ThienNhien.Net – Lần đầu tôi đến Đắk Sin, ngỡ ngàng nhìn đồi cao lũng thấp tua tủa cọc tiêu chới với in trên nền trời như hàng triệu cánh tay rừng kêu cứu, nhưng những tỉ phú sống trên xác rừng thì hớn hở mùa vụ bội thu. Tám năm sau trở lại, trên triệu ngón tay khô ấy rũ rượi những mớ dây tiêu vàng vọt ngắc ngoải sâu bệnh lan tràn. Còn mỗi mặt người đều hằn sâu vẻ mỏi mệt buồn bã, muốn rời bỏ nơi này ra đi…
Rừng già biến thành “ bãi chông”
Hơn ba mươi năm trước, nơi đây bạt ngàn rừng thẳm. Năm 1977 đợt chuyển dân kinh tế mới đầu tiên từ Thái Bình vào đây đã hình thành nên hợp tác xã Hồng An, thuộc xã Đạo Nghĩa, huyện Đắk R’lấp. Nông dân vùng đất chật người đông mang kinh nghiệm trồng trọt từ đồng bằng Bắc bộ đến khai phá những vạt ruộng hoang mỡ màu, gieo trỉa lúa ngô khoai sắn, cuộc sống êm ả xuôi dòng, người với rừng nương tựa cộng sinh. Cho tới năm 1992, sau nhiều đợt kinh tế mới khác đến Đắk Sin đánh dấu bằng việc tách đôi xã Đạo Nghĩa, những lũng đồi xanh tươi nơi đây vẫn thưa thớt bóng người, tính cả bon làng đồng bào Mạ định cư từ ngày xửa ngày xưa cũng chưa tới ba trăm nóc nhà sớm chiều khói ấm.
Trên bản đồ xã Đắk Sin, màu xanh của rừng bị lấn chiếm nhanh chóng bởi màu của đất trồng cây công nghiệp và đất ở. (Ảnh: Hoàng Thiên Nga) |
Địa hình cao nguyên Đắk Nông trùng điệp thung lũng núi đồi đan xen vào nhau, thoai thoải, tròn trịa lô xô như bát úp. Trong 6.000 quả đồi toàn tỉnh, có hàng nghìn quả đồi chỉ lơ phơ cỏ sắc trên nền quặng bôxít lộ thiên, nhưng ở Đắk Sin gần trăm quả đồi màu mỡ đất bazan phủ kín rừng già xanh thẫm. Dưới chân đồi, những con suối trong vắt róc rách quanh năm hứa hẹn cho nguồn nước tưới không bao giờ cạn. Hình như hạt gì gieo xuống đất này cũng hứa hẹn mùa vàng. Nhiều năm đầu việc canh tác hoa màu, ngũ cốc giá rẻ chỉ đủ áo ấm cơm no cho mức sống tự cung tự cấp. Có người thử trồng tiêu, tiêu lên nhanh như thổi, lên 2 tuổi đã lúc lỉu trái thơm nồng. Tính nhẩm đơn sơ vài phép cộng trừ cũng có thể thấy trên đất này không có nghề gì mau làm giàu bằng trồng tiêu.
Tiếng đồn vang xa. Dân tứ xứ lập tức lũ lượt đổ về xã mới Đắk Sin phá rừng như bão cuốn. Công an, kiểm lâm, chính quyền bất lực trước đủ kiểu phá rừng bí mật, công khai, lì lợm, lấp lửng mua bán san nhượng, hối lộ xin “ cho qua”. Núi đồi Đắk Sin nhanh chóng bị cạo gọt , cỏ cây bị nung đốt thành tro than. Giữa lớp lớp cây rừng đổ xuống, những thân gỗ quý không sợ mối mọt được chọn ra, đẽo gọt thành trụ và chôn…trên chính mảnh đất nó đã đổ xuống, để làm cọc cho tiêu. Vùng nào rừng nghèo, cây thưa không đủ chọn cọc tiêu thì sẽ có thêm những khoảnh rừng nơi khác bị tàn phá. Nghề phá rừng, nghề buôn đất, nghề bán giống và bán cọc tiêu sinh sôi như nấm độc sau mưa.
Từ mười nghìn một bầu tiêu giống, tới mùa cao điểm hạ tiêu xuống hố giá mỗi bầu tiêu lên tới mười lăm, hai mươi nghìn, dân Đắk Sin vẫn tranh nhau mua. Giống tiêu không cần điều tra rõ nguồn gốc, chỉ cần đủ độ dài và mắt rễ để vùi xuống đất nảy mầm ngay. Không ít kẻ bất lương đã chờ đêm tối đột nhập vào các vườn tiêu xanh ở các huyện xã xa để cắt trộm dây về ngắt đoạn, ươm bầu. Nạn cắt trộm dây tiêu rộ lên khắp tỉnh như nhà tranh gặp lửa mùa gió, bao nhiêu khổ chủ nước mắt ngắn dài biết vườn tiêu của mình trôi về hướng Đắk Sin mà bó tay, không kiện cáo gì được.
Cọc tiêu ban đầu được chuộng nhất là lõi căm xe, lõi mít, cà chít, muồng đen. Lái gỗ cũng chính là lâm tặc, đổ từng đống cọc ngổn ngang cho chủ vườn tha hồ lựa. Sau, cung không đủ cầu, người ta tận dụng cả các loại cây chai, dầu gió, dâu đất. Mỗi hecta cần 1.100 trụ khô. Giá mỗi cọc chừng năm, sáu mươi nghìn. Hai thanh niên, một cái cưa và một chiếc xe cải tiến mỗi ngày cưa đổ vài chục cây rừng là có thể bỏ túi tiền triệu. Cũng có người ít nhiều biết thương rừng khăn gói về đồng bằng, ra tận đảo Phú Quốc học tập kinh nghiệm trồng tiêu trên thân cây sống vông, keo, trôm, muồng đen, như kiểu trầu bò lên cau; hay xây trụ gạch cao dần hàng năm theo đà phát triển của dây tiêu như cách làm phổ biến ở Đồng Nai, Long Thành.
Vườn tiêu mới. (Ảnh: Hoàng Thiên Nga) |
Nhưng rồi tính đếm lời lãi tới lui họ đều thấy xây trụ tốn quá nhiều tiền, trồng cọc sống tốn quá nhiều phân nên quanh đi quẩn lại cũng quay về chấp nhận tiếp tay cho lâm tặc phá rừng lấy trụ gỗ chết làm điểm tựa cho đời tiêu, nhanh gọn, đỡ tốn. Lâu lâu, lương tâm áy náy thì tặc lưỡi : Chậc! Rừng luông tuồng không rào giậu cửa ngõ, bảo vệ lỏng lẻo tiêu cực kiểu này thì mình không nỡ phá cũng có đứa khác phá mất thôi!
Kỹ sư lâm sinh Ngô Xuân Lộc- phó Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lâp đưa tôi đi từ đầu đến cuối xã Đắk Sin. Đứng từ đồi cao trông xuống dải cọc tiêu xám xịt bạt ngàn tua tủa như kéo dài vô tận, anh không giấu được vẻ đau lòng khi nghe tôi buột miệng than: “Để tạo nên cả bãi chông Bạch Đằng đuổi quân xâm lược lưu danh sử sách ngàn xưa, có lẽ cổ nhân cũng không cần chặt hạ nhiều cây xanh đến thế này!”
Núi tiền chảy về đâu?
Mỗi nhà một đồi tiêu, ít cũng bảy, tám sào (Ảnh: Hoàng Thiên Nga) |
Giai đoạn hưng thịnh nhất của “thủ phủ tiêu” Đắk Sin, theo nhận định của những tỉ phú xứ này, là từ năm 1997 đến hết 2002. Nhà nào cũng có vườn tiêu, ít thì bảy, tám sào, nhiều thì hàng chục mẫu, năng suất bình quân 3 tấn hạt khô trên mỗi hecta. Một trong những “ tỉ phú tiêu” nổi tiếng ở xã này là ông Phan Văn Vinh, vốn là con nghiện nặng từ những bãi vàng thổ phỉ phía Bắc. Vào đây quyết tâm cai nghiện, vừa phá rừng vừa mua thêm đất mở rộng “bờ cõi”, chỉ sau vài năm ngoài 7 ha cà phê ao cá còn sở hữu đến 13 ha tiêu, có vụ thu lãi cả tỉ đồng .
Lúc bấy giờ, Đắk Sin có tới hơn 2.000 ha tiêu trên 4.000 ha tiêu của toàn huyện Đắk R’lấp. Nhân với số trụ trên mỗi hecta sẽ thấy đến 2,2 triệu cây rừng đã bị đẽo gọt và chôn làm trụ tiêu ở Đắk Sin, kéo theo đó là hàng triệu cây non gãy đổ và hàng triệu cây không đạt yêu cầu đã bị gom đốt! Giá tiêu hạt khô hàng năm đều dao động mạnh, khi tuột xuống 17 triệu đồng/tấn, lúc vọt lên tới 70 triệu đồng/ tấn. Tiêu kinh doanh năng suất cao, tiêu mới trồng chưa ra trái, tính bổ đồng 2 tấn tiêu/ ha, nhân với giá tiêu bình quân 40 triệu đồng/ tấn, cho thấy thu nhập riêng về tiêu ở Đắk Sin nhiều năm không dưới 160 tỉ đồng/vụ.
Hàng trăm tỉ đồng bán tiêu không phải đóng thuế mỗi năm, nhân với nhiều năm liên tiếp, núi tiền của nông dân xã vùng sâu heo hút này chảy đi đâu?