Đây là một trong 4 giải pháp Hà Nội đưa ra nhằm hỗ trợ ổn định đời sống, phổ cập giáo dục, học nghề và việc làm cho các hộ dân bị thu hồi trên 30% đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố (TP).
Đề án ”Một số giải pháp hỗ trợ ổn định đời sống, học tập, đào tạo nghề và việc làm cho các hộ dân vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp” được đưa ra bàn luận ngay trong ngày làm việc đầu tiên kỳ họp 13, HĐND TP Hà Nội khoá XIII, Hà Nội (17/04).
Đề án này đưa ra 4 giải pháp: Lập Quỹ hỗ trợ; Ban hành quy chế ưu tiên đấu thầu các khu kinh doanh dịch vụ tạo công ăn việc làm cho người bị thu hồi đất; Xã hội hóa các hoạt động dịch vụ, sử dụng lao động tại chỗ; Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.
Theo đề án thì nguồn vốn ban đầu của Quỹ hỗ trợ nông dân bị thu hồi đất là 50 tỷ đồng và trích 50% từ nguồn kinh phí hỗ trợ của các nhà đầu tư sau khi được giao đất, số tiền này sẽ chi hỗ trợ học phí và tiền đóng góp cơ sở vật chất trường học cho học sinh ở độ tuổi phổ cập phổ thông trong vòng 3 năm, gia đình có khó khăn sẽ hỗ trợ tiếp.
Nguồn vốn này cũng dành trợ cấp khó khăn 100% kinh phí bảo hiểm y tế cho người trên 60 tuổi đối với nam và trên 55 tuổi đối với nữ. Đồng thời, trợ cấp cho người già cô đơn, có hoàn cảnh dặc biệt với mức tương đương 30kg gạo/người/tháng.
Quỹ cũng dành cho hỗ trợ học nghề cho người trong độ tuổi lao động có nhu cầu học nghề bằng hình thức cấp thẻ học nghề sẽ chi cho cơ sở đào tạo chứ không chi trực tiếp cho người học.
Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Quang Nhuệ cho biết, TP sẽ xem xét với việc miễn học phí với đối tượng học sinh khó khăn trong vùng thu hồi đất, hỗ trợ suốt đời đối với đối tượng cô đơn không nơi nương tựa.
HĐND TP với số phiếu 100% tán thành, thông qua Nghị quyết về đề án nói trên.