“Vương quốc” đá quý: Chợ đá quý bán như nông sản (Kỳ cuối)

Phiên chợ đặc biệt, có một không hai này chỉ có ở chợ đá quý Lục Yên. Những viên đá hàng chục nghìn đôla được bày bán trên những cái bàn, manh chiếu rách cùng với hàng nông sản. Khách có thể cầm viên đá giá trị ấy đi từ đầu chợ đến cuối chợ cho người này xem, hỏi người kia giá trị, cho dù người ấy không mua cũng chẳng sao…

“Vương quốc đá quý”: Đào đá đỏ, phá rừng xanh (Kỳ1)

Bi hài chuyện đá quý

Anh Nguyễn Long là người buôn đá từ những năm mới xuất hiện đá quý ở đây. Đó là những năm 80 của thế kỷ trước, có lúc đá ràn rạt trên mặt đất, người đi làm nương cũng nhặt được đá đỏ. Một lần, người dân nhặt được viên ruby bán cho một người miền xuôi với giá 1 nghìn đôla. Nghe đâu viên đá ấy được chủ nhân bán lại cho một khách nước ngoài giá gấp mười lần giá mua vào…

Nhiều người tiếc than ngắn thở dài. Đến nay chuyện thua lỗ, mua hớ, bị lừa… ở chợ đá quý nhan nhản. Nhiều vụ mua bán trở thành bi kịch. Nhiều người khuynh gia bại sản, bệnh tật, tự tử… tất cả cũng vì đá quý. Giàu có bất thình lình nhờ đá hoá khùng, nghèo nàn tiều tụy vì đá hóa điên.

Hai ngày ở chợ đá, thấy có một thanh niên lực lưỡng ăn mặc khác thường. Đầu anh ta quấn khăn, mắt đeo kính đen đi ngang dọc chợ có những hành động bất thường. Đoán tay này chắc là “đàn anh, đàn chị” ở chợ này.

“Không phải. Nó tên là Văn người trong xã này. Trước đây nó đào đá, trúng quả. Viên đá ấy bán được gần trăm triệu đồng. Có tiền bán đá, nó chả học hành gì nên chơi ngông, cờ bạc hút xách. Gia đình không còn gì giá trị sau thời gian nó nghiện ma túy. Nó đập phá nhà cửa như một thằng khùng, và giờ nó ngẩn ngơ như thế, suốt ngày lang thang đầu đường góc chợ…”- anh Long cho biết.

Trước những năm 1980, chợ này chỉ là những túp lều tạm bợ người dân dựng lên để bán thuốc lào. Sau những lần đi rừng về có viên đá nào thì họ mang ra cho nhau xem, rồi bán hoặc trao đổi…

Những năm 1983, khi người Thái Lan đầu tư khai thác đá quý tại đây, đá quý nhiều vô kể, thỉnh thoảng họ lại dùng máy bay trực thăng đưa hàng về nước. Mỏ đá họ bỏ lại sau khi lấy được những viên giá trị, người dân khai thác sái cũng tìm được vô khối. Điều này đã làm cho hàng nghìn người đổ về đây.

Cùng thời điểm đó, ở giữa lòng hồ Thác Bà có hàng nghìn người trên ốc đảo nhỏ đào tan hoang các ngọn núi. Cảnh hỗn loạn đâm, cướp, sập hầm diễn ra như cơm bữa. Công an huyện Yên Bình và Lục Yên phải tăng cường hàng trăm cán bộ, chiến sĩ ra đó lập lại trật tự. Sau khi lòng hồ yên ả, nhiều người đã chèo thuyền ra đào bới tìm xác người thân xấu số.

Được đánh giá là nơi có đá quý chất lượng nhất, nhiều người đổ về Lục Yên để mua bán, tới khu chợ đặc biệt. Lợi dụng hoạt động kinh doanh dễ dàng của người dân, kẻ gian đã tìm cách chế tác đá giả bán cho du khách.

Anh Long cho biết: “Du khách nước ngoài hay bị mua phải hàng giả. Vì họ nghĩ rằng “vương quốc” đá ở vùng sâu, xa thế này sẽ không có chuyện đó xảy ra”. Câu chuyện bi hài về đá quý luôn là chủ đề chính ở đây.

Anh Vinh chủ quán cơm, người Ninh Bình lên Lục Yên làm ăn cho biết: “Tôi lên đây từ trước những năm 1980, ai được ai thua tôi biết hết. 10 người buôn nhưng may thì có 2 người trúng. Còn lại đều chết hết. Làm ăn có số cả chú ạ, có tay mới buôn được vài năm mua ôtô mới cáu cạnh chạy vè vè khắp thị trấn”.

 
Kinh nghiệm soi đá bằng đèn pin đánh giá giá trị.

Phiên chợ đặc biệt

7h30 sáng, chợ đã họp. Nếu không có tấm biển “Chợ đá quý Lục Yên” lồ lộ quay mặt ra đường thì người lạ nghĩ đó là phiên chợ nông sản miền núi. Gọi là chợ đá quý nhưng có cả gà, lợn, phở, bún, rau, măng… tất tần tật cái gì bán được thì họ bán cùng với đá quý.

Có khi người đang mua mớ rau muống hàng này, rồi quay sang hàng kế bên hỏi mua đá quý. Tôi đếm đi đếm lại cũng chỉ có 10 bàn bán đá, còn lại là họ trải bao tải, túi nilon xuống đất để bày đá quý.

Bán đá quý, bích ngọc… sao họ lại sơ sài thế nhỉ? Chị Dung bảo: “Chợ này như thế từ lâu rồi. Bây giờ có bàn gỗ là khá đấy, trước đây họ đổ ra bao tải là xong, thậm chí viên đá hàng tỷ đồng họ cũng vứt như vậy”.

Người đi chợ cũng đơn giản, người bán hàng cũng đơn giản. Đá quý họ đổ ra nền đất. Người mua ai cũng có cái đèn pin chuyên dụng. Người không biết quở: “Buôn bán đá quý gì mà nhìn như nông dân thế. ấy vậy mà người ta gọi đây là chợ phiên bạc tỷ đấy. Chợ búa gì lèo tèo thế, chả đông đúc gì cả”.

“Thế thôi. Ngày nào cũng chỉ vậy, hơn chục người bán và vài chục người mua. Đi chợ này có ít tiền chả ai đi. Tôi nghèo cũng phải có 5, 7 triệu đồng trong túi. Người nhiều có khi cả trăm triệu mang theo”.

Ở chợ này, chị Quế chuyên bán đá đã chế tác thành các hình khối, mặt nhẫn…, chị Dung chuyên đá gốc, đá thô. Có người lại chuyên mua đá hồng ngọc tấm (đá nhỏ) để làm tranh đá quý. Loại này mua theo cân, tùy theo sắc độ đậm nhạt của đá.

Đẹp 5-6 trăm nghìn đồng/kg, loại thường 2-3 trăm nghìn đồng/kg. Thú vị hơn cả, khác các chợ khác là chợ đá quý ở Lục Yên lâu nay ít chuyện to tiếng, cãi cọ xảy ra, không như người ta tưởng những nơi này là đầu gấu bưởng trưởng như vẫn nghĩ.
Người này có thể không thích, hoặc thích viên đá nào nhưng có người khác đang xem thì người đến sau cũng không động đến. Nói chung cách buôn bán diễn ra rất lịch sự, họ không tranh giành, mặc dù ai đó biết mười mươi viên đá ấy nếu mua sẽ được lời gấp 5-10 lần.

Mấy ông khách quây quanh viên ruby anh Tuyến mua chiều qua trong lúc vào bãi đá Cổng Trời, một người soi đèn pin vào viên đá, ánh hồng rực, trong vắt làm lộ những tia óng ánh trên thớ đá. “Viên này bao nhiêu, để tôi quyết?”.

“Chỗ anh em tôi lấy bốn rưỡi (4,5 triệu). Sau một vài tiếng kết, viên đá đã được chuyển nhượng đến tay chủ mới với giá 4 triệu đồng”.

Ruby (hồng ngọc) hay Amber (màu hổ phách), Opal (ngọc mắt mèo) Sapphiare, Amethyst (thạch anh tím) Aquamarin (ngọc xanh biển)…đây là những loại đá quý giá trị nhất trên thế giới thì ở chợ này có đủ cả.

Anh Hiệp tay buôn đá chủ cơ sở tranh đá quý ở Lục Yên cho biết: “Không thể đánh giá loại nào đắt nhất được. Giá trị của nó tăng theo độ đậm, trong của đá và nó tùy thuộc vào mục đích, nhu cầu của người mua”.

Theo anh Hiệp, có những viên anh bán chỉ khoảng 10 nghìn đôla nhưng qua tay nó lên đến cả trăm nghìn đôla”. Phiên chợ bạc tỷ, họp trong 2 tiếng đồng hồ, và họp cùng với chợ nông sản của địa phương, đó là điều đặc biệt không chỉ ở Lục Yên mà còn lạ nhất Việt Nam.

Cũng chính từ dải đất Yên Bái này vào tháng 04/1997, một người vùng đất ngọc đã đào được viên đá quý sau này được Nhà nước giữ làm bảo vật quốc gia: “Ngôi sao Việt Nam” đó là tên viên đá ruby lớn nhất có trọng lượng 2.160 gram tương đương 10.800 cara.