Nợ môi trường: GDP tăng 1%, chất thải tăng 3%

GDP tăng 1%, chất thải tăng 3%. Nếu tiếp tục tình trạng này, chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt trong hiện tại cũng như mai sau… Ý kiến của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường (KH-CN &MT) Quốc hội Nghiêm Vũ Khải.

Trong các tháng đầu năm nay, Ủy ban KHCN &MT Quốc hội do Phó chủ nhiệm Ủy ban Nghiêm Vũ Khải làm trưởng đoàn đã có đợt đi kiểm tra tình hình thực hiện Luật Bảo vệ môi trường ở một số khu công nghiệp (KCN), kinh tế và đô thị trên cả nước. Dưới đây là buổi trao đổi với Phó chủ nhiệm Ủy ban KHCN &MT Quốc hội Nghiêm Vũ Khải xung quanh vấn đề bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay.

Qua đợt kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Luật Bảo vệ môi trường ở nhiều cơ sở trên cả nước, theo ông, vấn đề ô nhiễm môi trường ở Việt Nam (VN) nghiêm trọng đến đâu?

Vấn đề nước thải, chất thải CN, chất thải rắn, chất thải sinh hoạt đang là vấn đề gây ô nhiễm nghiêm trọng tại các KCN, nhất là nước thải. Có những tỉnh, tỷ lệ KCN có khu xử lý nước thải chỉ đạt 15%.

Các cơ sở sản xuất, nhất là các xí nghiệp sản xuất nhuộm, giấy, thuộc da là những DN thải ra lượng nước thải hàng nghìn m3/ ngày. Lượng nước thải này thấm sâu vào lòng đất, tầng nước ngầm và chảy ra các dòng sông gây ô nhiễm nghiêm trọng đến nguồn nước. Điển hình như sông Thị Vải hiện nay có những khúc sông người ta gọi là sông chết.

Bản thân Thị Vải không phải là một con sông mà là một vịnh hẹp ăn sâu trong đất liền, do vậy lượng nước thượng nguồn rất ít và hầu như không có sự lưu thông. Do sông Thị Vải thuộc địa phận hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu nên việc phân công trách nhiệm kiểm soát ô nhiễm dòng sông này chưa có sự thống nhất và gây nhiều tranh cãi. Cũng may sông Thị Vải không chảy ra biển nên không gây ô nhiễm môi trường và hệ sinh thái dọc bờ biển.

Ba hệ thống sông Đồng Nai – Sài gòn, sông Cầu, sông Nhuệ – sông Đáy đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong mấy năm qua, Chính phủ đã rất cố gắng và có nhiều mô hình phân công, phối hợp, xử lý ô nhiễm ba hệ thống sông này nhưng cho đến nay vẫn chưa có một mô hình nào có tính khả thi cao. Các dòng sông bị ô nhiễm vẫn đang tiếp tục chảy và đang bị ô nhiễm.

Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng VN đang “để sổng” ô nhiễm môi trường và là bãi rác công nghệ, ý kiến của ông về vấn đề này?

Trong giai đoạn đầu, do có nhu cầu phát triển kinh tế và chúng ta có ít kinh nghiệm nên đã tiếp nhận một loạt công nghệ lạc hậu cấm sử dụng ở nước ngoài mang sang VN.

Luật bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua năm 2005, có hiệu lực từ 01/07/2006, đã trở thành đạo luật cơ bản về bảo vệ môi trường ở nước ta, vậy tại sao chúng ta vẫn để xảy ra tình trạng này?

Luật bảo vệ môi trường (BVMT) đang góp phần đưa hoạt động bảo vệ môi trường ngày càng đi vào nề nếp hơn và việc thực hiện Luật đã đạt được tiến bộ đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại chủ yếu là: đội ngũ cán bộ, lực lượng kỹ thuật bảo vệ môi trường còn mỏng về số lượng và nghiệp vụ; phương tiện quan trắc môi trường, phân tích, thí nghiệm nói chung vẫn còn thiếu và yếu. Vì vậy, việc kiểm tra xử lý vi phạm môi trường còn bị buông lỏng, chưa làm thường xuyên, ý nghĩa giáo dục, răn đe còn bị hạn chế.

Ngoài ra, việc thực hiện Luật của chúng ta ngay từ đầu không nghiêm. Lý do chính là trên thực tế chưa xác định rõ ràng quyền và trách nhiệm của tổ chức, các nhân cũng như có những chế tài buộc họ phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ đó.

Ví dụ, trong luật quy định có tới 20 điều về trách nhiệm của chính quyền cấp tỉnh về bảo vệ môi trường. Nhưng qua đợt giám sát có thể nói chưa có tỉnh, thành nào ban hành đầy đủ văn bản, trách nhiệm thực hiện luật theo thẩm quyền của mình. Có một số tỉnh đã ban hành một số văn bản nhưng khâu triển khai, kiểm tra đôn đốc, xử lý vi phạm còn yếu nên không đánh giá được cá nhân, doanh nghiệp (DN) nào làm tốt hay chưa tốt và cần áp dụng biện pháp kinh tế, hành chính, xử lý hình sự nào.

Trong khi việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường còn chưa nghiêm thì việc chế tài xử phạt của ta còn quá nhẹ. Hiện Bộ TN-MT đã liệt kê 600 nhà máy nằm trong sách đỏ phải di dời nhưng vẫn chưa chế tài, buộc di dời các nhà máy đó đi được?

Vấn đề phạt chỉ là giải pháp tạm thời mang tính chất cảnh cáo. Còn mức phát hiện nay mức tối đa là 70 triệu đồng thì nhiều DN thay vì phải đầu tư vốn lớn cho công nghệ xử lý rác thải họ sản sàng chịu phạt để tiếp tục xả chất thải trực tiếp ra môi trường.

Thưa ông, nếu chúng ta không có những biện pháp giải quyết dứt điểm và nghiêm túc, thế hệ con cháu chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả những “đống rác” này?

Tôi nói đã đến lúc chúng ta không thể lùi được nữa, không thể tiếp tục hi sinh chất lượng môi trường cho các mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia GDP tăng 1%, chất thải tăng 3%. Nếu chúng ta tiếp tục tình trạng này, chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt tại thời điểm hiện nay và thế hệ mai sau. Chất lượng cuộc sống sẽ giảm và không bảo đảm thực hiện được ba mục tiêu phát triển bền vững là tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

Với khoản kinh phí 1% ngân sách Nhà nước chi cho quản lý môi trường và theo mục tiêu dự thảo sửa đổi Nghị quyết 41 năm 2010 chúng ta sẽ xử lý cơ bản các KCN trọng điểm gây ô nhiễm. Thưa ông, khoản kinh phí này có đủ để đạt mục tiêu không?
Bộ TN-MT và Bộ Tài chính đã có thông tư liên tịch về sử dụng kinh phí cho sự nghiệp bảo vệ môi trường là 1% ngân sách Nhà nước. Nhưng trong mấy năm qua, việc chi chưa đúng và chưa hiệu quả còn diễn ra ở nhiều địa phương. Theo báo cáo của Bộ TN-MT, nhiều tỉnh chỉ giữ lại 10 – 15% cho hoạt động bảo vệ môi trường ở tỉnh, phần còn lại chia cho các huyện và cũng thiếu cơ chế kiểm tra việc thực hiện các khoản chi này. Tôi cho rằng, cần chi đủ, thậm chí cao hơn 1% và chi đúng để từng mục tiêu được thực hiện dứt điểm, tránh dàn trải, tùy tiện trong việc chi kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường. Ngoài ra, cần huy động các nguồn lực khác như phí bảo vệ môi trường, các dự án quốc tế và sự đóng góp của xã hội.

Sau chuyến đi này, Ủy Ban KN-CN&MT Quốc hội có kiến nghị gì với Chính phủ?

Chúng tôi đã và đang thu thập những kiến nghị của các địa phương và sẽ tổ chức hội thảo, hội nghị để xin ý kiến rộng rãi, dân chủ chọn những nội dung cấp bách nhất báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Việc trước mắt, Ủy ban KH-CN&MT đề nghị Chính phủ, Bộ TN-MT, các bộ ngành đôn đốc, giúp đỡ các UBND cấp tỉnh nhanh chóng hoàn thiện hệ thống văn bản, tổ chức bộ máy và điều kiện trang thiết bị bảo vệ môi trường theo đúng quy định của Luật BVMT năm 2005; củng cố bộ máy, từng bước chính quy hóa các hoạt động BVMT; đề nghị với Chính phủ bổ xung, sửa đổi các quyết định của Thủ tướng và các thông tin hướng dẫn của địa phương.

Xin cảm ơn ông!