ThienNhien.Net – Ấn tượng về lối sống “ kim tiền” tạm bợ ở Đắk Sin luôn ám ảnh trong tôi, nên sau nhiều năm quay lại, bước vào quán ăn ghế bàn đầy đất bụi, nhìn trước cửa có bảng kẻ dòng chữ rõ to “rau rừng cá suối” tôi không khỏi nghi ngờ. Mà đúng vậy! Gọi mãi cô chủ nhỏ mới lỏn lẻn bê ra đĩa rau thập cẩm đầy chất phố thị, còn “cá suối” đích thị là cá lóc thương phẩm chợ nào cũng bán đầy. Vừa gắp vài đũa thì trời đổ mưa sầm sập, rác rưởi theo dòng nước trôi cuồn cuộn trước sân. Mấy anh cán bộ xã bật cười: Trận mưa sớm giữa mùa khô này giúp dân Đắk Sin tiết kiệm được hàng tỉ đồng xăng dầu, công tưới. Thế nào sáng sớm mai mọi thứ của ngon vật lạ bán ngoài chợ xã cũng được vét sạch vì nhà nào cũng muốn ăn nhậu tưng bừng !
Lời nguyền từ những cánh rừng Đắk Sin (Kỳ 1)
Vàng chảy về đồng bằng
Tìm hiểu về “bến đỗ” của hàng trăm tỉ đồng bán tiêu không phải đóng thuế mỗi năm ở Đắk Sin. Tôi được biết dòng chảy ấy tỏa đi tự do muôn ngả, mạnh nhất là trôi về quê cũ của những người dân di cư ở miền Bắc. Họ đem tiền về hỗ trợ anh em họ hàng, tậu ruộng xây nhà sắm xe, tự hào khoe với xóm làng lấp lửng nửa đùa nửa thật cứ như trở thành tỉ phú nhờ xuất ngoại Tây phương chứ không phải phá rừng Tây Nguyên trở về!
Hàng trăm tỉ đồng không đóng thuế mỗi năm của Đăk Sin như dòng nước đổ tự do về muôn ngả (Ảnh: Hoàng Thiên Nga) |
Không ít làng quê ở Hưng Yên, Thái Bình nhanh chóng mọc lên những biệt thự kiểu cọ hào nhoáng trị giá hàng tỉ, mà chủ nhân của nó còn mải lo chăm sóc vườn tiêu tận góc trời thăm thẳm Đắk Sin, chỉ việc chuyển tiền về nhờ người thân đứng ra lo liệu trông nom giám sát, chờ ngày bán rẫy về quê an dưỡng. Chính kiểu đầu tư ngược lại quê cũ là động cơ kích thích mạnh mẽ những làn sóng di cư tự do ồ ạt theo chân “dân Tây” trở vào tiếp tục phá rừng Đắk Sin và vùng lân cận để “noi gương làm giàu”.
Dòng chảy thứ hai tràn lan qua mấy xã lân cận Nhân Cơ, Đạo Nghĩa ; băng sang các tỉnh láng giềng Bình Dương, Bình Phước để mua thêm đất mở trang trại trồng tiêu, chuyển nghề hoạt động dịch vụ hoặc kinh doanh bất động sản.
Dòng chảy thứ ba là đầu tư cho con cái học hành, sắm sửa “bằng chị bằng em”, đua với giới trung lưu ở các thành phố lớn. Hàng trăm nông hộ giàu lên từ Đắk Sin có con cháu đi học ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Đó là những nguyên nhân khiến Đắk Sin, một xã nhỏ gần biên giới phía Tây nhanh chóng được các ngành nghề như Ngân hàng, Viễn thông, Cơ khí, Giao thông vận tải đặc biệt lưu ý, tranh nhau mở chi nhánh, mở rộng mạng lưới hoạt động đầu tư. Không có xã nào trong hàng trăm xã của tỉnh Đắk Lắk (tỉnh cũ, trước khi chia tách thành 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông từ đầu năm 2004) mới thành lập có vài năm mà dày đặc sóng điện thoại di động, nườm nượp mỗi nhà vài chiếc xe máy, ô tô xe buýt chặng ngắn chạy lũ lượt mỗi ngày, xe đò Bắc Nam chật ghế í ới nhộn nhịp mỗi tuần, cho bằng Đắk Sin. Hàng hóa tiêu dùng từ món lớn như ti vi tủ lạnh, món nhỏ như mớ rau con cá tới tay người tiêu dùng Đắk Sin đều đắt đỏ hơn mọi nơi. Phần vì cách trở đường xa. Phần vì cư dân tại chỗ chỉ thích tập trung làm giàu cho nhanh bằng những loại nông sản có thể xuất khẩu được, ban đầu phấn đấu trở thành tỉ phú tiêu, điều, cà phê ; Sau lại có thêm những tỉ phú chăn nuôi ba ba, cá sấu, mở tiệm cầm đồ, cho vay lấy lãi. Dù đất rộng suối trong, vẫn chẳng có mấy nông dân chịu chắt chiu trồng rau nuôi gà, nhổ hành hái ớt lành lặn non tươi đem ra chợ bán như cảnh sinh hoạt thân quen gần gũi thường thấy ở mọi vùng quê khác.
Ấn tượng về lối sống “ kim tiền” tạm bợ ở Đắk Sin luôn ám ảnh trong tôi, nên sau nhiều năm quay lại, bước vào quán ăn ghế bàn đầy đất bụi , nhìn trước cửa có bảng kẻ dòng chữ rõ to “rau rừng cá suối” tôi không khỏi nghi ngờ. Mà đúng vậy! Gọi mãi cô chủ nhỏ mới lỏn lẻn bê ra đĩa rau thập cẩm đầy chất phố thị, còn “cá suối” đích thị là cá lóc thương phẩm chợ nào cũng bán đầy. Vừa gắp vài đũa thì trời đổ mưa sầm sập, rác rưởi theo dòng nước trôi cuồn cuộn trước sân. Mấy anh cán bộ xã bật cười: Trận mưa sớm giữa mùa khô này giúp dân Đắk Sin tiết kiệm được hàng tỉ đồng xăng dầu, công tưới. Thế nào sáng sớm mai mọi thứ của ngon vật lạ bán ngoài chợ xã cũng được vét sạch vì nhà nào cũng muốn ăn nhậu tưng bừng !
Ôi Đắk Sin, xã vùng sâu chẳng còn vương vấn tẹo nào dấu vết hương đồng gió nội. Trách gì soi hết các tập thơ ca nhạc họa của văn nghệ sĩ nơi này cũng chẳng thấy đâu là nguồn cảm hứng sáng tác trong lành cho miền đất mà ở đó, dân tứ xứ tìm đường lập nghiệp đã lạnh lùng quy đổi rừng xanh ra vàng ròng, bạc tỉ…
Lời nguyền của rừng: Hoang tàn, ô nhiễm!
Nhân vật chính cho bài viết của tôi trong chuyến đi Đắk Sin lần đầu, do Bí thư Đoàn xã Hoàng Xuân Quý giới thiệu, là phó Bí thư Đoàn xã Nguyễn Tiến Hùng, nguyên quán Bình Định sinh quán Hưng Yên, một trong 21 gương mặt thanh niên điển hình tiên tiến của tỉnh Đắk Lắk năm 2002. Lúc bấy giờ Hùng là tấm gương sáng về lao động giỏi, biết cách làm giàu với 4,5 hecta tiêu, trừ 50% thu nhập về chi phí nhân công thuê mướn các loại vẫn còn lãi ròng 500 triệu đồng/ năm. Đứng trước căn nhà rộng rãi lát gạch hoa sáng ngời, ngắm những trụ tiêu treo chi chít hàng nghìn chùm trái xanh xanh đỏ đỏ, Hùng tự hào kể cho tôi nghe chuyện làm giàu dễ dàng như ăn chuối ở đây, nhà nông phía Bắc ngoài kia nằm mơ cũng chả bao giờ thấy.
Lần này tôi quay lại, Hùng đã là phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã. Tác phong vẫn nhanh nhẹn, nói cười vẫn hoạt bát nhưng ánh mắt lại buồn hiu. Hùng cho biết diện tích rẫy nhà anh giờ lên đến 6 hecta nhưng tiêu đã chết gần hết vì bệnh thối rễ , đang được thế chỗ dần bằng cà phê, cao su. Anh Hoàng Xuân Quý giờ là Chủ tịch UBND xã, hàng ngàn trụ tiêu cao sản nhà anh lâu nay cũng rụi chết dần hồi quá nửa. Anh Quý rầu rĩ: “ Còn chừng đó nhưng chưa biết có giữ nổi không!”
Hàng nghìn hecta tiêu Đắk Sin đã chết vì sâu bệnh. (Ảnh: Hoàng Thiên Nga) |
Thì ra ngay sau đỉnh điểm huy hoàng năm 2002, Đắk Sin bắt đầu lao đao khốn đốn với dịch bệnh phát tán nhanh như vết dầu loang qua các vườn tiêu. Dây tiêu đang tươi xanh bỗng lá vàng vọt, héo úa, nhổ dây lên thấy bộ rễ đã lụi tàn. Dân Đắk Sin không tiếc tiền mời chuyên gia về chẩn đoán, chữa bệnh cho tiêu.
Cán bộ xã kể rất nhiều chuyên gia đã về lấy mẫu dây, mẫu đất, mẫu rễ, phán đoán đủ kiểu nhưng khi họ đi rồi thì đợi mãi vẫn chẳng thấy kết luận nào gửi về. Hội thảo, họp bàn tìm giải pháp liên tục mở ra, tốn kém vô cùng mà bao công sức tổ chức chỉ đổ ra suối ra sông. Hàng chục Công ty phân bón nhân cơ hội kéo lên mở Hội nghị giới thiệu sản phẩm, nhận định đất nhiễm đầy nấm bệnh tuyến trùng do trước đây bị bón quá nhiều loại phân gà phân heo dỏm mua từ Long An, Đồng Nai, hoặc bón phân vô cơ chất lượng kém không tan trong đất khiến đất trơ đất chết khiến các chủ vườn liên tục đổi loại phân bón nhưng thảm trạng không nhờ vậy mà khá hơn.
Có công trình nghiên cứu cho rằng do khâu xử lý đất và giống ban đầu không được chú trọng nên cây tiêu ở Đắk Sin bị rệp sáp tấn công vào bộ rễ. Vết thương do rệp sáp gây nên là môi trường thuận lợi để nấm phitoptora sinh trưởng gây nghẽn tắc các ống dẫn trong bộ rễ khiến tiêu chết dần. Bệnh này chưa có thuốc đặc trị nên khi tiêu đã mắc bệnh thì hầu như vô phương cứu chữa.
Báo cáo mới nhất của UBND xã Đắk Sin, hiện cả xã còn có 1.200 ha tiêu, 1.600 ha cà phê, năng suất bình quân cà phê và tiêu cùng chỉ đạt 1,8 tấn/ha, ngày càng thấp dần đi vì sâu bệnh. Không chỉ phát tán trên tiêu, sâu bệnh còn tấn công qua nhiều loại cây khác. Dân ở đây không thiếu triệu phú, tỉ phú. Thế nhưng không hiểu sao cả bồ tiền của họ cũng không vời nổi dù chỉ một kỹ sư nông nghiệp chịu về đây định cư. Dọn sạch vườn tiêu chết rũ, Nguyễn Tiến Hùng đã xử lý đất cẩn thận bằng thuốc sâu, vôi bột rồi mới đào hố hạ xuống hàng nghìn cây gió, hy vọng mươi năm sau sẽ cấy được những hốc trầm thơm. Xanh tốt được thời gian đầu, bây giờ vào tuổi thứ năm vườn gió lại đã…chi chít đầy sâu.
Môi trường bị tàn phá, rừng xanh bị hủy hoại vì những kẻ làm giàu bằng mọi thủ đoạn phi pháp không chỉ khiến sâu bệnh phát sinh dưới đất trên cây, mà còn từng ngày, từng giờ bào mòn lương tri trong quan hệ giữa người với người, làm mất lòng tin của dân vào bộ máy chính quyền bị trà trộn không ít loại “sâu” hư hỏng, tha hóa. Trong nhiều năm gần đây, báo đài trung ương, địa phương liên tục nêu tên Đắk Sin như một điểm nóng về các vụ việc vi phạm pháp luật.
Điển hình như vụ khởi tố, bắt giam cả “giàn” chủ tịch xã, kế toán xã, cán bộ địa chính xã vào năm 2002 về các tội cố ý làm trái và tham ô tài sản, trong đó có việc tung tin dời chợ và tự ý san lấp 5.000m2 đất ruộng để bán cho dân với giá 20 triệu đồng/lô 100m2. Khi chuyện đổ bể, các nạn nhân đòi lại tiền không được nên liên tục vác đơn đi kiện. Năm 2003, công an tỉnh Đắk Lắk lại khởi tố cán bộ xã Đắk Sin, lần này còn “ đông vui” hơn trước vì số bị can lên tới 11 vị, trong 8 vị bị bắt giam có những cái tên đã lộ diện trong vụ án năm trước, nào bí thư Đảng uỷ, trưởng công an xã, xã đội trưởng , quyền chủ tịch xã , phó chủ tịch HĐND, cán bộ địa chính cho tới các ông trưởng thôn 5, thôn 6 v.v… Một chút quyền lực trong tay đủ cho các vị này cấu kết với nhau chế ra nhiều khoản thu trái phép để lập quỹ đen, như dân Đắk Sin muốn nhập hộ khẩu phải nộp 0,5 – 1 triệu đồng, đăng ký tạm trú tạm vắng nộp 500 – 700 nghìn, chủ xe công nông nộp thuế “phương tiện sản xuất” từ ba trăm nghìn đến một triệu đồng/xe/năm …
Bạo gan hơn nữa là vụ ông Nguyễn Hồng Nhật vừa rời ghế Chủ tịch UBND xã qua ghế Bí thư Đảng ủy xã Đắk Sin đã biến trụ sở xã thành sòng bạc. Dù nhiều lần cấp trên nhắc nhở khuyên răn, ông vẫn chứng nào tật nấy cho tới tháng 8/2007, công an huyện buộc phải đưa ông vào chỗ tạm giam vì tội “tổ chức đánh bạc mang tính chất chuyên nghiệp”, Huyện ủy Đắk R’lâp phải ra quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng sau khi ông Bí thư này bị khởi tố.
Chân dung tỉ phú Phan Văn Vinh. (Ảnh: Hoàng Thiên Nga) |
Nắng mùa khô hanh hao như nhóm lửa trên những vạt cỏ khô khốc, vương đầy rác bẩn quanh khu chợ phất phơ lều bạt dưới chân đồi. Trên đỉnh đồi, trụ sở UBND xã Đắk Sin nằm chênh vênh như thiếu điểm tựa bởi xung quanh trơ trụi chẳng có bóng cây xanh. Một phóng viên điện thoại liên lạc với tỉ phú trang trại Phan Văn Vinh, mươi phút sau ông đã có mặt. Tỉ phú ngồi sau chiếc xe máy cũ, cho biết tiền tỉ giờ không có nữa nhưng hai chục hecta rẫy năm nay vẫn có thể lãi chừng năm trăm triệu. Ông trò chuyện vội vàng vài câu rồi hối hả quay về trang trại. Phóng viên nọ bất giác lo âu : Nhìn sắc da tái môi thâm kia , tiền đầy túi vậy ở giữa rẫy nương heo hút không biết ông Vinh có đoạn tuyệt hẳn với nàng tiêu nâu nổi không?
Đoàn nhà báo nặng nợ với chủ đề Thiên nhiên – Môi trường chúng tôi rời Đắk Sin. Xe từ từ lăn bánh, bỏ lại phía sau một thị trấn nhếch nhác mà sự tạm bợ hằn dấu trên mọi thứ, từ lối sống cho đến ngành nghề, hoạch định tương lai. Phải chăng Đắk Sin – thủ phủ tiêu một thời của cả hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông đang trả giá cho những năm tháng phá rừng ồ ạt, không chút xót thương? Tôi nhớ tấm bản đồ Đắk Sin treo trên tường UBND xã thể hiện rõ những mảng rừng đã mất ở đây chính là vùng xanh che mát thượng nguồn sông suối của Vườn Quốc Gia Nam Cát Tiên. Rừng Đắk Sin mất, hậu họa thiên nhiên như hạn hán, lũ lụt còn giáng xuống cả đồng bằng chứ đâu chỉ riêng miền núi… Tôi ngoái lại, lòng bỗng tràn ngập cảm giác bất an trước những bãi tha ma rừng đầy hoang tàn, ô nhiễm đang lùi về phía sau, mờ dần…