ThienNhien.Net – Hơn chục năm nay, người dân xóm 4, thôn Dương Liễu Tây, Thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ (Bình Định), phải sống chung với ô nhiễm, do hoạt động sản xuất của một cơ sở tái chế nhựa gây ra. Dù đã nhiều lần “cầu cứu” chính quyền địa phương, nhưng ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm…
Một hộ làm, cả xóm… “hưởng”
Vừa đến đầu con hẻm rẽ xuống xóm 4, thôn Dương Liễu Tây, thị trấn Bình Dương chúng tôi đã ngửi thấy mùi hôi khét khó chịu xộc vào mũi. Đó là mùi đặc trưng bốc ra từ cơ sở tái sinh nhựa của bà Nguyễn Thị Ưa ở đầu xóm.
Theo người dân ở đây cho biết, bà Ưa đã làm nghề thu gom, tái chế nhựa ở đây hơn chục năm nay và cũng ngần ấy năm, người dân ở cái xóm nhỏ này phải sống chung với ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn từ cơ sở này phát ra. Gần một tiếng đồng hồ “bám trụ” tại đây, mới thực sự thán phục sức chịu đựng của người dân nơi đây trong suốt thời gian qua.
Ông Trần Minh Cử, một người dân có nhà sát vách cơ sở tái chế nhựa của bà Ưa cho biết: “Ăn thua gì cháu ơi! Mấy bữa nay trời mưa nên họ làm chưa hết công suất, chứ như ngày thường thì người lạ đến chỉ dăm phút là… “bức xô”. Họ làm cả ngày lẫn đêm, không những gây ồn bởi tiếng máy móc mà đáng sợ hơn là khói bụi thải ra mịt mùng, mùi hôi khét nồng nặc không ai chịu nổi”.
Khẩu trang – vật bất ly thân của người dân xóm 4 |
Thấy ông Cử kể lể với khách, mấy bà con hàng xóm đang ngồi tránh gió (tránh mùi hôi khét) gần đó, phụ họa thêm: “Không mùi nào giống mùi nào, lúc thì khét, lúc thì tanh, bụi bẩn thì đóng đầy thềm giếng, bể nước… Dân quanh đây mười người hết chục, ai cũng bị đau nhức đầu, buồn nôn, mấy đứa nhỏ thì bị viêm xoang hết”. Chị Nguyễn Thị Hiệp có nhà ngay sau lưng cơ sở tái chế nhựa của bà Ưa, vừa nói vừa chỉ vào đứa con gái của mình, em Nguyễn Thị Hòa (học sinh lớp 10) làm ví dụ: “Đấy, nó cũng đã viêm xoang mấy năm nay rồi. Quanh đây còn nhiều đứa cũng bị như nó. Xóm này đã có 3 nhà không chịu nổi “tra tấn”, phải bán nhà đi nơi khác. Phần vì họ có điều kiện phần vì nhà có con nhỏ nên họ phải ra đi vì tương lai con em họ”.
Chú Tô Văn Hường vừa đi làm về không giấu được bức xúc: “Đi làm cả ngày, tối về nhà để nghỉ ngơi, nhưng nào có được yên. Nào ồn, nào hôi, khét không cách nào chịu được. Trong các cuộc họp chi bộ, họp thôn, họp xóm… dân ở đây ai cũng ý kiến, rồi nhiều lần làm đơn kiến nghị gửi lên UBND thị trấn yêu cầu giải quyết, nhưng chẳng thấy động tĩnh gì.
Được biết, bên cạnh xưởng sản xuất của bà Ưa, trước đây còn có một xưởng tái chế nhựa khác của bà Lương Thị Quý, nhưng khi có Cụm công nghiệp Bình Dương, bà con hàng xóm góp ý, cở sở của bà Quý đã di dời, còn bà Ưa thì vẫn “cố thủ”.
Đem sự bức xúc của người dân xóm 4, thôn Dương Liễu Tây, trình bày với UBND Thị trấn Bình Dương, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Miên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần nhận được đơn yêu cầu giải quyết của người dân và cũng đã vận động di dời nhưng bà Ưa không chịu nên… đành chịu(?!). Địa phương đã dành cho cơ sở của bà Ưa mấy nơi trong Cụm công nghiệp nhưng bà này chê không phải “mặt tiền” nên không chuyển đến”.
Ông Miên cũng cho biết thêm: “Trước kia, nước thải từ xưởng tái chế nhựa của bà Ưa được cho chảy thẳng ra suối (cầu Bình Dương), nhưng sau đó có sự can thiệp của chính quyền nên bà Ưa mới chịu làm bể chứa (dạng hầm rút(?)), để chứa nước giặt rửa các loại bao bì nhựa trước khi tái chế”.
Các loại bao bì nhựa thu gom về thì thượng vàng hạ cám đủ cả, nên nước giặt rửa chúng thì thôi khỏi phải bàn về độ ô nhiễm. Thế mà bao năm nay, lượng nước này vẫn nghiễm nhiên thải ra sông; thấm vào lòng đất dẫn đến nguy cơ ô nhiễm mạch nước ngầm là không thể tránh khỏi. Trong khi đó đa phần các hộ dân ở đây đều sử dụng nguồn nước từ các giếng đào, giếng khoan, giếng đóng.
Chúng tôi “tường thuật” lại những gì mình được chứng kiến trong gần một tiếng đồng hồ ở xóm 4, để ông Phó Chủ tịch thị trấn có thể hình dung ra, thì ông “phán” một câu xanh rờn: “Chắc không nghiêm trọng lắm đâu!”. Ông còn viện lý do vì: “Có lần bà Ưa đã nhờ cả người của Sở Tài nguyên – Môi trường ra đo đạc để “minh oan” cho việc làm của mình, khi có kết quả đâu thấy họ có ý kiến gì. Họ còn bảo rằng có cái (thông số về chất lượng môi trường, hàm lượng chất gây ô nhiễm) thì vượt, có cái thì không, mà vượt thì không nhiều lắm”. Trước khi chào ra về, ông Miên còn với theo rằng: “Chúng tôi sẽ tiếp tục… vận động, nếu không được sẽ làm “mạnh tay” hơn.
Không biết “sẽ” là đến khi nào và “mạnh tay” là biện pháp gì, còn hiện giờ thì mấy chục hộ dân xóm 4, thôn Dương Liễu Tây vẫn phải chờ, như hơn chục năm nay họ đã chờ. Mà nghe đâu, có người không chờ được đến ngày được hưởng bầu không khí trong lành đã phải “ra đi” vì bệnh ung thư.
Điều 37, Luật Bảo vệ môi trường 2005: Cơ sở sản xuất hoặc kho tàng thuộc các trường hợp sau đây không được đặt trong khu dân cư hoặc phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư: Có chất độc hại đối với sức khỏe người và gia súc, gia cầm; phát tán mùi ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người; gây ô nhiễm nghiêm trọng các nguồn nước; gây tiếng ồn, phát tán bụi, khí thải quá tiêu chuẩn cho phép. |