Các doanh nghiệp gỗ Việt Nam đang đồng loạt phản đối nhận định của Tổ chức môi trường (Environmental Ivestigation Agency-EIA) và Telapak (một tổ chức phi chính phủ của Indonesia) cho rằng ngành chế biến gỗ Việt Nam đang sử dụng gỗ nguyên liệu có nguồn gốc bất hợp pháp.
Cáo buộc của EIA
Ngày 19/03 vừa qua, EIA (trụ sở tại Anh) đã công bố một báo cáo dài 24 trang nói rằng Việt Nam đang trở thành trung tâm chế biến gỗ lớn của thế giới. Từ một nước có ngành chế biến gỗ thấp, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu thứ tư thế giới và thứ hai ở khu vực Đông Nam Á sau Indonesia và Thái Lan. Khối lượng đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2007 đạt 2,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 10 lần so với năm 2000. Mỹ là thị trường lớn nhất của các sản phẩm gỗ Việt Nam, nhập khẩu đạt trị giá hơn 1 tỉ đô la năm 2007, tương đương với 45% tổng khối lượng đồ gỗ xuất khẩu của nước ta.
Bản báo cáo cho rằng, sở dĩ Việt Nam có được vị trí đó là vì các doanh nghiệp Việt Nam “đã tiêu thụ gỗ nguyên liệu với số lượng lớn có nguồn gốc khai thác bất hợp pháp tại các khu rừng vùng Đông Dương”. Bản báo cáo tự nhận là được thực hiện trên cơ sở “cuộc điều tra do các chuyên gia của EIA tiến hành phối hợp với Telapak”. EIA và Telapak cho rằng ước tính hằng năm có ít nhất 500.000m3 gỗ khối được vận chuyển trái phép từ Lào vào Việt Nam (!).
EIA và Telapak đã sai lầm?
Ông Nguyễn Chiến Thắng – Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) – đã phản ứng gay gắt với bản báo cáo xuyên tạc nói trên. Ông cho biết Hội đang soạn thảo văn bản chính thức để phân tích những điểm sai của báo cáo này. Dự kiến, văn bản chính thức sẽ được gửi đến Hội đồng quản lý rừng bền vững thế giới (FSC) cuối tuần này đồng thời đăng rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng cho mọi người cùng biết sự thật hoàn toàn không như những gì bản báo cáo nêu ra.
Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, bản báo cáo đã sai lầm từ đầu khi gắn kết sự phát triển của ngành gỗ Việt Nam với “sự khai thác gỗ bất hợp pháp tại Lào”. Thứ nhất, việc xuất khẩu gỗ của Lào đều phải thông qua cửa khẩu Việt Nam là điều tất yếu vì Lào không có cảng biển. Nếu chỉ đơn giản căn cứ vào hình ảnh những chiếc xe chở gỗ tại biên giới hai nước như báo cáo của EIA và Telapak đưa ra là hoàn toàn sai lầm.
Thứ hai, hiện nay các doanh nghiệp gỗ Việt Nam nhập khẩu rất nhiều gỗ nguyên liệu từ các nước trên thế giới như New Zealand, Mỹ, Canada… Trong khi sử dụng gỗ nhập khẩu tại Lào rất ít. Thứ ba, các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ ngoài trời nước ta đều đã có chứng chỉ của FSC như một cam kết về việc sử dụng gỗ có nguồn gốc hợp pháp, không làm ảnh hưởng đến môi trường.
Ngay cả khi doanh nghiệp đã được cấp chứng chỉ FSC nhưng trong quá trình sản xuất có vi phạm cũng sẽ bị rút chứng chỉ này. Các nhà nhập khẩu lớn trên thế giới đều yêu cầu các nhà cung cấp sản phẩm phải có chứng chỉ FSC nên nếu muốn bán được hàng, doanh nghiệp phải giữ gìn những cam kết đó. Ông Thắng cho biết việc gửi văn bản cho FSC là muốn cơ quan phải lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của những thành viên của mình, tức là những doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ nước ta. Điều đó cũng nhằm để bảo vệ uy tín của FSC vì chứng chỉ này đang được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới.
Nhấn mạnh về việc EIA và Telapak đưa ra những hình ảnh xe chở gỗ qua biên giới nói trên, ông Trần Quốc Mạnh – Tổng giám đốc Công ty gỗ Sadaco – cho biết, Chính phủ Lào hiện vẫn cho phép xuất khẩu gỗ khai thác ở những cánh rừng trồng; việc quy kết ngay đó là gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp là hoàn toàn sai lầm. EIA và Telapak nếu công tâm thì cần phải xác định đó là gỗ gì, khai thác từ rừng trồng hay có nguồn gốc bất hợp pháp; gỗ đó xuất cho các doanh nghiệp Việt Nam hay xuất ủy thác qua cảng biển Việt Nam…
“Các tổ chức đó (EIA và Telapak – PV) phải phối hợp với Hiệp hội Gỗ Việt Nam hay thông qua các cơ quan quản lý nhà nước, Tổng cục Hải quan… để xác minh trước khi đưa ra kết luận. Nếu không thì phải cải chính các thông tin này”, ông Mạnh nói.
Cũng theo ông Trần Quốc Mạnh, Việt Nam và các nước ASEAN đang xây dựng một bộ tiêu chuẩn riêng cho khu vực về việc trồng rừng, khai thác và sử dụng rừng bền vững để thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển mạnh hơn, thì những thông tin nêu trên là một rào cản đầy ác ý.
Thực tế cho thấy các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam cũng đang gặp rất nhiều khó khăn khi phải đối mặt với nhiều rủi ro như giá nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận chuyển tăng… chứ không phải “làm liều, ăn xổi” như kiểu báo cáo của EIA và Telapak ngộ nhận. Theo kế hoạch năm 2008, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam là 3 tỉ USD. Tuy nhiên, ước tính quý I/2008 vừa qua kim ngạch xuất khẩu của ngành này chỉ đạt 691 triệu USD.
Ông Nguyễn Chiến Thắng kết luận “Việt Nam không xài gỗ lậu” và báo cáo của EIA và Telapak đang làm phương hại đến uy tín chung của ngành gỗ Việt Nam.