Làng cổ Đường Lâm: Bảo tồn bền vững

Được xác định là một trong 6 vùng trọng điểm du lịch của Hà Tây (cùng với chùa Hương, chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Đậu, đền Hữu Vinh), di tích làng cổ ở Đường Lâm đã và đang thu hút sự chú ý của rất nhiều du khách trong và ngoài nước.

Làng Đường Lâm có khoảng 800 nhà cổ, được xem là “bảo tàng lối sống nông thôn, lối sống nông nghiệp” của vùng châu thổ sông Hồng và cả nền văn minh lúa nước Việt Nam.

Đây cũng là làng cổ đầu tiên trong cả nước được công nhận Di tích Quốc gia (tháng 03/2006). Những ngôi nhà cổ, giếng cổ, văn bia, đình làng… được làm từ gỗ, đá ong tạo nên một không gian văn hóa mang diện mạo đặc trưng chỉ có ở Đường Lâm. Ẩn chứa trong không gian – cảnh quan đó, dưới những mái nhà phủ bóng rêu phong trầm mặc, những con đường lát gạch đỏ nghiêng nghiêng cùng những bức tường đá ong, 16 di tích lịch sử văn hóa, 36 gò đồi, 18 rộc sâu gần 50 ao hồ, vũng, chuôm cùng cảnh quan thiên nhiên môi trường khác.

Thế nhưng, tại Đường Lâm hôm nay, lẫn trong quần thể nhà cổ nguyên sơ, nhà cao tầng thi nhau mọc lên, chen vai thích cánh cùng những kiến trúc đá ong hàng trăm năm tuổi. Vấn đề còn là phải giữ gìn vệ sinh làng, xóm, đường, ngõ, biện pháp rất quan trọng để thu hút du khách. Mỗi người dân cần nhận thức rõ ràng: giữ gìn vệ sinh không phải là phục vụ cho khách du lịch, mà là phục vụ cấp thiết hàng ngày cho cuộc sống của họ và các thế hệ sau này.

Ông Nguyễn Trọng An, Ban quản lý Di tích làng cổ Đường Lâm cho rằng, để cho làng cổ Đường Lâm luôn sạch, cơ quan quản lý chuyên môn cần phối hợp với chính quyền có chính sách hỗ trợ cấp đất đai định cư cho các hộ gia đình hiện đang cư trú trong nhà cổ chật hẹp bởi nhiều nhà hiện có đến 3-4 thế hệ cùng sinh sống, để nơi ấy chỉ là chỗ thờ phụng tổ tiên và số ít nhân khẩu.

Khẩn trương hoàn chỉnh bản quy hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích làng cổ Đường Lâm để trình Chính phủ sớm có các dự án đầu tư. Tổ chức vận động thành lập các tổ vệ sinh thôn xóm đề nghị các hộ tự nguyện đóng góp kinh phí để phục vụ cho các hoạt động đó, có hướng dẫn cụ thể về nghiệp vụ cho các thành viên, trang bị bảo hộ lao động, xe thu gom rác thải.

Người dân cũng cần phải hiểu rõ các giá trị văn hóa đang tồn tại ở chính quê hương, trong gia đình và gắn liền với cuộc sống thường nhật. Yếu tố môi trường sạch đẹp sẽ là nhân tố quan trọng tôn vinh vẻ đẹp giá trị vô giá của di tích, giữ chân du khách. Không nên dùng các biện pháp để săn bắn hủy hoại sinh vật quanh làng như bẫy thủ công, kích điện, bắn chim.

Hạn chế các hộ kinh doanh khu vực làng cổ với các nghề cơ khí, giết mổ gia súc, vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp và một số ngành gây tiếng ồn và chất thải khác. Áp dụng giống mới tăng năng suất mùa vụ, mạnh dạn dùng các biện pháp thâm canh mới nhằm tăng nguồn thu, tránh tồn đọng các bãi đất hoang hóa.