ThienNhien.Net – Tính đến thời điểm hiện nay, con số 17 tỉnh thành cả ba miền trên toàn quốc có bệnh nhân mắc dịch tiêu chảy cấp, nguy cơ lây lan bệnh ngày càng cao. Những công bố về mới đây của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã làm “sốc” tất cả mọi người. Nhưng dường như điều đó đã được cảnh báo từ rất lâu về môi trường ẩn chứa dịch bệnh.
Thời gian vừa qua, trên hầu hết các mặt báo đều đưa tin về dịch tiêu chảy cấp, dịch lợn tai xanh, dịch cúm gia cầm…Chưa bao giờ Việt Nam lại đối mặt với nguy cơ nhiều dịch bệnh dễ lây lan như hiện nay. Người người, nhà nhà, địa phương đều lo nơm nớp sợ dịch tràn qua.
Tính đến chiều 09/04, trong đợt dịch tiêu chảy cấp xảy ra lần thứ 3 đã có gần 1000 ca mắc bệnh tại 17 tỉnh thành gồm Hà Nội, Hà Tây, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Phú Thọ, Bắc Giang, Nam Định, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên, TP.HCM và Thái Nguyên, Huế. Công tác phòng chống dịch diễn ra “rầm rộ”, Trung ương, chính quyền đôn đáo tìm cách tháo gỡ. Người dân cũng e dè và bắt đầu lo ngại khi nguy cơ lây lan bệnh ngày càng cao, bởi số lượng bệnh nhân nhiễm vi khuẩn tả (V. cholerae) ngày càng tăng.
Nhiều người cũng đặt ra câu hỏi: Nguyên nhân từ đâu mà dịch tiêu chảy cấp, có phát hiện vi khuẩn tả lại bùng phát mạnh mẽ như vậy? Môi trường sống, môi trường xung quanh bị nhiễm bẩn, ô nhiễm cùng với thói quen sinh hoạt là nguyên nhân làm lây lan bệnh dịch cao nhất.
Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) sau đợt kiểm tra vừa qua đã công bố thêm rất nhiều con số “biết nói”: Rau sống tại các nhà hàng ở các tỉnh “dính” dịch bệnh đều có vi khuẩn Coliforms, E.Coli, Cl.perfringens, Staph.aureus với mật độ 50 – 500 vi khuẩn trong 1 gram rau. Mắm tôm lấy ở Thanh Hoá, Hà Nam, Nghệ Tĩnh, Ninh Bình, Nghệ An đều có vi khuẩn hiếu khí, vi khuẩn kỵ khí (Cl.perfrigens, Cl.tetani), B.cereus, Staph.aureus, Coliform với mức độ 100 – 10.000 con/ml. Đặc biệt khi kiểm tra thực phẩm thức ăn đường phố, bàn tay của những người chế biến thức ăn đường phố, tỉ lệ bàn tay có E.Coli tới 70 – 80%, điều đó chứng tỏ các thực phẩm đều đã bị dính phân và các vi khuẩn đường ruột khác.
Theo Tiến sĩ Trần Đáng, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã đưa ra 6 yếu tố làm dịch tiêu chảy cấp bùng phát, trong đó có 5 yếu tố hiện vẫn chưa thể kiểm soát được, đó là: Thói quen ăn bẩn, thực phẩm sống hoặc chế biến sẵn không sạch, việc xử lý phân và chất thải chưa tốt, vệ sinh bàn tay kém, việc bảo quản thực phẩm khỏi ruồi, bụi chưa đảm bảo. Với yếu tố thứ 6 là nguồn bệnh, hiện Bộ Y tế cũng chỉ kiểm soát chất thải của bệnh nhân tả, còn với người lành mang bệnh và động thực vật thủy sinh nhiễm tả thì vẫn chưa có giải pháp.
Nhưng nếu người ta quan tâm từ trước và biết rằng có đến gần 80% dân số sống ở nông thôn không được sử dụng nước sạch, những cư dân đô thị sống trong các khu ổ chuột dưới những căn nhà tối tàn, tối tăm, đâu đó vẫn có những người phải sử dụng nước kênh rạch đen hôi cho việc rửa ráy, tắm giặt thậm chí là rửa bát đũa (như tại khu vực chợ Bình Triệu – nơi có bệnh nhân nhiễm tả đầu tiên tại TP.HCM). Và người ta vẫn biết, có những mái chợ sáng chiều họp tạm bên những kênh mương, hồ nước bẩn, đồng thời nó lại được sử dụng như là nơi “thải” rác dù cho đó là đô thị, thành phố như tại khu vực hồ Linh Quang (thuộc phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội) để rồi nó được kiểm tra và công bố nhiễm khuẩn tả do ô nhiễm nghiêm trọng, biện pháp xử lý cấp bách là “rót” cho hồ hơn 1 tấn hoá chất (tầm gần 80 triệu) để xử lý tạm.
Đó là ô nhiễm môi trường, còn một sự ô nhiễm khác đằng sau dịch bệnh này đó là “ô nhiễm ý thức”. Trung ương, chính quyền, các cấp ngành liên quan đã ra lời cảnh báo đến người dân cần phải thận trọng để đảm bảo sức khoẻ cho chính mình và gia đình, song, dường như “giặc chưa đến chân” họ, bệnh dịch vẫn còn lẩn khuyất ở đâu xa lắm. Người ta vẫn nhộn nhịp cảnh “người bán người mua” thực phẩm tươi sống không che đậy bán gần những nơi như cống thải, khu vệ sinh công cộng tại chợ…, vẫn thờ ơ với cảnh báo cần phải “ăn chín uống sôi”, tránh những thực phẩm có khả năng gây bệnh cao (mà qua kiểm tra đã xác định đựơc nồng độ” nhiễm bẩn như trên) như rau sống, mắm tôm…
Đấy là khu vực đô thi, còn nông thôn thì sao? Nơi mà điều kiện kinh tế cũng như cuộc sống còn khó khăn gấp vạn lần thành thị?
Theo Tổ chức y tế thế giới (WTO), mỗi năm có khoảng từ 5 -7 triệu người trên thế giới mắc tả, và khoảng 100.000 người trong số đó chết. Trong đó điển hình nhất là Băng-la-đét, đất nước được biết đến nhiều nhất bởi con số thương vong từ dịch bệnh này mà nguyên nhân chủ yếu là do ô nhiễm nguồn nước nặng, và thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Liệu Việt
Cách đây không xa, khi hàng loạt các vụ việc dùng nước cống, nước sông ngòi nhiễm bẩn, ô nhiễm môi trường tưới rau bị phát giác tại các khu vực ven đô, có khi cả nội thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh,…người ta bỗng giật mình vì bấy lâu nay mình vẫn ăn thứ rau bẩn “xanh tốt, sạch sẽ” như lời mời chào của người bán hàng. Sau khi sự việc bại lộ, hàng loạt các mặt báo, thông tin từ các đài truyền hình, đài tiếng nói đưa tin, chính quyền, các cấp ngành liên quan đã quyết định “nhảy” vào cuộc. Một thời gian qua đi, không còn thấy người ta nhắc lại chuyện này nữa, đó là một tín hiệu đáng mừng nếu người trồng và bán rau ý thức được về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tôi hy vọng người ta đã tìm ra biện pháp xử lý và quản lý triệt để để vụ việc đáng tiếc từ ý thức con người sẽ không còn lặp lại, không còn các biện pháp, giải pháp tạm thời cho vấn đề đó nữa.
Cũng tương tự như thế, con số 17 tỉnh thành và gần 1000 ca mắc bệnh chắc chắn sẽ không dừng lại ở đó nếu tất cả chúng ta không chung sức cùng nhau xử lý “triệt để” chứ không phải là đưa ra các giải pháp tạm thời. Thay vì hãy đợi những công bố và chỉ đạo của Trung ương, chính quyền các cấp các ngành có liên quan, ngay từ bây giờ mỗi chúng ta hãy hành động để bảo vệ cộng đồng.