghiên cứu do Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ – Kamal Nath khởi xướng, với sự hiện diện của bà Noeleen Heyzer, Phó Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc và Tổng Thư ký của ESCAP.
Cuộc nghiên cứu năm 2008 với tiêu đề “ Duy trì tăng trưởng và chia sẻ thịnh vượng” đã khảo sát các vấn đề then chốt, các thử thách và nguy cơ mà khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang phải đối mặt trong quá trình phát triển kinh tế xã hội.
Phát biểu trong buổi mở màn, ông Nath nói rằng, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương có khả năng phục hồi nhanh chóng và dự kiến tăng trưởng ở mức 7,7% . Tuy nhiên, viễn cảnh kinh tế xã hội của khu vực này đòi hỏi những quan tâm ngay trước mắt. Nó là một bộ phận trong cơ chế bảo vệ chống lại các cú sốc bên ngoài. Điều cần thiết bây giờ là sự thiết lập một cơ chế đủ mạnh để bảo vệ các cộng đồng tránh khỏi các rủi ro.
Sự sao lãng chính sách
Do sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng ở nông thôn, những cuộc cải cách ruộng đất không đầy đủ và các hoạt động phát sinh lợi tức thay thế còn hạn chế nên sản lượng nông nghiệp đã sụt giảm. Tất cả những điều này đã làm cho mức thu nhập giữa người giàu và người nghèo ngày càng chênh lệch.
Heyzer – Phó Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc và Tổng Thư ký của ESCAP lưu ý, việc tăng giá thực phẩm cùng với nhu cầu nhiên liệu tăng vụt gần đây đã gây khó khăn nhất là đối với người nghèo.
Heyzer cho rằng, “một cuộc cách mạng” sẽ làm tăng sản lượng trong nông nghiệp và có thể khắc phục hậu quả trong những thập kỷ qua, do sao lãng trong chính sách đã làm bần cùng hóa 218 triệu người.
Nghiên cứu của ESCAP cũng nhấn mạnh, cần tập trung đầu tư cho nông nghiệp, nguồn phương kế sinh nhai của 60% dân số khu vực này.
Thông qua nghiên cứu này, ESCAP cố gắng phân tích và lựa chọn chính sách như đa dạng hóa và thương mại hóa các hoạt động kinh tế ở vùng nông thôn.
Nghiên cứu hai đề xuất chiến lược với mục đích tái sinh nông nghiệp. Thứ nhất là bằng cách phát triển khoa học nông nghiệp. Thứ hai là cần tạo điều kiện thuận lợi để di dân khỏi vùng nông nghiệp và đẩy mạnh các lĩnh vực phi nông nghiệp ở nông thôn.
Về mặt này, Heyzer hoan nghênh biện pháp của Ấn Độ trong việc xóa bỏ một khoản nợ lớn cho nông dân. Bà cũng nhấn mạnh đến “tăng trưởng xanh” nhằm giải quyết quan hệ giữa phát triển kinh tế với kiểm soát ô nhiễm, sử dụng năng lượng, nước, vệ sinh sức khỏe và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực sẵn có.