Kỳ 1: Phận người trong “cơn bão” dịch tai xanh

Trong vai “lái lợn” xuôi ngược Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá, mới thấu hiểu cho những phận người dân nghèo trong “cơn bão” dịch heo tai xanh.

Mua lợn dịch theo … mớ!

Tại xã Diễn Nguyên (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), tiếng một người phụ nữ cắt ngang câu chuyện đang rôm rả giữa những lái lợn: “Chú Sơn à? Nhà còn mấy con lợn, chưa bị dịch nhưng tui lo quá. Chú mua thì tui bán rẻ cho vậy”.

Đồng ý mua, mấy tay lái lợn đi theo người đàn bà. Bóng bà khắc khổ đổ xuống dẫn đường trong buổi trưa bỏng rát đầy gió Lào.

Căn nhà xộc xệch, rêu phong phủ đầy. Trong nhà chẳng có vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc ti vi đã cũ rích. Rót nước mời khách, giọng bà Phan Thị Biên (xóm 4, xã Diễn Nguyên) nghẹn lại: “Nói thực, nhà tui không còn lợn nữa, nhưng con gái ở xóm bên còn một đàn lợn nữa. Chưa bị dịch nhưng tui lo quá nên bảo nó bán tống đi. Ngày mô tui cũng ra đầu ngõ, cứ mong thấy cánh buôn lợn để nhờ mua giúp nó. Tui đã trắng tay vì dịch heo tai xanh này rùi, không muốn gia đình con gái cũng khốn khó như tui”.

Gia đình bà Phan Thị Biên là một trong những gia đình chịu nhiều thiệt hại do dịch bệnh, kể lại: “khi lợn trong làng mắc bệnh, nhiều lái lợn đã đến trước cửa nhà để hỏi mua. Mấy con lợn nhà tôi do đã mắc và phát bệnh nên họ trả giá theo mớ…”.

Cơn “bão tai xanh” đã cuốn phăng mọi dự định của bà Biên. Đàn lợn của bà đã gần đến ngày xuất chuồng, nếu yên lành, trừ chi phí cũng phải lời được gần chục triệu. Bà đang dự đinh bán xong lợn sẽ trả một phần nợ ở ngân hàng huyện, phần còn lại sẽ sửa sang lại ngôi nhà đã xuống cấp.

Đùng một cái, chẳng ai báo trước, xã thông báo có dịch heo tai xanh. Thế là đàn lợn của bà cũng “dính” phải. Bà đành gạt nước mắt để cho cán bộ thú y bắt toàn bộ đàn lợn đi tiêu hủy.

“Mà cũng lạ, lẽ ra chính quyền địa phương phải dự báo trước căn bệnh này để cho người dân bầy tui đề phòng. Đường này, không ai biết trước được điều gì cả. Buổi sáng, chỉ thấy cán bộ xã đến thông báo: gia đình nào có lợn mắc phải những triệu chứng như thế này thì làm bản kê, để xã hỗ trợ thuốc chữa bệnh. Sau khi gửi thông báo, thú y xã đến và buộc gia đình phải tiêu hủy. Giá như chính quyền có dự báo trước về cơn đại dịch này” – bà Biên chua chát.

Chung cảnh ngộ như bà Biền còn hàng trăm hộ dân ở các xã Diễn Nguyên, Nhân Thành, Hoa Thành… trên địa bàn Nghệ An. Với những người dân nghèo ở mảnh đất cằn khô này, đàn lợn là cả một gia sản lớn. Mọi ước mơ, ý tưởng đều trông chờ vào đàn lợn sắp xuất chuồng này. Đàn lợn có thể giúp họ sửa sang lại cái nhà, sắm thêm một số vật dụng, cũng là nguồn kinh phí cho đứa con khi mùa thi sắp đến gần, có khi lại là chắp mối lương duyên cho những đôi trai gái trong làng. Nhưng giờ đây…..

Khóc ròng vì lợn

 
Bà Lê Thị Quế, thôn 2 Thọ Lộc nuối tiếc bên con lợn nái sắp phải tiêu hủy.

Trong khi đó, tại xã Thọ Lộc (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá), gặp bà Lê Thị Quế ở thôn 2. Bà Quế khóc một cách thảm thiết thương hai con lợn sề (lợn nái) nặng 173 kg của mình bị dịch tai xanh. Hoàn cảnh của bà cũng hết sức éo le. Chồng bà mất cách đây 12 năm, để lại cho bà 5 đứa con dại. Mình bà chèo chống lam lũ nuôi con ăn học. Bình thường hai con lợn nái là tài sản lớn đối với bà. Mỗi lứa lợn cũng giúp bà có thêm 3-4 triệu đồng lo trong lo ngoài.

Mỗi tháng như vậy, bà phải chu cấp cho đứa con đang học nghề ở Hà Nội và đứa con út đang học phổ thông cũng mất vài triệu. Trận rét vừa rồi, mấy sào ruộng lúa chết gần hết. Cuộc sống của bà Quế lúc này rất khó khăn.

Bà Quế nghẹn ngào nói: “Cảnh mẹ góa, con côi khổ lắm chú ạ! Tôi làm đơn xin xác nhận mình thuộc diện hộ nghèo nhưng chính quyền xã không chấp nhận. Làm đơn vay tiền ngân hàng thì họ bảo chưa đến đợt cho vay. Tôi đành chạy đôn chạy đáo hết làng trên xóm dưới nhờ anh em họ hàng và vay nợ lãi của cá nhân để lo cho các con học hành. Lợn bị ốm, tôi hết sức hoang mang, mong chính quyền các cấp thương mẹ con tôi và hiểu cho nỗi thống khổ của dân nghèo”.

Chị Hoàng Thị Lâm ở thôn 4 (xã Thọ Lộc, huyện Thọ Xuân) có một ổ lợn nái 6 con. Khi chưa có quyết định tiêu hủy lợn ốm thì con lợn mẹ nặng 150kg phát dịch và chết.

Chị Lâm báo cáo lãnh đạo thôn và tiến hành chôn con lợn đó. Vì chồng đi làm thuê ở xa, hai con đang nhỏ nên chị phải nhờ người chôn lấp con lợn chết đó. Đến hôm nay khi 5 con lợn khác cũng bị bệnh, chị đưa số lợn đó đi tiêu hủy và đề nghị ghi danh sách con lợn do gia đình đã tự tiêu hủy cách đó mấy ngày nhưng lãnh đạo địa phương không đồng ý. Qua bức xúc, chị khóc hết nước mắt kêu ca mấy ngày mà không một lời chia sẻ.

Ngay khi gặp chị Lâm, ông Lê Văn Đốc (Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, người trực tiếp chỉ đạo công tác dập dịch ở Thọ Xuân) đã chỉ đạo Ban chỉ đạo chống dịch xã Thọ Lộc và huyện Thọ Xuân: “Tiến hành lập biên bản có sự cam kết của những người trực tiếp chôn con lợn ốm đó của nhà chị Lâm. Sự việc có thật thì hãy ghi vào danh sách được hỗ trợ cho gia đình chị Lâm”.
Được biết, chị Lâm hiện đang vay 10 triệu đồng nợ lãi của các cá nhân với lãi suất rất cao, trong khi đó với lý do nhà chị Lâm không thuộc diện hộ nghèo nên không được vay tiền ngân hàng để phát triển kinh tế.

Hiện nay tại Thanh Hoá, dịch có nguy cơ “len lỏi” đến các huyện miền núi. Ông Lê Như Tuấn (Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa) cho biết: “Nếu dịch lây lan đến các huyện miền núi thì công tác dập dịch sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi địa bàn rộng, giao thông không thuận lợi. Các huyện miền núi vừa kinh qua trận rét chết bao nhiêu trâu, bò… nay mà có dịch tai xanh chắc họ khó mà vực dậy được”.

… Chia tay với bà Biên, với những người dân nghèo đang gồng mình với cơn “bão” dịch ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá, không thể không trăn trở trước câu hỏi như than của bà Biên: “Giá như chính quyền có thể dự báo trước cơn đại dịch này và hướng dẫn người dân tìm ra cách đối phó thích hợp”.

Rồi đây, những người dân nghèo ở đây phải chống chọi với cuộc sống hết sức khó khăn. Mọi mơ ước đều dở dang. Căn nhà bà Biên vẫn loang lổ, dột nát khi cơn mưa rào ập đến. Trong hàng trăm thí sinh bị lỡ hẹn với giảng đường, hàng trăm đôi lứa lỡ thì biết đâu có người xuất phát từ làng quê nghèo vùng Bắc Trung Bộ này.