Qua điều tra, khảo sát tổng quan hiện trạng ô nhiễm Arsenic (thạch tín) nguồn nước của Bắc Kạn do Trung tâm Thông tin Kỹ thuật tài nguyên môi trường tỉnh tiến hành đã cho thấy, tình trạng nhiễm thạch tín đang ở mức báo động…
Hàm lượng thạch tín tại sông, suối… cao
Đó là kết luận của Phòng Môi trường (Sở TN&MT) khi phân tích mẫu nước tại vị trí đuôi nước thải gần các xí nghiệp chế biến khoáng sản. Kết quả cho thấy, nguồn nước tại các sông suối đều ô nhiễm thạch tín. Điều này cũng khẳng định, ở những vùng nhiều khoáng sản như Chợ Đồn, Ngân Sơn nguy cơ nhiễm thạch tín càng cao. Một vài xã ở cuối nguồn nước thải từ khu vực khai thác quặng ở xã Bằng Lãng như Tủm Tó, Bản Lắc hàm lượng Arsenic khi thử nhanh đều cao hơn mức quy định.
Đoàn Trung tâm Thông tin Kỹ thuật TN-MT đã tiến hành điều tra ở 8 huyện thị với 72/122 xã, phường, tập trung vào giếng khoan, giếng đào và những mạch lộ mà người dân sử dụng làm nước sinh hoạt. Cụ thể, 277 công trình lấy nước từ khe, mạch lộ, 3 vị trí lấy nước mặt, 306 giếng đào và 114 giếng khoan. Đoàn sử dụng bộ dụng cụ phân tích tại hiện trường, phiếu điều tra và gửi mẫu về phòng thí nghiệm… Kết quả là chỉ có duy nhất xã Bằng Lãng (Chợ Đồn) có hàm lượng thạch tín 0,05mg/l (vượt quá tiêu chuẩn quy định là 0,01mg/l). Những tài liệu nghiên cứu trước đó cũng khẳng định, tại một số huyện, nguồn nước mặt, nước sinh hoạt đều nhiễm thạch tín ở nhiều mức độ, qua thời gian chúng sẽ ngấm vào mạch nước ngầm và lại được dùng làm nước sinh hoạt.
Arsenic do hoạt động khai thác khoáng sản?
Bắc Kạn có nhiều sông suối như Sông Cầu, sông Năng, sông Phó Đáy, sông Bắc Giang, sông Na Rì, sông Hiến, sông Bằng Khẩu… chưa kể hàng trăm con suối, khe lạch khác.
Nguyên nhân gây ô nhiễm được các khoa học khẳng định, một phần do cấu tạo địa chất. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn do các nhà máy xả thải không qua xử lý, người dân sử dụng nhiều chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp, đào lấp giếng không đúng tiêu chuẩn. Quan trọng hơn nữa là do hoạt động khai thác khoáng sản ngày càng phát triển trên địa bàn tỉnh.
Một trong những biện pháp được Trung tâm Thông tin Kỹ thuật TN-MT phổ biến, là dùng phương pháp lọc bằng cách cho nước thô đi qua khối vật liệu bằng cát, than hoạt tính, vải lọc. Phương pháp này có thể lọc bớt các chất bẩn nhìn thấy như mănggan, kết tủa sắt, vi khuẩn và cả Arsenic. Điều này đặc biệt hữu dụng với rất nhiều hộ dân đang sử dụng giếng đào, giếng khoan ở các thị trấn, thị tứ của tỉnh.
Mặc dù, tình trạng nguồn nước nhiễm arsenic tại Bắc Kạn chưa quá nghiêm trọng như tại Hà Nam, An Giang… nhưng nếu người dân sử dụng trong thời gian dài thì khả năng mắc bệnh là không tránh khỏi. Đã đến lúc ngành chức năng tỉnh Bắc Kạn phải “ra tay” tìm giải pháp để mọi việc không là quá muộn.