Năm nào chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế và thành phố Huế cũng tổ chức họp bàn, rồi ra nghị quyết, văn bản…đã không biết bao nhiêu lần nhắc đến quyết tâm phải tái định cư, đưa toàn bộ người dân vạn đò ở sông Hương lên bờ nhằm tạo cho họ cuộc sống bền vững, ổn định, cũng như trả lại sự sạch đẹp cho sông Hương và cảnh quan thành phố. Tuy nhiên mọi chuyện vẫn hết sức khó khăn bởi một nguyên nhân duy nhất là chưa có kinh phí.
Huế: Gian nan cư dân vạn đò (Kỳ 1)
Đầu năm 2008 này, một tin rất vui đã đến với hơn 1.000 hộ dân vạn đò ở Huế, Chính phủ đã đồng ý đưa kế hoạch vay 15 triệu USD bằng nguồn vốn ODA của Luxembourg để thực hiện tái định cư cho vạn đò xứ Huế. Lời đề nghị này đã được Luxembourg đồng ý.
Loay hoay chuyện đất ở, việc làm
Trước khi thực hiện cuộc tái định cư quy mô lớn dành cho những hộ dân vạn đò còn lại trên sông Hương, chính quyền thành phố Huế đã xây dựng ít nhất hai khu tái định cư cho người dân sống ở vùng sông nước ở phường Trường An, Kim Long. Sau 10 năm lên bờ, đời sống họ đã có nhiều đổi thay nhưng vẫn còn nhiều chuyện làm đau đầu các nhà quản lý địa phương.
Ông Nguyễn Kề, tổ trưởng tổ 18 khu tái định cư (KTĐC) Kim Long, tự hào: “Đời sống bà con nhìn chung khấm khá hơn những ngày còn ở đò. Có một mái nhà tá túc qua mưa nắng, không phải chạy đôn, chạy đáo núp nhờ, trú tạm, đã là hạnh phúc. Khu vực này hoàn toàn “sạch” về tệ nạn ma túy, mại dâm. Tuy nhiên bên cạnh nhiều cái được làm thay đổi đời sống phần đông một bộ phận dân cư đặc thù, một số vấn đề khác nảy sinh khiến chính quyền địa phương lúng túng”
Lên bờ từ những năm 1986, 1987 gần 150 hộ vạn đò khu vực An Cựu, Vĩnh Ninh đến sống tại KTĐC phường Trường An (sau khi chia lại ranh giới địa chính, KTĐC này do phường Phước Vĩnh quản lý). Bình quân mỗi hộ tái định cư được cấp 200m2 đất ở và được hỗ trợ 6 tháng lương thực. Sau một thời gian, nhiều chủ hộ cắt xẻ đất bán bớt, có hộ trở về sống đời sông nước hoặc đi nơi khác làm ăn. Hiện tượng tách hộ thì ít nhưng quá trình mua bán khiến khu vực này không còn là nơi sinh sống dành riêng cho các hộ vạn đò tái định cư. Trong 3 tổ, tổ 20 hiện là nơi sinh sống của phần đông cán bộ công chức.
Theo thống kê của tổ trưởng tổ 21, 90% các chủ hộ cắt xẻ đất sang nhượng; tỉ lệ này ở tổ 22 chỉ kém 10%. Phần đông người dân chỉ bán 100m2 đất, số cá biệt bán 2/3 kiếm tiền trang trải sinh hoạt hoặc đầu tư xây dựng nhà ở. Chính vì quy hoạch xây dựng chưa đồng đều nên bộ mặt KTĐC Phước Vĩnh không được đồng nhất.
Bà Đỗ Thị Thanh Mai, Chủ tịch UBND phường Trường An (đơn vị quản lý cũ) thừa nhận: “Tiếng ở vùng cao nhưng một số đường kiệt (ngõ) thường bị ngập úng nếu mưa lớn. Nhiều hộ lấn chiếm tự do, khiến đường kiệt bị thu hẹp so với quy hoạch 5m ban đầu”
Rút kinh nghiệm từ Phước Vĩnh, các hộ tái định cư ở Kim Long chỉ được chia mỗi hộ 100m2, song cũng không tránh được tình trạng bán đất. “Có khoảng 50 trường hợp cắt xẻ đất bán. Hoạt động mua bán đất diễn ra theo kiểu trao tay nên chính quyền địa phương rất khó can thiệp”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Kim Long, bức xúc.
Ông Trần Tuấn, chủ hộ được cấp đất nay đã trở về sống ở đò, phân trần: “Biết mình làm sai nhưng gặp lúc vợ con bệnh hoạn, không có tiền trang trải viện phí nên em đành bán với giá rẻ. Nhiều anh em khác muốn có tiền xây nhà cũng phải bán bớt một nửa. Vạn đò chúng em nghèo lắm, có được mái nhà vững chãi không hề đơn giản”.
Vạn đò được lên bờ tái định cư từ các năm trước nhưng cuộc sống còn vất vả trăm bề. |
Chính quyền quyết tâm
Một tin rất vui đã đến với hơn 1.000 hộ dân vạn đò ở Huế khi Chính phủ đã đồng ý đưa kế hoạch vay vốn ODA của Luxembourg (khoảng 15 triệu USD) để thực hiện việc tái định cư cho số cư dân này và phía Luxembourg cũng đã đồng ý. Như vậy là giấc mơ lên bờ bao đời nay của người dân vạn đò trên sông Hương sắp thành hiện thực. Ông Nguyễn Đình Cáng, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng TP.Huế, đơn vị sẽ thực hiện dự án tái định cư cho dân vạn đò cho biết bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Chính phủ cho phép tỉnh Thừa Thiên-Huế sử dụng một phần vốn từ nguồn thu ngân sách vượt chỉ tiêu trong hai năm 2007, 2008 (khoảng 50 tỉ đồng) để khởi động dự án.
Theo ông Nguyễn Đình Cáng số tiền trên sẽ được sử dụng vào việc xây dựng 4 KTĐC gồm: Phú Mậu rộng 12ha, Bắc Hương Sơ 8,5ha, Tây Hương Sơ 10ha và Phú Hậu 4ha. Trong đó, khu Bắc Hương Sơ đã thỏa thuận được quy mô đầu tư với tổng vốn gần 32 tỉ đồng. Khu Phú Mậu hiện đang thỏa thuận quy mô đầu tư, nhưng cũng ước khoảng 20 tỉ đồng. Cả hai khu này sẽ được triển khai xây dựng trong năm 2008, khi hoàn thành sẽ cho khoảng hơn 600 hộ dân.
Ở các KTĐC, chính quyền vừa xây nhà chung cư vừa cấp đất để người dân tự làm nhà và họ sẽ được chính quyền hỗ trợ theo hình thức trả chậm. Ví dụ những ai mua nhà chung cư, sẽ được trả chậm trong 10 năm với giá từ khoảng 500.000 đồng 1.000.000 đồng/m2 tùy loại. Ngoài ra thời gian đầu, các hộ dân sẽ được hỗ trợ về lương thực theo như chính sách về tái định cư của Nhà nước.
Nghề nào cứ giữ nghề ấy…
Điều các vạn đò băn khoăn, lo âu là thành phố Huế chủ trương khi lên bờ, tạm thời dân vạn đò ai có nghề nào thì cứ giữ nghề ấy. Hiện tại thành phố chưa thể thực hiện chính sách giúp bà con vạn đò chuyển đổi nghề được vì rất khó.Tuy nhiên, do hiện nay người dân vạn đò sống theo vạn (vạn làm nghề ve chai, đạp xích lô, vạn làm nghề cát sạn, vạn làm nghề đánh cá.. nên khi tái định cư sẽ tập trung họ lại theo vạn. Cụ thể, ở KTĐC bắc Hương Sơ sẽ tập trung những hộ dân sinh sống bằng nghề đạp xích lô, chai bao… Ở khu tái định cư Phú Mậu (gần sông và có bãi neo đậu tàu thuyền) sẽ tập trung những hộ sống bằng nghề đánh cá, khai thác cát sạn… để thuận tiện cho công việc của họ.
Rút kinh nghiệm những lần định cư trước, lần này thành phố Huế sẽ xây dựng các dự án tái định cư theo mô hình thôn, làng, song song với việc xây dựng hạ tầng tốt gồm nhà ở, trường học, trạm y tế, nước sạch… là các thể chế xã hội kèm theo để việc quản lý sẽ tốt hơn. Mặt khác, vì các dự án xây dựng, theo kiểu cuốn chiếu, phường nào làm dứt điểm phường đó, nên phường nào đã hoàn thành việc giải tỏa vạn đò thì phải có trách nhiệm quản lý phần mặt nước trên địa bàn mình, phòng trường hợp người dân quay lại thì rất khó xử.
Với rất nhiều nỗ lực làm đẹp cho Huế, cuối cùng địa phương này cũng tìm được nguồn kinh phí khá lớn để thực hiện dự án tái định cư cho dân vạn đò, để Huế càng sạch đẹp và thơ mộng hơn. Tuy nhiên, thực tế dự báo công việc này sẽ phức tạp hơn những gì mà các nhà quản lý ở địa phương này đang tính toán. Bởi vì không chỉ có tiền là làm được, muốn thành công phải kéo theo nhiều giải pháp xã hội tích cực, xem ra phần này các nhà quản lý ở Huế đang chưa tính toán hết.