Những ngày giữa tháng 04/2008, nắng như trút lửa xuống rừng U Minh Hạ. Từ cán bộ giữ rừng đến cư dân nơi đây không giấu được nỗi lo âu. Dưới chân rừng, nước đã cạn kiệt, trên nhiều thang canh lửa, những đôi mắt trông lửa rừng đang căng hết cỡ.
Luồn rừng…
Ngày 13/04, một vụ cháy đã xảy ra tại khu vực rừng tràm thuộc ấp 11, xã Khánh An, huyện U Minh (Cà Mau), làm thiệt hại gần 1.000m2 rừng trồng 5 tuổi của dân. Cùng ngày, tại xã Khánh An, trong khu vực đất lâm nghiệp có 3 vụ cháy đất đồng, cháy nhà do đun than. “Tình hình phòng chống cháy rừng tràm đang vào lúc nguy nan nhất” – ông Nguyễn Quang Của, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau lo lắng nói.
Giữa tháng 04/2008, có gần 20.000/35.851ha diện tích đất lâm nghiệp có rừng ở rừng tràm U Minh Hạ nằm trong tình trạng báo động cháy cấp V – cấp cực kỳ nguy hiểm. Đất lâm nghiệp còn lại trên 20.000ha đã lọt vào tình trạng báo động cháy cấp IV – cấp nguy hiểm.
“Các anh em đang trực chiến ở trong rừng vừa báo về, độ ẩm dưới chân rừng đang giảm rất nhanh. Hiện chỉ cần một tàn thuốc lá là có thể phát hỏa cho rừng tràm. Mấy ngày nay, thời tiết lại có những diễn biến bất thường, nhiệt độ tăng cao, đôi lúc gió rất mạnh, khiến cho tình hình càng đáng báo động” – một cán bộ giữ rừng không khỏi lo lắng báo tin. Vào giữa “ruột rừng” với các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ mới thấy cái nóng của đất trời và của lòng người giữ rừng.
Qua cổng chính dẫn vào Vườn quốc gia U Minh Hạ, những đám rừng khô cằn hiện ra; phía dưới đất nhiều cụm rừng lá chọi đã chuyển màu khô. Nắng như thiêu như đốt, không một tí gió, hơi nước từ lòng đất bốc lên nghi ngút.
Tại trạm canh Trung tâm khu vực rừng già Vồ Dơi, 3 chiến sĩ Nguyễn Hàm Châu, Ngô Việt Cường và Nguyễn Quốc Thanh (được tăng cường từ Cơ quan kiểm lâm vùng 3, TPHCM) đang lui cui khởi động các máy bơm chuyên nghiệp. Anh Châu tâm sự: “Mấy hôm nay tình hình khá căng thẳng, mỗi ngày đi kiểm tra luồn rừng, tôi cảm nhận được độ khô hơn của rừng. Anh em ai cũng lo lắng”. Theo lệ thường, mỗi ngày nhóm của Châu kiểm tra máy bơm một lần, nhưng mấy ngày nay, anh em lo lắng, kiểm tra đến 2 – 3 lần. Cường bảo: “Khả năng xảy cháy rừng rất lớn. Nhưng tụi em đã quyết tâm cùng với anh em không để cháy lớn”.
Anh Nguyễn Văn Thế, Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ đang ở chòi canh lửa 21/94 cùng anh em. Ngay từ sau tết, anh không bước rời khỏi rừng. Suốt ngày, phải rong rủi khắp các chốt, chòi canh lửa để nắm tình hình, đôn đốc, nhắc nhở anh em nêu cao tinh thần trách nhiệm.
Anh cho biết: “Việc giữ nước mùa chống cháy được lãnh đạo đánh giá tốt nhất so với các năm trước. Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan. Thời tiết năm nay quá khắc nghiệt, có ngày hơi nước trong đất bốc lên bởi nắng nóng như mình nấu cơm trong nồi. Đến ngày 15/04, nhiều con kinh trong rừng Vồ Dơi không thể phục vụ vận chuyển phương tiện và người khi cháy xảy ra. Lượng nước phục vụ chữa cháy hiện cũng cạn. Không cách nào tốt hơn là quyết liệt không để ra cháy”. Tuần trước, thời gian trực gác lửa bắt đầu từ 8 giờ 30 phút đến 17 giờ, nhưng nay đã tăng cường lên từ 7 giờ 30 đến 18 giờ.
Ngồi trong căn chòi lá (gần thang gác 21/24), cảm nhận rõ sức nóng. “Không đo được độ chứ tôi đoán không dưới 37 – 38 độ”, cầm cây quạt giấy vừa quạt phành phạch, anh Phan Thế Hằng, Đội kiểm lâm cơ động vừa nói.
Các chiến sĩ phòng chống cháy rừng đang kiểm tra phương tiện. |
… Đến căng mắt từ vọng gác lửa
Trên toàn lâm phần rừng tràm U Minh Hạ 53.000 ha của Cà Mau, hiện được bố trí 142 chòi quan sát lửa, lực lượng thường trực tại chỗ 4.216 người. Phương tiện gồm: 52 máy bơm, 35.100m ống, 96 vỏ máy đuôi tôm và một xe ô tô vận chuyển bằng đường bộ.
“Có thể nói chúng tôi đã tập trung toàn lực để canh phòng, sẵn sàng chống cháy ở tốc độ nhanh nhất. Khả năng phát hiện điểm cháy là 3 phút kể từ lúc rừng bén ngọn lửa đầu tiên. Khả năng điều động người và phương tiện chống cháy đến mọi điểm cháy là 10 phút. Rất khó xảy ra cháy lớn!”, ông Nguyễn Quang Của, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau khẳng định.
Minh chứng là đám cháy hôm 13/04, tại xã Khánh An, huyện U Minh được dập tắt cấp tốc. Ông Nguyễn Văn Thiệt, một người dân tham gia dập tắt đám cháy nói: “Lúc 12 giờ 30, ngọn lửa phát. Đúng 10 phút sau, trên 100 người và 2 máy chữa cháy chuyên dùng được điều đến. Gió lớn nhưng đám cháy đã bị khống chế và dập tắt trong phạm vi nửa công đất (500m²). Tôi công nhận là mấy ổng nhanh!”.
Với lực lượng là cư dân ở rừng tràm cũng không thua kém về sức nhanh, nhạy, ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng ấp 16, xã Khánh An, huyện U Minh cho biết: “Người dân ấp tôi, nhiều ông sợ cháy rừng hơn sợ cháy nhà. Vì họ nhận thức bằng kinh nghiệm sống ở rừng, khi cháy chẳng những thiệt hại rừng mình trồng, bảo vệ, mà còn khiến cho mùa màng thất bát, bão lụt có thể xảy ra ở những năm tiếp theo”.
Người dân ấp 16 còn nhớ, năm 2002, khi cánh rừng ở Lâm ngư trường U Minh III cháy lớn, nhiều người dân bỏ nhà, vào rừng chữa cháy dù lửa đã bén đến vách. “Năm đó, lúc chữa rừng, cứ nghĩ nhà mình cháy rồi. Trước khi đi, lửa bén theo đường gốc gạ tận vách nhà. Nhưng may, có một cơn mưa nhỏ. Trời cũng động lòng không để rừng của dân ở đây… cháy” – nông dân Ngô Phước Hưởng, ấp 16 nói.
Do bố trí nghiêm ngặt mặt trận phòng chống cháy rừng tràm U Minh Hạ Cà Mau đã không để cho “bà hỏa” lộng hành. Từ đầu mùa khô đến nay, khu vực lâm phần rừng tràm U Minh Hạ xảy ra gần chục đám cháy. Trong đó có 3 vụ cháy được báo cáo chính thức, có thiệt hại về rừng (dưới 1,3ha cả 3 vụ cháy). Tất cả đám cháy được khống chế dưới 1,2ha. Đặc biệt với khu rừng bảo vệ nghiêm ngặt trên 8.000ha của Vườn quốc gia U Minh Hạ thì chưa có một ngọn lửa nào bén vào.
Chiều đã xuống nhưng rừng U Minh Hạ vẫn nóng và hốc. Nhóm chiến sĩ Nguyễn Hàm Châu, Ngô Việt Cường và Nguyễn Quốc Thanh (được tăng cường từ Cơ quan kiểm lâm vùng 3, TP.HCM) vẫn lui cui thử máy bơm dưới tán rừng. Nhiều đôi mắt trên các vọng gác lửa vẫn chưa yên tâm, căng mình, phóng mắt theo từng vạt rừng.