Đại học Đà Nẵng vừa nghiên cứu, chế tạo thành công bộ phụ kiện chuyển đổi dành cho động cơ tĩnh tại cỡ nhỏ (máy bơm nước, máy phát điện, máy xay xát…), chuyển từ chạy bằng xăng sang sử dụng khí biogas.
Ngày 11/04, tin từ Đại học Đà Nẵng cho hay, GS-TSKH Bùi Văn Ga, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cùng các cộng sự tại Trung tâm Nghiên cứu bảo vệ môi trường (thuộc Đại học Đà Nẵng) vừa nghiên cứu, chế tạo và đưa vào ứng dụng thành công bộ phụ kiện chuyển đổi dành cho động cơ tĩnh tại cỡ nhỏ, từ chạy bằng xăng sang sử dụng khí biogas.
Điều này sẽ hỗ trợ đắc lực cho các hộ chăn nuôi, các nông trại, trang trại nhỏ trong việc thay thế nhiên liệu xăng bằng cách tận dụng khí nguồn biogas dồi dào từ các loại chất thải nông nghiệp, gia súc… cho các động cơ cỡ nhỏ như máy bơm nước, máy phát điện, máy xay xát, máy lạnh để bảo quản sản phẩm nông nghiệp… và kể cả vận hành xe nông dụng, chở hàng…
Theo GS-TSKH Bùi Văn Ga, ngoài việc dùng thay thế chất đốt thì việc tận dụng khí biogas để vận hành các loại máy bơm, máy phát điện loại nhỏ cũng từng được nhiều người tiến hành, nhưng do không thể điều tiết hợp lý lượng khí nên thường dẫn tới hỏng máy hoặc hụt tải.
Nhóm nghiên cứu do ông chủ trì đã đưa thêm bộ điều tốc tự động điều khiển van khí biogas cho các loại máy động cơ cỡ nhỏ. Nhờ vậy, các hộ gia đình, trang trại… có hầm khí biogas sẽ dễ dàng chuyển đổi loại khí này thành nhiên liệu chạy động cơ thay thế xăng và diesel. Qua thử nghiệm cho thấy, 1 hầm khí biogas trung bình có thể đủ chạy máy phát điện từ 2,5 – 5kVA.
Hiện Trung tâm Nghiên cứu bảo vệ môi trường (Đại học Đà Nẵng) đang hợp tác với Đại học Osaka Prefecturre (Nhật) nghiên cứu khả năng hấp thụ khí methane trong khí biogas. Nhờ đó có thể nạp khí biogas vào các bình chứa gas thông thường với dung tích tăng gấp khoảng 5 lần so với hiện tại, cho phép sử dụng làm bình cấp gas nhiên liệu để chạy các loại động cơ ô tô cỡ nhỏ.
Đây sẽ là giải pháp giúp các hộ nông dân, trang trại chuyển các loại xe nông cụ, xe chở hàng từ sử dụng xăng dầu sang dùng khí biogas, giảm áp lực nhiên liệu và giúp cải thiện môi trường.
Hãng Toyota đã hỗ trợ để có thể triển khai ứng dụng đề tài này trên diện rộng, áp dụng cho tất cả các trang trại và hộ gia đình có nhu cầu tại Việt Nam. Bộ GD-ĐT cũng đã đề nghị đưa kết quả nghiên cứu của đề tài này vào chương trình khoa học công nghệ ASEAN để triển khai áp dụng ở các nước trong khu vực.