Với diện tích đất sử dụng cho việc chôn cất người chết cao nhất nhì cả nước, Thừa Thiên Huế buộc phải làm bài toán quy hoạch nghĩa địa, nghĩa trang đến năm 2010 và hướng đến 2020.
Theo số liệu thống kê các loại đất đầu năm 2008 tại tỉnh THừa Thiên Huế, trong số 506.527ha diện tích đất tự nhiên trên toàn tỉnh thì đã có đến 8.209ha diện tích đất nghĩa trang, nghĩa địa.
Những địa phương có tỷ lệ đất sử dụng cho việc mai táng lớn là TP Huế 640ha, chiếm 25% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, tiếp đến là các huyện Phong Điền 14,9%, Quảng Điền 7,99%, Phú Vang 6,5% diện tích đất nông nghiệp.
Trong đó, diện tích nghĩa trang chính thức có quy hoạch và tổ chức quản lý theo quy hoạch vẫn chỉ dừng ở con số hết sức khiêm tốn về số lượng lẫn quy mô, toàn tỉnh chỉ có 4 nghĩa trang với diện tích khoảng 100ha, bao gồm: nghĩa trang phía Nam, phía Bắc TP Huế, nghĩa trang Tam Thai, và nghĩa trang Trường Đồng ở thị trấn Lăng Cô.
Từ đó xảy ra tình trạng sử dụng đất lãng phí, xây dựng lăng mộ tuỳ tiện, bề thế. Nhiều khu vực dân cư còn mai táng trên đồng ruộng (đất 5%), trong các khu rừng phòng hộ, xen kẽ trong các khu vực nhà ở, khu dân cư… gây ảnh hưởng nặng nề đến cảnh quan, môi trường.
Đặc biệt ở địa bàn thôn An Bằng, xã Vinh An, huyện Phú Vang có phong trào xây dựng lăng mộ với quy mô, bề thế. Nhiều lăng có diện tích lên đến 2.000 mét vuông đất, trị giá gần 2 tỷ đồng. Tình trạng xây cất mộ to, lăng lớn vẫn tiếp tục diễn ra.
Với việc quy hoạch nghĩa địa, nghĩa trang đến năm 2010, hướng đến 2020, Thừa Thiên Huế hướng đến mục tiêu đẩy lùi quan điểm sử dụng đất mai táng rộng rãi, dựng lăng to, mộ lớn, đầu tư nhiều tiền mới hiếu thảo với người đã khuất.
Theo đó, việc xây dựng nghĩa trang sẽ phải tuân thủ các quy định quy hoạch chung xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, khi phê duyệt các dự án này cơ quan có thẩm quyền đồng thời quy hoạch nghĩa địa, nghĩa trang.
Tương lai, trên địa bàn tỉnh sẽ có một hệ thống nghĩa trang 3 cấp: nghĩa trang cấp tỉnh, huyện, xã, hệ thống này sẽ hình thành trên cơ sở tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống nghĩa trang hiện có, xây dựng mới.
Đối với nghĩa địa không còn phù hợp với quy hoạch sẽ giải toả để thực hiện dự án, công trình và kiên quyết đình chỉ hoạt động mai táng, xây dựng lăng mộ.
Việc làm này còn nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, hiệu quả sử dụng đất, đảm bảo ổn định, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội.