Ngày 06/04, tại xã Xuân Sơn, thành phố Sơn Tây (Hà Tây), nhà máy xử lý chất thải hiện đại, sử dụng công nghệ SERAPHIN chính thức đi vào vận hành với công suất thiết kế 200 tấn rác/ngày, đảm bảo xử lý hết rác thải sinh hoạt hằng ngày của 2 thành phố Sơn Tây và Hà Đông.
Chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần công nghệ Môi trường xanh SERAPHIN với vốn đầu tư 70 tỷ đồng.
Nhà máy xử lý chất thải tại Sơn Tây khởi công tháng 12 năm 2005, vận hành thử từ tháng 11 năm 2006. Tháng 4 năm 2007, nhà máy tạm dừng việc vận hành để hoàn thành các hạng mục đầu tư nhằm thực hiện có kết quả thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyển Tấn Dũng, trong đó nêu rõ xây dựng nhà máy trở thành mô hình điểm và nhân rộng mô hình trong cả nước. Nhà máy đi vào vận hành với công suất trung bình từ 50 đến 60 tấn rác/ngày, đến tháng 2 năm 2008 , nhà máy hoạt động với công suất 120 tấn rác/ngày.
Được biết, việc đưa vào sử dụng công nghệ hiện đại tại nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây phù hợp với thành phần rác thải sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn ở Việt Nam. Nhà máy có khả năng giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thải được xử lý ngay trong ngày, không còn chôn lấp rác tươi, không còn mùi hôi và tuyệt đối không còn nước rỉ rác gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và gây sự phản ứng của dân cư khu vực gần nhà máy xử lý rác.
Hệ thống ủ phân Compost trong thiết bị kín kiểu đứng có khả năng hạn chế ô nhiễm môi trường, mức đầu tư cho nhà máy xử lý rác theo công nghệ SERAPHIN thấp, máy móc thiết bị sản xuất tại Việt Nam, việc bảo hành, bảo trì thuận lợi, ít tốn kém về kinh phí và thời gian. Hiệu quả tái chế xử lý rác cao hơn (đến 99%), giảm thiểu chôn lấp rác, tiết kiệm đất đai và dần xóa bỏ các bãi rác đã chôn lấp, thu hồi diện tích đất này cho các mục đích xã hội tốt đẹp khác.
Những sản phẩm vật liệu xây dựng được sản xuất từ nguyên liệu SERAPHIN như ống thoát nước, tấm cốppha… đáp ứng yêu cầu vệ sinh môi trường. Phân compost đã được khảo nghiệm, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép sản xuất thương mại và lưu hành trên thị trường.
Tuy nhiên, cho đến nay, đối với phần rác thải y tế như kim tiêm, băng bông… lẫn trong rác, hiện nhà máy chưa có khả năng xử lý, tạm được đóng thành kiện để vận chuyển tới nơi được phép xử lý.