Các bệnh viện lớn của Hà Nội như Bạch Mai, Xanh-Pôn, Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, Đống Đa… là nơi tiếp nhận đông các bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp. Tuy nhiên, cũng chính tại các bệnh viện này, những cảnh báo về nguy cơ bệnh dịch đang đe dọa lây lan trong cộng đồng lại dường như không mấy tác dụng.
“Điếc không sợ súng”
Người nhà bệnh nhân vẫn vô tư ăn uống và phục vụ người bệnh bằng những đồ ăn thức uống mua ngoài hàng quán sát nách bệnh viện. Đó là tình trạng chung tại nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội. Có vẻ như, những cảnh báo về dịch tiêu chảy cấp đang “nằm ngoài tai” của những người đang phải hàng ngày đối mặt với bệnh tật.
Trong cái nắng nóng khá gay gắt của một buổi trưa đầu hè, tại Bệnh viện Đống Đa, vào khoảng 11giờ trưa, bắt gặp rất nhiều các gương mặt mệt mỏi và bước chân uể oải đi ra phía cổng bệnh viện với chiếc cặp lồng trong tay. Đó cũng là lúc các quán ăn phía ngoài cửa bệnh viện vào giờ phục vụ cao điểm. Gần bệnh viện nên ngoài cơm bụi, các quán còn phục vụ cả cháo, phở, bún cho người bệnh.
Khỏi phải nói chuyện vệ sinh ở những quán này ra sao bởi nó không khác gì các quán ăn đường phố. Vẫn những vật dụng chứa nước là các thùng sơn được tái sử dụng, vẫn là bát đũa rửa nháo nhào ngay tại vỉa hè và quay vòng liên tục. Ấy vậy mà đông khách. Cứ đến giờ ăn, người nhà bệnh nhân kéo ra, ăn xong phần mình lại làm thêm một suất cho người bệnh. Hàng bún chả bún riêu gần đó cũng nhộn nhịp không kém. Điều lạ là rau sống vẫn được bày lên và nhiều thực khách vẫn chén vô tư như không hề có dịch.
Chị Nguyễn Thị Hòa (quê ở Quảng Xương- Thanh Hóa), người đã 3 tuần nay ở đây để chăm sóc người nhà nằm khoa Tiêu hóa, cho biết: “Ngày nào tôi cũng ra cổng bệnh viện để ăn, hôm thì bún chả, hôm thì bún riêu, hôm thì cơm bụi. Ở bệnh viện đã lâu, cả ngày lẫn đêm chỉ lo trông người nhà, chẳng có thời gian chạy đi xem ti vi hay đọc báo nên cũng chẳng để ý gì đến dịch bệnh”.
Có lẽ nhiều người giống chị nên họ cũng chẳng biết sợ là gì. Bà Phạm Thị Liễu (Thanh Sơn – Phú Thọ) thì nói rất hồn nhiên: “Tôi cũng nghe loáng thoáng là đang có dịch nhưng thấy người ta vẫn ăn uống bình thường nên mình cũng ăn theo. Với lại, chắc dịch dang ở đâu đó chứ ở giữa thủ đô thế này làm gì có dịch”. Bà Liễu và rất nhiều người khác không hề biết rằng, Hà Nội chính là nơi đang có nhiều bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp và hồ Linh Quang, nằm giữa lòng thủ đô vừa được phát hiện là có vi khuẩn gây tiêu chảy cấp.
Sợ nhưng vẫn phải ăn
Hầu hết các bệnh viện lớn đều có căng tin phục vụ ăn uống cho các bệnh nhân và người nhà. Riêng Bệnh viện Bạch Mai còn có suất ăn phục vụ phù hợp với các đối tượng bệnh nhân với đủ tiêu chuẩn dinh dưỡng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm. So với các quán ăn ngoài cổng bệnh viện, đồ ăn thức uống ở đây đảm bảo chất lượng hơn. Tuy nhiên, các căng tin này chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của khách hàng. Thức ăn không đa dạng, giá đắt là những lý do mà nhiều người nhà bệnh nhân không mặn mà với căng tin bệnh viện.
Chị Lô Thị Giang (Hát Lót – Sơn La) đang trông em gái nằm tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội phàn nàn, cơm trong căng tin bệnh viện bán suất thấp nhất là 15.000 đồng, trong khi đó, ngoài cổng bệnh viện có thể yêu cầu ăn 8.000 đồng hoặc 10.000 đồng/suất. Nhà nghèo, phải nằm viện dài ngày nên việc chi tiêu phải rất căn ke. “Chỉ dám mua cho người ốm một suất ở căng tin còn mình thì đi ăn ngoài, nói dại mồm nếu “dính” tiêu chảy cấp nằm viện nữa thì không biết xoay xở ra sao”, chị than.
Tại căng tin của Bệnh viện Nhi Trung ương, có khá đông người nhà bệnh nhân, giá dịch vụ ở đây cũng được coi là chấp nhận được với cơm, cháo bán thấp nhất là 10.000đồng/suất. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không thích ăn tại căng tin do phải chờ đợi lâu, thức ăn đơn điệu, chỉ có cháo thịt, muốn mua cháo gà hoặc cháo tim vẫn phải ra ngoài cổng mới có. Anh Lê Bình (Sơn Tây) cho biết: “Nghe thông tin về dịch bệnh cũng thấy sợ lắm. Người khoẻ đã lo, người ốm lại càng lo hơn, sức đề kháng yếu nên nguy cơ nhiễm dịch càng cao. Biết thế nhưng đồ ăn nhiều lúc vẫn phải mua ngoài cửa bệnh viện…”
Số lượng các bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp vẫn đang tăng lên ở các địa phương, đặc biệt là ở Hà Nội. Nắng nóng mùa hè càng làm cho nguy cơ bệnh dịch tăng cao. Các cơ quan chức năng và cả cộng đồng lo phòng chống dịch rất cần chú ý rà soát các quán ăn ngoài cổng các bệnh viện và quan tâm đến đối tượng bệnh nhân và người nhà của họ trong mùa dịch bệnh.