ThienNhien.Net – Mới đây, các quốc gia đang phát triển và các tổ chức môi trường đã cáo buộc Ngân hàng Thế giới cố ý chiếm hữu hàng triệu đô la tiền viện trợ để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trong 4 thập kỷ tới.
Các quốc gia này yêu cầu xác minh lại hàng tỉ đô la viện trợ từ các nước giàu trước khi chấp thuận tiến hành các biện pháp hạn chế ảnh hưởng của khí thải nhà kính và hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Toàn bộ số tiền viện trợ sẽ được dùng để ngăn chặn bão lũ, chống lại hiện tượng mực nước biển dâng cao, chuyển giao công nghệ và hạn chế khí nhà kính.
Trong một cuộc họp tại Bangkok, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra đề xuất đầu tư 5-10 tỉ đô la cho Quỹ Công nghệ sạch và 500 triệu đô la cho các vấn đề về rừng.
Các quốc gia đang phát triển mong muốn số tiền viện trợ sẽ được Liên hợp quốc quản lí, tránh sự kiểm soát của các nước G8 nhưng Ngân hàng Thế Giới lại không chấp thuận. Một số ý kiến cho rằng lý do là nếu Ngân hàng Thế Giới đáp ứng đề nghị này, họ sẽ không có cơ hội chi tiêu nguồn viện trợ này cho mục đích cá nhân.
Các nỗ lực trong những năm qua chỉ tập trung vào áp dụng các biện pháp làm hạn chế khí thải nhà kính, kêu gọi người dân chuyển sang dùng các công nghệ không hoặc ít gây ô nhiễm. Nhưng các số liệu báo cáo mới đây cho thấy, khí thải toàn cầu đang tăng lên, còn hiệu suất năng lượng lại giảm đáng kể. Những gì chúng ta đã đạt đựơc trong thời gian qua là quá ít ỏi.
Một số chuyên gia cho biết, cho dù chúng ta có cắt giảm tiêu thụ năng lượng, thì công nghệ hiện nay của chúng ta cũng không thể vừa làm giảm khí thải cacbon dioxit lại vừa mở rộng phát triển kinh tế. Nếu chúng ta cứ cố gắng làm giảm khí thải mà không áp dụng các công nghệ mới thì sẽ ngăn cản sự phát triển kinh tế và tương lai của hàng triệu người.
Việc cần làm ngay là phải phát triển công nghệ tiên tiến để hạn chế cacbon. Muốn làm được điều này cần áp dụng nhiều nghiên cứu khoa học, xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp và nguồn đầu tư lớn. Chỉ cần thiếu một trong các điều kiện trên, việc thay đổi công nghệ sẽ khó có thể thực hiện.
Các nước đang phát triển đã nêu ra vấn đề này tại phiên họp với Liên hiệp quốc, nhưng Mĩ đã bác bỏ đề xuất dùng 0,5% tổng sản phẩm quốc nội của các quốc gia phát triển để ứng dụng công nghệ không gây ô nhiễm.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế Giới đang chuẩn bị tiến hành bỏ phiếu hỗ trợ tài chính cho dự án nhà máy nhiệt điện 4 tỉ oát ở Ấn Độ.