Tại xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, những cánh đồng màu mỡ canh tác mỗi năm 2 vụ lúa bỗng bị khai thác cạn kiệt. Với lý do cải tạo đồng ruộng, hàng ngàn m3 đất của bà con đã bị chính quyền huyện, xã bán cho Công ty sản xuất gạch ngói Nguyên Phương. Công ty này chỉ sử dụng 30%, còn lại bán cho các cơ sở khác. Thay vì phải giữ nguyên tầng đất trồng trọt và chỉ được khai thác xuống 80cm theo quy định, đồng ruộng bị đào sâu thành ao. Người dân đành đứng nhìn ruộng đất của mình bị huỷ hoại…
Ngày 16/02/1998, UBND tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định số 4185 về quản lý hoạt động khai thác đất sét sản xuất gạch ngói trên địa bàn tỉnh với 3 phương thức: Khai thác đất sét sản xuất gạch ngói thông thường; cải tạo đồng ruộng kết hợp với khai thác đất sét và khai thác đất sét tận dụng đất thổ cư. Theo đó, việc cấp giấy phép khai thác từ 5.000m3 trở lên thuộc thẩm quyền Sở NN&PTNT; còn dưới 5.000 m3 thuộc thẩm quyền UBND huyện. Trá hình dưới phương thức cải tạo đồng ruộng kết hợp với khai thác đất sét, hàng ngàn m3 đất canh tác màu mỡ của nông dân ở xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành đang bị đem bán.
Ông Dương Kính, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Đất đang bị lấy là đất tốt, đất Hành Phước không có chỗ nào xấu, vì dưới là đất sét đen, thì tầng trên giữ nước rất tốt, năng suất cao, nhưng họ cứ đào, chỗ nào có đất sét là đào. Việc bán đất này không nhìn đến hậu quả của sự phát triển bền vững, chỉ thấy lợi trước mắt mà huỷ hoại môi trường.
Bà Nguyễn Thị Đương, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng ngãi nói: “Bán cho họ lấy đất làm gạch chứ có làm gì đâu, làm ăn vậy đó. Bây giờ mùa màng, thiên hạ có mà con tôi đói, không có gạo ăn”.
Việc bán đất ở xã Hành Phước diễn ra rầm rộ đã nhiều ngày nay với 2 giấy cấp phép của UBND huyện Nghĩa Hành, và chỉ khi thấy Đài truyền hình đến, mọi hoạt động mới tạm dừng. Rõ ràng, sai phạm trong cái gọi là cải tạo đồng ruộng, kết hợp với khai thác đất sét. Đất đai màu mỡ bị đem bán, trả lại đồng ruộng là đất sỏi đá, mà nếu có thực hiện cải tạo nông học thì phải 6 vụ nữa cũng không bằng đất cũ. Quyền lợi của nông dân, tài nguyên đất đai và môi trường bị huỷ hoại chỉ vì quyền lợi của một số người.
Ông Trương Ngọc Nhi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: “Việc khai thác do UBND huyện cấp phép đã làm sai quyết định của UBND tỉnh. Hiện nay, theo quy định thì đình chỉ, bồi thường, nếu cố tình vi phạm thì sẽ truy tố trước pháp luật. Vấn đề này thuộc thẩm quyền của UBND huyện, nếu huyện không xử lý, hoặc xử lý không đúng thì UBND tỉnh sẽ xử lý vụ việc”.
Không phải lần đầu tiên đất đai, đồng ruộng ở xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành bị bán trắng. Đã nhiều năm, người nông dân lên tiếng, nhưng cái mà chính quyền địa phương quan tâm lại là lợi nhuận trước mắt, chứ không phải đời sống của người dân hay việc bảo vệ tài nguyên. Người dân mệt mỏi, lo lắng; còn tài nguyên cứ tiếp tục bị huỷ hoại, mặc dù cả nhân loại đang từng ngày góp sức bảo vệ tài nguyên, môi trường…