Tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị đã khởi động hơn 3 tháng. Nhiều biện pháp, cách làm đã được đề ra để huy động toàn dân từ các ngành, các cấp tham gia thực hiện. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp, Khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) vẫn còn thờ ơ.
Công viên… rác
Mới 6 giờ sáng, lưng áo các chị công nhân (CN) vệ sinh của Công ty Cây xanh KCX Tân Thuận đã ướt đẫm mồ hôi. Trên đoạn đường dài khoảng 70m trước cổng phòng khám đa khoa KCX có tổng cộng 5 thùng rác, cái nào cũng trống rỗng trong khi rác trắng đường. Người làm vệ sinh cứ cắm cúi nhặt còn CN cứ vô tư vừa ăn sáng vừa xả các loại bịch ni lông, hộp xốp và thức ăn thừa xuống dưới chân. Hỏi, vì sao không bỏ rác vào thùng?
Một CN nữ trả lời “Như thế, mấy cô lao công mới có việc để làm!”. Chị Huỳnh Thị Vững, CN vệ sinh ở công viên KCX Tân Thuận cho biết: “Ngày nào tụi tui cũng nhặt liên tục mà không hết rác. Hễ có CN ra đây là có rác xả ra”. Mới khoảng nửa giờ đồng hồ, chị Bở đã nhặt được gần ba chục bao bố rác.
Phụ trách vệ sinh cho công viên trước KCX Tân Thuận này là khoảng 100 CN, mỗi ca trực phải có 20 người. Chị Nguyễn Thị Bở, người có thâm niên 10 năm làm vệ sinh ở đây cho biết: “Khủng khiếp nhất là những buổi sáng thứ bảy, chủ nhật hay ngày lễ, cả công viên gần như bị phủ kín rác”. Một nhân viên tưới cây trong công viên bức xúc: “Ngày nào CN không xả rác mới là chuyện lạ. Mấy chị làm vệ sinh vô tận công ty mắng vốn hoài mà có ăn thua gì đâu”.
Ý thức tự giác quá kém
Bước vào khu vực dọc đường Tên Lửa thuộc khu phố 4 phường An Lạc, quận Bình Tân, nơi tập trung rất nhiều nhà trọ dành cho CN, đập vào mắt là những đường mương ngập ngụa rác. CN cứ thản nhiên ở, tắm giặt, nấu ăn ngay bên cạnh. Chị Huỳnh Thị Nga, CN đang ở trọ tại khu vực này cho biết: “Lúc trước, ngày nào tôi cũng dọn dẹp, hốt rác nhưng chỉ có mình tôi dọn mà mấy chục người khác cứ xả. Riết rồi tui kệ, ai sao mình vậy…”.
Cũng vì mang tâm lý “nhà trọ chứ không phải nhà mình”, nhiều CN được doanh nghiệp xây phòng trọ cho ở miễn phí vẫn vô tư xả rác mà không có ý thức gìn giữ. Từ ngày công ty dời xưởng sản xuất từ đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú lên KCN Long An, gần 500 CN Công ty Tân Đại Hưng được ở không mất tiền tại khu nhà của công ty. Thế nhưng, dọc các dãy hành lang, các đầu cầu thang và khe hở giữa các phòng luôn đầy rác.
Một nhân viên phụ trách nhân sự công ty cho biết: “Khi nào hô hào, nhắc nhở lắm thì đỡ được vài bữa. Còn bình thường thì đâu lại vào đấy. Ý thức tự giác của CN mình kém quá”. Ở khu trọ gần Gò Ô Môi quận 7, ngay lối vào, bao quanh phòng trọ CN là những đống rác không người dọn. Ngay trên bãi đất trống gần khu trọ, người còn quây tôn làm chỗ đi vệ sinh lộ thiên… Khu nhà trọ dành cho CN ở phường Tân Tạo, quận Bình Tân cũng không ngoại lệ. Phía sau khu nhà trọ cao tầng dọc theo đường số 5, các loại rác thải do CN thả từ trên lầu xuống đã chất thành… gò.
Sẽ đẩy mạnh tuyên truyền…
Khi được hỏi về Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị của TP, đa số CN đều không biết. Một số ít biết được từ những chương trình trên tivi hay băng rôn trên đường phố thì cũng xem như là chuyện của ai, không liên quan đến mình.
Loan và Hương, hai CN Công ty Copal (KCX Tân Thuận) đang bày đồ ăn sáng trên bãi cỏ công viên của KCX, cho biết: “Tụi em không hề nghe hay biết nói gì về Năm Văn minh đô thị”. Kim Sa Ly, CN xưởng dày da Công ty Pouyuen cũng vậy: “Tụi em đi làm tối mặt, ở nhà không có tivi, báo không có đọc. Trong công ty và ở khu nhà trọ cũng chưa nghe ai nói gì”.
Rảo một vòng quanh các KCX-KCN, dù khuôn viên mỗi khu rất rộng lớn với nhiều đường nội bộ nhưng tuyệt nhiên không thấy có bóng dáng của bất kỳ một tấm banroll nào cổ vũ cho Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Gặp CN hỏi chuyện, ai cũng lắc đầu -”không biết”!
Trao đổi về vấn đề này, ông Vương Phước Thiện, Phó Ban Tuyên giáo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM cho biết: “Ngay từ tháng 01/2008, LĐLĐ TP đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền chủ đề “Năm 2008- năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị”. Tuy nhiên, hiệu quả tuyên truyền trong thời gian qua là chưa đạt yêu cầu. Sắp tới, LĐLĐ TP sẽ lồng ghép nội dung tuyên truyền về xây dựng nếp sống văn minh đô thị vào những chương trình văn nghệ, những buổi tuyên truyền pháp luật lao động, ngày hội CN. Đặc biệt, khi thành lập các tổ CN tự quản, LĐLĐ TP cũng sẽ đưa việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị thành một trong những quy chế hoạt động.
TP.HCM hiện có khoảng 1 triệu CN, trong đó có gần 250.000 CN đang làm việc tại các KCX-KCN. Sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của lực lượng này sẽ đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị tại TP.HCM.