Chỉ cần đi xe máy và "vất vả" vài trăm mét đi bộ, thế là đã có trong tay những tấm ảnh hay đoạn phim chân thực về cảnh người ta công khai phá đi vẻ đẹp đến mê hồn của những cánh rừng tự nhiên ở Mường Do. Trong khi đó, các cấp ngành quản lý rừng nơi đây lại đưa ra hết lý do này, lý do khác biện hộ cho "cái chết" của rừng.
Kỳ 1: Lâm tặc “náo nhiệt” núi rừng
Kỳ 2: Lên núi xem pơ mu bị giết
Rời các bản Han mà trong đầu vẫn luôn thắc mắc tại sao rừng bị “giết” công khai như vậy, làm thế nào lâm tặc chở nhiều gỗ ra ngoài được? Nhưng những ẩn số này không được những người có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng tự nhiên ở Mường Do trả lời thoả tháng. Vẫn chỉ là những khó khăn, vướng mắc quen thuộc hoặc đổ trách nhiệm cho nhau…
“Cũng chịu thôi!…”
Phân trạm Suối Han (Trạm Quản lý bảo vệ rừng Sông Mưa – thuộc Lâm trường Phù Bắc Yên) nằm cách bản Han, nơi rừng bị “giết” không xa.
Tại đây, ông Nguyễn Mạnh Cường, Tổ trưởng tổ Bảo vệ rừng Lâm trường Phù Bắc Yên tại khu vực Suối Han chia sẻ, những diện tích rừng bị tàn phá tại các bản Han của xã Mường Do đều đã giao cho dân và cộng đồng quản lý. Ông Cường bảo, rừng đã giao cho xã, bản quản lý thì xã, bản phải có trách nhiệm chính. Phân trạm không thể can thiệp sâu, dù đó cũng là trách nhiệm của phân trạm.
“Trong khi làm việc, anh em phải tôn trọng nhau, chỉ khi nào có sự cố gì mà xã, bản yêu cầu thì phân trạm mới đến giải quyết, còn không thì thành ra… vô duyên…”.
Ông Cường nói nhiều về “cái khó” của phân trạm Suối Han. Theo ông, trong diện tích rừng bị phá, đội ngũ cán bộ bản là người trực tiếp đã ký hợp đồng là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm, trên nữa là xã, kiểm lâm địa bàn rồi ban lâm nghiệp xã…
Phân trạm Suối Han có nhiệm vụ chính là bảo vệ rừng, ông Cường cũng khẳng định “có xe vận chuyển gỗ lậu qua đây”.
“Nhưng bắt gỗ rất khó, cả phân trạm chỉ có 3 cán bộ, làm sao mà chặn được xe ở ngang dốc này, ai cho phép chặn?” – ông Cường bất lực.
Địa điểm dựng phân trạm Suối Han quá bất lợi, bởi đóng ở lưng chừng dốc, trong khi điện thoại liên lạc lại không có. Trước đây, phân trạm có một chiếc điện thoại kéo dài nhưng để gọi được thì phải… leo lên tận trên đồi.
Nhìn rừng bị “giết”, các cấp, ngành tại Mường Do đã vào cuộc. Đã có nhiều giải pháp đưa ra, trong đó có giải pháp “cắt tiền”. Ông Cường bảo, khi phát hiện rừng của các chủ hộ, cộng đồng bản bị phá thì cuối năm sẽ cắt tiền khoanh nuôi bảo vệ (khoảng 100.000 đồng/ha).
Khi hỏi, nếu chỉ có mỗi giải pháp cắt tiền khoanh nuôi thì dân càng phá rừng và không có gì khống chế được, ông Cường cười: “Ở đây chỉ có 3 anh em, cố giữ lấy được rừng của mình là tốt lắm rồi… Nhiều lúc cũng thấy khó chịu, đến nhắc nhở họ nhưng thấy không động tĩnh gì thì cũng chịu thôi…”.
Đường dây và kẽ hở?
Ông Hà Văn Mươi, chủ tịch xã Mường Do cho biết, tình trạng phá rừng này đã có từ… năm 1989, trừ những nơi người dân không trèo lên được để làm nương thì rừng không bị phá.
“Công tác quản lý bảo vệ rừng trong những năm vừa qua, đặc biệt là trong năm 2008 có những chuyển biến tích cực hơn. Tình trạng khai thác, buôn bán gỗ trôi nổi trên địa bàn có xảy ra nhưng so với cùng kỳ các năm trước thì có chiều hướng giảm, ổn định dần. Và cái yếu của chúng tôi trong công tác bảo vệ rừng là khi đưa dân tái định cư vào không nghĩ đến tương lai của bà con, khi vào đất không có, ruộng không có. Do vậy diễn ra tình trạng phát rừng làm nương, tranh thủ gỗ trên rừng để khai thác trực tiếp làm nhà và kiếm sống” – ông Mươi giải thích.
Ngoài ra, theo ông Mươi, bức xúc nhất hiện tại là từ xã đến trạm Bãi Đu, có không biết bao nhiêu trạm, như trạm của Hạt Kiểm lâm huyện, lâm trường và các địa phương nhưng tình trạng xe vào vận chuyển gỗ từ các xã có rừng ra vẫn “đầu xuôi, đuôi lọt”. “Đường vào xã đã thông thoáng, nếu ra đứng bắt gỗ sợ xe sẽ cán cho, mà không ra thì lại gắn trách nhiệm. Do vậy nên có sự phối hợp đồng bộ từ trên xuống thì công tác quản lý bảo vệ rừng mới làm được…” – Chủ tịch xã Mường Do bức xúc.
Ông cũng đưa ra nghi vấn, tình trạng xe của các chủ đầu nậu qua các trạm mà “không ảnh hưởng gì” chắc chắn có “đường dây hay kẽ hở” gì đó thì họ mới vận dụng để làm và chở gỗ ra được…?!
Chủ tịch xã Mường Do cho rằng, để ngăn chặn được tình trạng phá rừng, không nên giao rừng cho hộ gia đình, cộng đồng bản quản lý rừng tự nhiên và rừng hiện còn. Nên để Nhà nước quản lý, nếu không, sẽ khó cho công tác quản lý điều hành của xã.
Hơn nữa, cũng cần xem lại việc giao chỉ tiêu khai thác rừng hàng năm cho Lâm trường Phù Bắc Yên và việc không giao chỉ tiêu khai thác cho các chủ hộ, cộng đồng. Bởi, sẽ dẫn tới sự so sánh khi cùng một cơ chế chính sách nhưng các chủ hộ, cộng đồng không được khai thác, nếu khai thác sẽ vi phạm.
“Xin được rung chuông cho rừng!”
Cũng những câu hỏi về “nỗi đau rừng bị “giết” này, ông Phùng Đức Pin, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Phù Yên cho biết, tình trạng phá rừng tại xã Mường Do mới chỉ bắt đầu từ tháng 11/2007. Thông tin này hoàn toàn trái ngược với ý kiến của ông Chủ tịch xã Mường Do Hà Văn Mươi.
Ông Pin khẳng định, đến hiện tại, tình trạng phá rừng tại Mường Do đã “lắng xuống”, “chưa thấy anh em phản ánh qua đường dây nóng…”. Ông đưa ra nguyên nhân dẫn tới phá rừng ở Mường Do, là do quản lý từ xã chưa chặt chẽ, nắm bắt không kịp thời.
Theo ông Pin suy nghĩ thì Trưởng bản, Bí thư chi bộ bản có làm ngơ thì mới xảy ra phá rừng. “Về phía cán bộ của Hạt không có sự tiếp tay, chỉ có điều, lực lượng quá mỏng không thể bao quát hết được…”.
Nhưng cứ cho rằng do Trưởng bản, Bí thư chi bộ bản làm ngơ cho việc phá rừng, nhưng từ trung tâm xã tới bản Han 4 cũng chỉ 8km, đường ô tô và xe máy đến tận nơi. Trong khi tình trạng phá rừng không phải ở đâu xa, mà ngay hai bên đường, với những tiếng cưa máy rền rĩ ngày đêm. Đến ngay như người ở xa tới, khi vào Mường Do đã có ngay được những hình ảnh trung thực về tình trạng phá rừng công khai, huống chi là cán bộ kiểm lâm nằm vùng tại đây… ?
Ông Phùng Đức Pin bảo rằng, về giải pháp tối ưu để ngăn chặn được tình trạng phá rừng, UBND huyện Phù Yên cần sớm xây dựng được các mô hình sản xuất, chăn nuôi cho người dân, nhất là vùng tái định cư, giúp bà con nhanh chóng ổn định được cuộc sống. Bởi hiện tại, các mô hình đó chưa thật sự phát huy hiệu quả. Ăn còn chưa đủ thì phải nghĩ cách tồn tại, do vậy phá rừng là tất yếu.
Chuyến đi Mường Do không phải trèo đèo, lội suối vất vả mấy ngày trời mà vẫn được tận mắt chứng kiến cảnh người ta “giết rừng”. Chỉ cần đi bằng xe máy, sau đó đi bộ vài trăm mét, là đã có trong tay những tấm ảnh hay đoạn phim chân thực về cảnh người ta công khai phá đi vẻ đẹp đến mê hồn của những cánh rừng tự nhiên ở Mường Do. Trong khi đó, các cấp, ngành quản lý rừng nơi đây lại đưa ra hết lý do này, lý do khác biện hộ cho “cái chết” của rừng.
Biết là đã quá cũ và quen thuộc với nhiều người, nhưng tiếp tục một lần nữa, xin phép được rung lên những hồi chuông: xin đừng “giết rừng”…!