Từ năm 2006, khi Nhà máy Luyện kim Thăng Long xuất hiện, môi trường sống ngày càng bị ô nhiễm nặng, bệnh tật xuất hiện nhiều ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân khu phố Bàu Ké (thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, Bình Phước). Chỉ từ tháng 10/2006 đến tháng 03/2007, đã có gần chục người dân ở Bàu Ké bị chết do ung thư. Ngoài ra, các bệnh về đường hô hấp, bệnh phụ khoa cũng xuất hiện ngày càng nhiều gây hoang mang, lo lắng trong người dân.
Nhiều người chết vì ung thư
Lần theo địa chỉ những gia đình ở Bàu Ké mới có người chết vì ung thư, chạy dọc theo hàng rào Nhà máy Luyện kim Thăng Long, qua một khu đất trống nhỏ, chúng tôi tới nhà anh Bùi Quân, cư ngụ tại tổ 46. Gượng ngồi dậy trên chiếc giường kê ở góc phòng, anh Bùi Quân bức xúc: ‘Trước đây, gia đình tôi ai cũng khỏe mạnh, tôi thuộc dạng lực điền trong khu phố, làm rẫy từ sáng đến tối mịt mà chẳng biết mệt là gì. Giờ thì các anh thấy đấy, chỉ còn là… da bọc xươngTôi bị bệnh đã gần một năm rồi, đi chữa khắp nơi mà vẫn không khỏi, vẫn chưa tìm ra bệnh, chỉ thấy váng đầu, khó thở, thể tạng hao mòn dần”.
Lấy tay gạt những giọt nước mắt, nhìn chăm chắm lên chiếc tủ thờ để giữa nhà, anh Quân xót xa kể trong nước mắt: “Mình lớn rồi, có chết cũng cam lòng, tội mấy đứa nhỏ, con trai đầu lòng mới 12 tuổi, đang học lớp 4, ngoan ngoãn khỏe mạnh là thế bỗng dưng mắc bệnh ung thư…”.
Anh Trần Thông – Trưởng khu phố Bàu Ké cho biết: “Lúc đầu, nghe có nhà máy về địa phương, bà con ai cũng mừng vì có chỗ để xin cho con em họ vào làm việc. Niềm vui chưa tới nhưng nỗi buồn đã ập đến, chỉ trong một thời gian ngắn, gần chục người chết vì ung thư. Giờ thì dân Bàu Ké đã thật sự hoang mang, lo sợ. Chúng tôi đã làm đơn tập thể gửi lên cấp có thẩm quyền kêu cứu nhưng qua mấy đợt kiểm tra, nhà máy vẫn cứ tiếp tục hoạt động”.
Ô nhiễm từ nhà máy có phải là nguyên nhân gây ung thư?
Ông Trần Văn Vinh – một người dân ở tổ 52 khẳng định: “Nước ngầm ở đây đã bị ô nhiễm, nhà tôi có 1 giếng đào và 1 giếng khoan, nước lúc nào cũng trong vắt sử dụng không hết nước. Hơn 1 năm nay, nước ở cả 2 giếng đều vẩn đục, có mùi hôi. Sợ bị bệnh, gia đình tôi phải mua nước ở nơi khác chở về sử dụng”.
Ông Trần Trung Hiếu – Phó khu phố Bàu Ké cho biết: “Trước kia, vào mùa mưa đa phần các hộ dân ở đây hứng nước mưa để sử dụng. Nay nước mưa cũng không sử dụng được vì trong nước có mùi hôi, nước để lâu bị đổi màu”.
Theo một số cán bộ, chiến sĩ huyện Đồng Phú (doanh trại gần Nhà máy Luyện kim Thăng Long): “Đêm nào có gió từ hướng nhà máy thổi về, chúng tôi phải đóng kín cửa phòng ấy thế mà vẫn ngửi thấy mùi hôi, khen khét từ không khí, rất khó chịu”.
Cùng Trưởng khu Trần Thông, đến khu vực nhà máy để quan sát. Toàn bộ khuôn viên nhà máy được bao bọc bởi một bức tường dày, trên có chằng dây kẽm gai, đứng ngoài không thể thấy được gì ngoài 2 ống khói cao và màu tôn xanh trên những mái nhà, xưởng nấu chì. Đến một số điểm có rò rỉ nước thải từ nhà máy ra ngoài, chúng tôi thấy các viên gạch ở đây đổi màu trắng đục, tơi xốp. Nước thải thấm đến đâu, cây cỏ chết lụi đến đó, đất đỏ chuyển màu ngà, khô cứng phía trên, xốp khô phía dưới.
Theo một số cán bộ Sở Khoa học – Công nghệ và Tài nguyên môi trường tỉnh Bình Phước: “Trước những phản ảnh của dân, ngày 04/01, tỉnh đã mời Viện Nghiên cứu công nghệ – môi trường và bảo hộ lao động (Bộ TN&MT) về Bàu Ké đo đạc chất lượng môi trường. Kết quả cho thấy: nồng độ kim loại chì trong khí thải vượt tiêu chuẩn cho phép 16 lần, trong nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép 2,6 lần”.
Mặc dù chưa có một kết luận của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền nào khẳng định nguyên nhân gây nên bệnh ung thư cho những người dân ở Bàu Ké là do chất thải của Nhà máy Luyện kim Thăng Long, song có một thực tế không thể phủ nhận là chất thải độc hại của nhà máy này đã gây ô nhiễm môi trường ở mức độ nghiêm trọng.