Việc tạo ra dịch vụ chi trả môi trường rừng là một điều cần thiết, nhằm nâng cao công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Ngày 04/04, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm Lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Rừng tạo ra các dịch vụ về môi trường như điều tiết nguồn nước, hạn chế lũ lụt, cung cấp nước cho thuỷ điện… cho đến nay chưa có cơ chế nào để những tổ chức, cá nhân sử dụng những điều trên trả lợi nhuận cho người chăm sóc rừng.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần xác định 2 hình thức chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Một, chi trả dịch vụ môi trường rừng trực tiếp bao gồm các hoạt động giao dịch, trao đổi giữa người bán và người mua. Người lao động lâm nghiệp (các chủ rừng) tạo được hoặc bảo vệ, giữ gìn được môi trường, cảnh quan thiên nhiên trong rừng; những người muốn vào rừng để thăm quan, nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học… phải trả tiền mua vé.
Chi trả dịch vụ môi trường rừng gián tiếp là nếu giao dịch giữa người bán và người mua không thể thực hiện được trực tiếp, cần thông qua một bên trung gian làm đại diện cho cả 2 phía bởi những chủ rừng không thể đi bán cho từng người hưởng lợi. Với số lượng những người hưởng lợi đông thì Nhà nước sẽ đại diện để thu tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng giữa người mua và người bán.
Các loại rừng được dự định áp dụng chi trả dịch vụ môi trường là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.
Hiện Thủ tướng đã chỉ đạo giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, nghiên cứu xây dựng chính sách và thực hiện thí điểm tại 2 tỉnh Lâm Đồng và Sơn La.
Theo nhận định của các nhà chuyên môn, để việc chi trả dịch vụ môi trường rừng đi vào thực tế, cần đưa vấn đề này vào nội dung Luật pháp, chính sách của Nhà nước về lâm nghiệp, xã hội hoá nghề rừng. Như vậy mới nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân đối với sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng.