Môi trường bị ô nhiễm nặng từ những hố chôn lợn dịch phát tán vào trong các khu dân cư đã và đang gây bức xúc, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cho người dân địa phương.
Tại xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương có 14/14 thôn có lợn bị dịch “tai xanh”. Hàng chục tấn lợn đã được chôn ở những bãi, cồn, ruộng cách khu vực dân cư sinh sống không xa.
Những ngày qua, nắng nóng kèm theo gió đông nam thổi liên tục khiến cho những “nấm mồ” lợn to nhỏ, cao thấp bốc mùi tanh thối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, cũng như sinh hoạt của người dân nơi đây.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, thôn Yên Đông, xã Quảng Yên cho biết: “Lợn dịch chôn được 2 đến 3 ngày là bắt đầu bốc mùi thối rất khó chịu. Ở thôn Yên Đông, đến chiều 11/04 mới có 2 con lợn bị dịch phải chôn. Tuy nhiên, toàn bộ dân ở khu vực này đã phải ngửi mùi hôi thối từ lợn chết nhiều ngày qua từ các thôn khác có lợn bị dịch trước đó”.
“Nhiều hố chôn lợn dịch tràn phè mỡ, nước nhầy ra bãi, cồn, chân ruộng tạo mùi xú uế tanh nồng. Gặp những hôm trời nắng, mùi xú uế này khiến cho chúng tôi phải đeo khẩu trang cả ngày, thật bất tiện”- Anh Nguyễn Văn Đồng, xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương bức xúc trước thực trạng trên.
Ông Trần Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cho biết: Sau khi tiêu hủy lợn dịch, bắt đầu từ ngày 06/04, tình trạng ô nhiễm môi trường đã và đang diễn ra hầu khắp các địa phương có lợn dịch trên địa bàn tỉnh.
Việc lợn dịch phát sinh quá nhanh, dẫn đến tình trạng xử lý tiêu hủy chưa đầy đủ và chưa đúng các yêu cầu, quy trình kỹ thuật như đào hố, chôn lấp sơ sài là nguyên nhân chủ yếu làm ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện truyền mầm bệnh dịch.
Giải pháp đang được chúng tôi cùng các địa phương tiến hành hiện nay là xử lý lại các hố chôn lợn dịch bằng cách đắp đất nhỏ vào các chỗ hổng, nâng cao hố đúng theo quy định cách vị trí có lợn chôn là 1m; phun hóa chất khử trùng, khử mùi; chỉ đạo các địa phương có hố chôn mới phải thực hiện đúng hướng dẫn của ngành. Vừa qua, ngành Tài nguyên- Môi trường đã huy động, cấp 300 lít thuốc khử mùi xuống các địa phương để phun liên tục trong vòng 10 ngày tới”.
Vẫn chưa có câu trả lời chính xác thời điểm có thể khống chế dịch bệnh “tai xanh” trên đàn lợn tại tỉnh Thanh Hóa. Chưa tính đến thiệt hại về tài chính vì xử lý môi trường do chôn lấp, tiêu hủy lợn không đúng quy trình, mà mối nguy hại hơn hiện nay là tiêu hủy lợn dịch không đúng quy trình sẽ là con đường truyền mầm bệnh dịch tới các địa phương khác.
Mầm bệnh dịch lợn “tai xanh” có thể phát đi từ tỉnh này đến tỉnh khác theo nhiều con đường, nếu các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương không nghiêm túc, quyết liệt thực hiện phòng chống và dập dịch lợn “tai xanh” nhanh chóng, đúng quy trình theo hướng dẫn của ngành thú y.