Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trong đó có một số chính sách gắn liền với việc cải thiện đời sống của người nhận rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Ðó là Quyết định 178/2001/QÐ-TTg (QÐ178), Quyết định 304/2005/QÐ-TTg (QÐ304) của Thủ tướng Chính phủ.
Rừng và đất rừng Tây Nguyên (Kì 1)
Theo QÐ 178, quyền người dân được giao, thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp, được hưởng lợi từ những diện tích nhận khoán. Các sản phẩm người nhận khoán được hưởng là gỗ cho nhu cầu làm nhà mới, sửa chữa nhà cũ, gỗ đến chu kỳ khai thác sau khi đã đóng thuế và nhữnglâm sản phụ trên diện tích nhận khoán (trừ những động, thực vật nằm trong danh mục động, thực vật quý hiếm theo quy định của Chính phủ, Công ước quốc tế CITES).
Ngoài ra người nhận khoán còn có quyền sử dụng một phần (10%) diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng để sản xuất.
Sau QÐ 178, QÐ 304 quy định cụ thể hơn đối với đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo, người nhận khoán rừng được hưởng lợi toàn bộ sản phẩm trên diện tích rừng được giao, ngoài ra còn được hỗ trợ giống cây lâm nghiệp, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo chính sách khuyến lâm, khuyến nông, hỗ trợ lương thực, năm triệu đồng làm nhà ở, năm triệu đồng để khai hoang diện tích đất sản xuất nông nghiệp, 400 nghìn đồng xây dựng bể nước sinh hoạt cùng nhiều chính sách ưu đãi khác. Ðây là một bước tiến nhằm gắn bó người Tây Nguyên với rừng. Quyết tâm này của Chính phủ cũng nhằm lấy lại mầu xanh cho rừng.
QÐ 304 về công tác giao rừng, khoán bảo vệ rừng trên địa bàn Tây Nguyên đã triển khai được hơn hai năm. Ðối tượng được hưởng lợi theo Quyết định này là các hộ gia đình và cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ thiếu đất sản xuất ở các tỉnh Ðắk Lắk, Lâm Ðồng, Ðắk Nông, Gia Lai, Kon Tum.
Qua khảo sát, để đáp ứng nhu cầu nói trên cần 262.492 ha, tương ứng với 10.687 hộ. Song căn cứ vào thực tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống nhất với các địa phương chỉ tập trung thực hiện thí điểm đối với các hộ thiếu đất sản xuất theo Quyết định 132, 134 và số lượng cần là 109.324 ha, trong đó giao rừng là 37.437 ha, khoán rừng là 71.851 ha cho 5.940 hộ.
Theo lãnh đạo Bộ NN và PTNT: Năm tỉnh Tây Nguyên đã giao và khoán bảo vệ rừng được gần 68 nghìn ha cho 4.442 hộ và giúp đỡ cho các hộ nhận khoán bằng hình thức hỗ trợ, như: hỗ trợ gạo, cây giống trồng rừng, tiền công nhận khoán…
Tỉnh Lâm Ðồng là địa phương thực hiện tốt nhất, đạt 100% kế hoạch với 1.672 hộ đã nhận khoán bảo vệ 21.569 ha.
Kết quả bước đầu trong việc triển khai QÐ 304 cho thấy: Các cấp chính quyền, người dân đã nhận thức được “để gắn bó dân với rừng thì trước hết phải khoán rừng hoặc giao rừng cho dân”.
Quyết định này có nhiều ưu đãi, mang lại nguồn lợi cho dân nhiều hơn, cụ thể là ngoài hưởng phần lâm sản theo quy định, người nhận rừng còn được hỗ trợ tiền công nhận khoán, hỗ trợ gạo thời gian đầu, giống cây trồng và nếu là hộ thuộc diện 132, 134 còn được hỗ trợ tiền khai hoang, làm nhà ở.
Cùng với công việc trên, các địa phương đã giải quyết được tình trạng thiếu đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, giảm diện tích rừng sử dụng không hiệu quả hoặc chưa sử dụng ở các lâm trường, ban quản lý rừng để giao cho người dân quản lý, bảo vệ, sử dụng và thời gian qua đã có hơn 30 nghìn ha được giao cho dân.
Ngoài ra còn góp phần giải quyết việc tranh chấp đất đai, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo… và theo báo cáo của năm tỉnh Tây Nguyên, từ khi có QÐ 304, các tỉnh đã tạo điều kiện cho 4.442 hộ có việc làm.
Theo lãnh đạo Phòng kinh tế huyện Krông Bông (Ðắk Lắk) thì việc thực hiện QÐ 304 đã tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc giao đất, giao rừng đã hướng một bộ phận dân tộc thiểu số không chỉ tận dụng được nguồn nhân lực, phát huy tinh thần tự giác của người dân trong quản lý, bảo vệ rừng mà còn góp phần giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, cho các xã vùng khó khăn, như tại xã Cư Ð’răm, Yang Mao… hơn chín nghìn ha rừng sau khi giao cho 37 nhóm hộ với 370 hộ và 11 cộng đồng ở các buôn thì hiệu quả mang lại rõ rệt, công tác bảo vệ rừng chuyển biến tích cực, những cánh rừng nay là tài sản của cộng đồng và mọi người có trách nhiệm tuần tra, quản lý nghiêm ngặt.
Tháng 02/2008, Ðoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội giám sát việc triển khai QÐ 304 tại tỉnh Gia Lai, có kết luận: Tỉnh chỉ mới tiến hành xây dựng phương án triển khai thí điểm theo hai đợt, trong đó dự kiến giao rừng cho 957 hộ ở 44 thôn, làng với diện tích 1.467 ha, khoán rừng cho 1.561 hộ ở 140 thôn, làng và 66 cộng đồng với diện tích 40.522 ha.
Và đến nay chỉ mới giao được hơn 4.392 ha cho 185 hộ, khoán rừng cho 292 hộ… với kết quả này, tỉnh Gia Lai là tỉnh đạt tỷ lệ quá thấp so với yêu cầu đề ra.
Lý giải vấn đề chậm, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Gia Lai cho biết: Quyết định tổng thể của UBND tỉnh triển khai chậm, nhiều vấn đề phải chỉnh sửa, nên các đơn vị triển khai không kịp.
Việc hỗ trợ giống cây rừng không thực hiện được và quá trình thiết kế phương án cụ thể chưa hoàn chỉnh, đối tượng rừng giao cho người nhận không đạt yêu cầu.
Và không hiểu vì lý do gì, kinh phí để rà soát lại hiện trạng rừng ở Gia Lai không thực hiện được cho nên chưa thể triển khai thí điểm việc thực hiện QÐ 304.
QÐ 304 đã mang lại hiệu quả cho người nhận rừng và diện tích rừng từng bước được mở rộng, song trong quá trình triển khai về cụ thể từng địa phương, sau hai năm đã có không ít bất cập.
Nhìn lại các quy định trong lĩnh vực giao đất, giao rừng hiện hành, còn không ít điều còn băn khoăn, vì mới giải quyết phần “ngọn” còn phần gốc chưa được tính đến, khiến người nhận rừng lúng túng.
Lãnh đạo huyện Lắc (Ðắk Lắk) thừa nhận: Nếu Nhà nước không giải quyết tận gốc vấn đề giao khoán rừng, đất rừng, mà cụ thể là chính sách hỗ trợ vốn, vật tư, công tác khuyến nông, khuyến lâm một cách cụ thể, rõ ràng để giúp người dân gắn bó lâu dài với rừng theo quyết định của Chính phủ thì sẽ khó triển khai tiếp việc giao khoán rừng.
Anh Hồ Duy Tấn, Chủ tịch UBND xã Ea Sol, huyện Ea H’Leo (Ðắk Lắk) cũng chung nhận xét: Trong xã có 4 thôn đồng bào nhận rừng theo hình thức cộng đồng quản lý, bảo vệ, hưởng lợi.
Như vậy 400 ha rừng ở xã có chủ, song từ năm 2006 đến nay rừng Ea Sol vẫn bị chặt phá. Rừng đã giao cho dân, chính quyền địa phương không thể can thiệp vì đối tượng phá chính là người nhận rừng, họ phá là để lấy đất mưu sinh.
Hầu hết các hộ nhận khoán đều nghèo và từ khi nhận rừng đến nay, bà con chưa được hưởng các chế độ ưu đãi người trồng rừng. Với hiện trạng trên, thì việc triển khai QÐ 178 ở một vài địa phương trong tỉnh Ðắk Lắk còn mang tính hình thức, các ngành chức năng chưa quân tâm đến những vấn đề cụ thể. Nay đến QÐ 304 thực hiện ra sao ở một số địa phương?
Ông Ngô Sỹ Kỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Ðôn (Ðắk Lắk), cho rằng: Nếu việc giao rừng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và cộng đồng buôn làng ở Tây Nguyên theo QÐ 304 mà không thực hiện các chế độ, chính sách hỗ trợ kịp thời thì cũng sẽ rơi vào tình trạng như phương thức giao rừng theo QÐ 178. Vì hầu hết những hộ nhận khoán rừng theo Quyết định 304 đều là hộ nghèo, chưa được bố trí đất sản xuất, và vì nghèo nên họ mong muốn Nhà nước quan tâm, hỗ trợ để họ gắn bó với rừng.
Vậy mà sau hai năm triển khai, nhiều hộ nghèo ở Ðắc Lắc chưa nhận được sự hỗ trợ nào theo quy định tại QÐ 304. Ông Ðiểu Mưu, Chủ tịch UBND xã Krông Na, huyện Buôn Ðôn (Ðắk Lắk), thẳng thắn trao đổi:
Sau hai năm triển khai, xã giao 560 ha cho 28 hộ ở năm thôn, trong số này chỉ có vài hộ chủ động khai hoang diện tích đất cho phép để sản xuất, còn lại nhiều gia đình đành “phó mặc cho rừng” vì không có nhân lực, không có kinh phí.
Từ thực tế trong việc triển khai QÐ 304 trên địa bàn Tây Nguyên, thiết nghĩ: Cần tiến hành sơ kết quá trình triển khai, đánh giá tính khả thi, nhất là công tác quy hoạch, xác định quỹ rừng để giao, khoán bảo vệ.
Thời gian triển khai thí điểm là quá gấp, không ít địa phương chưa làm xong phương án, thiết kế, quy hoạch ba loại rừng, nên triển khai khá lúng túng, hiệu quả thấp.
Ðể QÐ đi vào cuộc sống, cần phải tăng cường kinh phí, chính sách hỗ trợ kịp thời cho những người nhận khoán. Hiện nay, cán bộ lâm nghiệp cấp huyện quá ít, cấp xã càng ít hơn nên công tác khuyến lâm chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, do vậy phải có phương án đưa cán bộ về những vùng cần phải hỗ trợ về kỹ thuật và các hình thức đầu tư nhằm giúp rừng lấy lại mầu xanh thật nhanh.
Về chính sách, các cơ quan hoạch định chính sách chưa lường hết những khó khăn, vướng mắc cũng như khối lượng công việc khi triển khai, cùng với nhu cầu kinh phí, tính khả thi… khi thực hiện QÐ 304.
Trong quá trình thực hiện không kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh cho các địa phương. Bên cạnh đó vẫn còn tình trạng không nhất quán giữa các bộ, ngành.
Như ngày 23/11/2005, Chính phủ ban hành QÐ 304, trong đó quy định thời gian hoàn thành thí điểm là quý II/2006, trong khi đó thông tư hướng dẫn thi hành của Bộ NN và PTNT mãi đến ngày 14/03/2006 mới có, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây chậm trễ việc triển khai QÐ 304.
Quyết định 304 của Chính phủ là một giải pháp hữu hiệu để xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng ở Tây Nguyên, được đồng bào ủng hộ, cho dù trong quá trình triển khai ở nơi này, nơi khác còn gặp những vướng mắc, bất cập, nhất là việc cụ thể hóa các chính sách.
Hiện người dân Tây Nguyên đã và đang chờ chính sách của Nhà nước và những hỗ trợ như đã nêu trong QÐ 304. Với quyết tâm đem lại mầu xanh cho rừng, trong vài năm tới rừng Tây Nguyên sẽ xanh hơn.