Sau nhiều năm triển khai Dự án 327 và Dự án “Trồng rừng ngăn ngừa thảm hoạ” do Hội Chữ thập đỏ Đan Mạch tài trợ, với hơn 7.200 ha rừng ngập mặn (RNM) phát triển tốt, việc phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai ở Thái Bình đã có hiệu quả rõ rệt. Nó không chỉ góp phần tích cực trong việc bảo vệ đê, giảm kinh phí tu bổ thường xuyên tới hơn 10%, trong tổng số 20 tỷ đồng, mà RNM còn mang lại nhiều lợi ích khác cho người dân vùng ven biển như giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập kinh tế, góp phần đáng kể trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.
“Bức tường xanh”…
Nhiều cán bộ Ban chỉ đạo dự án trồng RNM của tỉnh, cũng như các xã ven biển: Thái Đô, Thái Thượng, Thụy Xuân, Thụy Hải, Thụy Trường (huyện Thái Thụy); Nam Phú, Nam Thịnh, Đông Minh (huyện Tiền Hải)…cho biết: do tính chất mới, lạ của dự án, nên lúc đầu triển khai gặp không ít khó khăn. Không chỉ có người dân, mà cả cán bộ một số nơi chưa thực sự tin tưởng. Họ cho rằng: trồng rừng trên biển khác nào “Dã tràng xe cát biển Đông”. Hơn nữa lúc ấy, đời sống của nhân dân địa phương đang gặp nhiều khó khăn và nhận thức của họ về việc bảo vệ rừng cũng chưa cao.
Ông Trần Xuân Định, Trưởng Ban quản lý dự án trồng rừng Thái Bình cho biết, trước khó khăn trên, tỉnh đã tổ chức nhiều hội thi tuyên truyền về tác dụng to lớn của RNM đối với sự phát triển bền vững, nhất là vấn đề bảo vệ môi trường; đồng thời vận động bà con trồng, bảo vệ rừng..Thông điệp gửi đến người dân khi ấy là: “mọi người hãy tích cực trồng RNM, vì bạn, vì gia đình”.
Đặc biệt, trong việc chọn hộ tham gia trồng rừng, chúng tôi cũng phải lựa chọn cẩn thận theo phương thức bình bầu. Những hộ được bà con bình chọn không chỉ là những hộ nghèo, có lao động, mà còn phải là những gia đình có tinh thần trách nhiệm cao. Sau khi chọn xong, tiến hành tập huấn kỹ thuật chọn giống, kỹ thuật trồng rừng cho các hộ này. Nhờ thế, ngay trong đợt nghiệm thu đầu tiên: tỷ lệ cây trồng mà bà con ươm nuôi đều đạt tỷ lệ sống khá cao (trên 90%).
Tới nay, cả một vùng ven biển của tỉnh Thái Bình đã có rừng phủ kín, với độ rộng 800 đến 1.300 mét. Hầu hết RNM của tỉnh Thái Bình đều phát triển rất tốt, độ cao cây trung bình từ 2,5 đến 3 mét. Các loài cây: sú vẹt, đước, trang…mọc ken dày và có tầng tán cao đã có tác dụng to lớn trong việc giảm mạnh cường độ của sóng. Nhờ đó, phù sa ven biển và đê biển đã được bảo vệ khi triều cường và nước biển dâng, nhất là những ngày dông bão. Nhờ có RNM, tỉnh Thái Bình đã hạn chế được sự xâm nhập mặn và bảo vệ nguồn nước, ngăn ánh sáng trực xạ chiếu xuống đất nên đất không bị phèn hóa…
Tới Thụy Trường – một trong những xã ven biển của tỉnh Thái Bình thường xuyên bị ảnh hưởng của bão lũ mới thấy rõ hiệu quả của RNM. Xã có 3,7 km đê biển và trước năm 1994, nó thường xuyên bị sóng biển đe dọa mỗi khi bão về. Nhưng từ khi có 1.300 ha RNM bám theo đê biển (chỗ rộng nhất lên tới 1,8 km) làm cho tuyến đê này khá an toàn qua nhiều mùa mưa bão. Đặc biệt là cơn bão số 2 và số 8 năm 2005, có sức gió trên cấp 10 đã phá vỡ đê bằng bê tông kiên cố ở Hải Phòng và nhiều tỉnh khác lân cận, nhưng tuyến đê biển Thuỵ Trường vẫn đứng vững.
Ngoài bảo vệ an toàn đê biển, RNM tỉnh Thái Bình còn góp phần bảo đảm an toàn cho hơn 3.000 ha đầm nuôi trồng thủy sản. Với thái độ hồ hởi, anh Trần Văn Hưng, xóm 6, xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải tâm sự: “Tôi làm đầm đã được 15 năm và trước khi có rừng, đầm nhà tôi năm nào cũng bị vỡ, thậm chí có năm vỡ đến 2 lần. Vì thế, chẳng dám đầu tư nhiều. Năm nào được mùa cũng chỉ lãi được vài triệu đồng. Nhưng từ khi có RNM, đầm nhà tôi chưa bị vỡ lần nào. Vụ tôm năm ngoái trừ chi phí gia đình tôi còn lãi hơn 60 triệu đồng”. Ông Nguyễn Quang Tạo, thành viên trong ban trồng rừng của xã Nam Thịnh cho biết thêm: “nhờ có rừng mà bãi biển của xã mỗi năm một rộng hơn”.
Thoát nghèo nhờ rừng
Không chỉ có anh Trần Văn Hưng và bà con huyện Tiền Hải, mà Dự án trồng RNM ở Thái Bình đã thu hút hàng vạn hộ ở tất cả các xã ven biển. Với số tiền hỗ trợ từ 208.000 đến 380.000 đồng (tuỳ theo loại cây) cho người trồng rừng và 60.000 đồng cho công bảo vệ mỗi héc ta trong một năm, đã giúp cho bà con có điều kiện tái sản xuất. Mỗi hộ tham gia trồng rừng và bảo vệ rừng được nhận trung bình từ 3 đến 4 triệu đồng, cá biệt có hộ được gần 10 triệu đồng.
Có tiền các gia đình đầu tư phát triển kinh tế và thoát nghèo, thậm chí có gia đình như chị Nguyễn Thị Tuyết, xã Thái Đô, huyện Thái Thụy còn vươn lên có đời sống khá giả. Trước đây gia đình chị chỉ mong có chút vốn để xây dựng trại nuôi lợn, mà không biết xoay đâu ra. Nay nhờ có tiền công trồng và bảo vệ RNM, chị xây được chuồng nuôi lợn, mua được lợn giống và mỗi năm thu nhập từ 12 đến 15 triệu đồng từ chăn nuôi. Không chỉ thoát nghèo, mà gia đình chị đã xây dựng được nhà mới khang trang.
Khi RNM được phủ kín, cũng là nơi kiếm sống hàng ngày cho cộng đồng dân cư trong vùng. Ngoài nguồn lợi về chất đốt hàng ngày nhờ tỉa cành đốn lá từ rừng, những bãi bồi trống được phủ lên một màu xanh bạt ngàn đã tạo nơi cư trú cho nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao. Nhờ đó mà thu nhập của người dân cũng dần dần tăng lên một cách bền vững.
Chị Phạm Thị Minh, xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy chuyên làm nghề bắt cua giống tâm sự: “Trước đây để bắt được cua giống tôi phải đi rất xa, bây giờ mò tìm trong RNM, mỗi năm tôi cũng thu được khoảng 7 triệu đồng, cao gấp đôi so với trước. Gia đình ông Nguyễn Duy Tô, xã Thụy Trường, huyện Thái Thuỵ nhận đấu 22 ha đầm trong RNM, riêng thu tôm, cá tự nhiên mỗi năm cũng được từ 150 đến 200 triệu đồng…”
RNM tỉnh Thái Bình đang là “Bức từng xanh” vững chắc bảo vệ đê biển và góp phần nâng cao cuộc sống của người dân. Đáng mừng hơn, nhận thức về bảo vệ môi trường của người dân và lãnh đạo của các địa phương đã được nâng lên. Người dân Thái Bình đã rút ra bài học về việc cần thiết phải bảo vệ rừng, không còn lặp lại bài học quai đê lấn biển, phá rừng nuôi tôm tự phát đã phải trả giá. Vì vậy, trong những năm qua, rừng ở các địa phương luôn bị tàn phá, nhưng RNM tỉnh Thái Bình vẫn được bảo vệ an toàn.