Ngôi làng tre sinh thái

Ngày 07/04, khu Bảo tàng Sinh thái tre và Bảo tồn thực vật Phú An được khánh thành và chính thức đưa vào sử dụng. Đây là một công trình hợp tác 4 bên: giữa vùng Rhône Alpes, tỉnh Bình Dương, Vườn thiên nhiên Pilat và Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (thuộc ĐH Quốc gia TPHCM).

Bà tiến sĩ “Tây học” và làng tre

Khu Bảo tàng Sinh thái tre và Bảo tồn thực vật Phú An (gọi tắt là Làng tre Phú An) cách thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) 12 km. Theo đường Nguyễn Chí Thanh, lộ 744 (đường đi về hướng Dầu Tiếng), qua cầu Ông Cộ, cạnh UBND xã Phú An, là thấy Làng tre Phú An bên phải, với một màu xanh rất riêng của tre.

Vốn là người con của vùng đất giàu truyền thống cách mạng Phú An, học nhiều, đi nhiều, cống hiến nhiều cho xã hội, chợt một lúc nào đó Tiến sĩ Mỹ Hạnh chạnh lòng khi thấy mình chưa đóng góp gì thiết thực cho vùng đất mình được sinh ra. “Vùng đất gì mà nghèo thấy sợ! Người dân sau chiến tranh đã nghèo rồi, mà đất cũng nghèo”. Người dân ở đây nếu có trồng tre thì cũng trồng tầm vông để bán cây, chứ không chế biến để tạo thêm thu nhập.

Thế là ý tưởng nảy sinh! Ban đầu, năm 1999, TS Mỹ Hạnh có ý định làm vườn thực vật sưu tầm tre, phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học. Để có nguồn tài chính, bà phải “gõ cửa” khắp nơi để xin tài trợ. Khi đến Lãnh sự quán Pháp thì họ nói chỉ tài trợ cho các dự án lớn. Thế là TS Mỹ Hạnh lại phải ngày đêm viết lại “vườn thực vật” thành một dự án lớn, có tầm quốc tế.

Năm 2003, chính quyền vùng Rhône Alpes (Pháp) đồng ý tài trợ 600.000 euro, Bình Dương hỗ trợ cấp 10ha đất ở xã Phú An, huyện Bến Cát và một nguồn kinh phí rất lớn để xây dựng nhà bảo tàng, bãi đậu xe, hàng rào để giúp TS Mỹ Hạnh thực hiện ý tưởng tam giác xanh.

Chân dung một “ngôi làng”

Sau 4 năm thực hiện, giờ đây khu bảo tồn đã có trên 1.500 bụi tre của 17 giống, với 300 mẫu tre khác nhau của Việt Nam – trên thế giới có hơn 100 giống – trong đó có nhiều loại tre quý hiếm như cây tép nứa, tre vuông, vàng sọc, mai, mạy muồi, luồng, vầu, trúc Cao Bằng, tre mét, hóp… Bộ sưu tập tre được trồng theo từng khu vực: khu tre đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Bắc bộ… Trên mỗi bụi được đánh dấu tên gọi địa phương, tên khoa học, tọa độ tìm thấy, thời gian và tên người sưu tập… để tiện cho việc nghiên cứu.

Đặt chân vào Làng tre Phú An, một cảm giác thư thái ùa đến. Tre kết vòm trên đầu che bớt cái nắng gay gắt của vùng miền Đông Nam bộ. Chen lẫn những bụi tre là vườn cỏ xanh um, những đồi cỏ phủ đầy hoa đậu biếc với hoa vàng lá xanh giúp cho tâm hồn thêm thư thái. Các tảng đá ong, những hòn đá cuội to lớn nằm rải rác, được sắp đặt như hữu ý, như vô tình giúp cho du khách có chỗ ngồi nghỉ chân dưới tán tre lắng nghe chim hót. Xa xa, ở “khu đồng bằng sông Cửu Long” sông nước với cầu tre lắt lẻo, với con đò nhỏ hững hờ cập bến, bên cạnh chiếc vó được cất lên… là sân khấu lộ thiên làm bằng đá ong (mà TS Mỹ Hạnh gọi đùa là không gian thiền tĩnh tâm) để tối tối du khách có thể ngồi ngắm trăng sao, lắng nghe ếch nhái hòa thanh cũng lũ dế, vạc sành, như tìm về tuổi thơ…

Trước khi vào “mê cung tre”, du khách cũng sẽ ngạc nhiên với bản đồ Việt Nam khổng lồ bằng thực vật họ đậu phủ đất (Arachis Pintoi – có khả năng cải thiện đất). Mỗi “địa phương” trên bản đồ sẽ được tạo đồi núi, trồng các loại tre đặc trưng của từng vùng. Vùng “đồng bằng sông Cửu Long” là một thảm lá xanh hoa vàng được “khía rãnh”, cách điệu các nhánh chính của dòng Mekong đổ vào “biển Đông” bằng 9 cửa. Sau khi ngắm mô hình bản đồ, du khách sẽ được hướng dẫn đi vào mê cung tre. Càng đi vào mê cung, du khách càng thích thú với nhiều giống tre lạ, quý hiếm. Sau đó, du khách còn được hướng dẫn đi tham quan đường sinh thái, đường làng mát rượi, ngắm dòng sông Rạch Chùa (một nhánh sông Sài Gòn) hiền hòa uốn lượn.

…Và tấm lòng của nhà khoa học

Để có thành quả như bây giờ, TS Mỹ Hạnh đã trải qua biết bao nhiêu vất vả, khó khăn… đôi lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc. Nhưng lòng đam mê đã khiến bà vượt qua tất cả. Ngoài công việc của một giảng viên chính (khoa Sinh học), Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, hầu như TS Mỹ Hạnh dành hết thời gian cho công việc sưu tầm, nghiên cứu tre.

Công việc sưu tầm tuy vất vả nhưng không gian nan bằng việc “định danh” cho tre. Việc định danh rất cần thiết và khó làm. Khi sưu tầm tre Việt Nam chỉ biết tên địa phương chứ chưa có tên khoa học để nghiên cứu. Trước đây, người ta cho rằng tre là loại đa niên và đơn kỳ hoa – mấy mươi năm mới trổ bông một lần, trổ hoa xong là chết, chết cả rừng. Nhưng đến nay, khoa học vẫn chưa có lời giải chính xác cho việc này, vì có những loại tre trổ hoa mỗi năm, có loại mấy mươi năm mới trổ một lần.

Do đó, việc định danh phải nhờ sự hỗ trợ của TS Soejatmi Dransfield của Vườn thực vật Hoàng gia Anh Royal Botanic
Gardens of Kew – chuyên gia về định tên tre – và Giáo sư Lê Công Kiệt của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Hiện nay, với 300 mẫu tre của Làng tre Phú An mới chỉ định danh chính xác 60 loài, còn lại mới định giống chứ chưa định được loài. Do không thể căn cứ trên hoa tre để định danh, vì thế tất cả các đặc tính thực vật khác của tre như thân ngầm, mô, cành, lá phải được “mã hóa” (coder) trong phần mềm vi tính XPER2, do Giáo sư Régine Vignes Lebbe của ĐH Jussieu Paris VI viết, trong chương trình hợp tác nghiên cứu với TS Mỹ Hạnh, việc này giúp cho các sinh viên có hứng thú học tập và nghiên cứu về phân loại thực vật.

 
Hoa tre mấy mươi năm mới trổ một lần, nếu may mắn bạn có thể tìm thấy ở Làng tre Phú An.

Việc chăm sóc tre cũng khá quan trọng. Với khu đất 10 ha thì tưới tiêu phải tự động hoàn toàn. Các đường nước được kỹ sư cao cấp người Pháp Jacques Gurgand thiết kế rất tỉ mỉ và khoa học theo phương pháp tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước. Độ dài và đường kính của ống nước, các van khóa nước cũng được tính toán, đặt để hợp lý, sao cho ống tưới nhỏ giọt đến từng gốc tre thì chỉ là một ống nhựa màu đen nhỏ 3mm, khi tưới nước sẽ ngấm dần vào đất mà không phải chảy tràn ra một cách không cần thiết.

TS Mỹ Hạnh đã thiết kế khu nghiên cứu riêng dành cho sinh viên và các nhà nghiên cứu tìm hiểu về tre, cách thức gieo trồng và nhân giống tre… Ngoài ra, trung tâm còn bảo tồn nhiều loại thực vật có tên trong danh sách đỏ của vùng miền Đông Nam bộ, nghiên cứu cải tạo môi trường đất từ một số loài tre và cây trâm ổi (hoa ngũ sắc, tên khoa học là Lantana camara)…

Không chỉ chú tâm vào việc làm khoa học, TS Mỹ Hạnh còn quan tâm đến đời sống của bà con dân làng, mong giúp cuộc sống của họ ngày càng cải thiện hơn. Chủ nhật hàng tuần, TS Mỹ Hạnh dạy cho trẻ em trong làng học tiếng Pháp (miễn phí) trên môi trường thực tế, giúp các em biết yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Từ đó, làm cho các em mạnh dạn giao tiếp tự nhiên với “Tây”, tự tin, không còn mặc cảm, dạy cho các em – thế hệ tương lai – tư tưởng mở rộng để nhìn ra thế giới.

TS Mỹ Hạnh mở các buổi hội thảo mời dân làng đến dự, thông qua đó, giúp cho người dân biết cách cải tạo môi trường đất trồng trọt của họ, tuyên truyền cho dân biết vì sao phải bảo vệ môi trường, tác hại của các loại rác thải, hướng dẫn cho người dân làm du lịch sinh thái, tổ chức cho người dân đón tiếp khách tại nhà, đãi khách bằng những sản vật do bàn tay khéo léo của những người nội trợ tại đây tạo ra nhằm cải thiện thu nhập cho người dân mà không tác động, xáo trộn đến môi trường sống của họ.

Công việc này do nữ kỹ sư trẻ Julie Logel, tình nguyện viên người Pháp hỗ trợ thực hiện. Hiện nay, Làng tre Phú An đã là niềm tự hào của người dân ở đây. Trước kia mỗi lần có đám cưới, người ta thường kéo nhau xuống Đầm Sen, Suối Tiên… để chụp hình, còn bây giờ không cần phải đi xa nữa. Làng tre Phú An đủ sức để cho ra các bức ảnh đẹp.

Tuy chưa khánh thành, nhưng trong năm nay, TS Mỹ Hạnh đã tiếp đón khoảng 50 đoàn khách quốc tế đến tham quan, lần gần đây nhất (ngày 23/02/2008) do bà Tôn Nữ Thị Ninh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam – dẫn đầu đoàn, tiếp đón 16 nữ doanh nhân Mỹ đến Việt Nam ghé thăm và vô số khách Tây, ta đến.

Ngoài những lợi ích trước mắt, mục đích chính của Làng tre Phú An vẫn là sưu tầm, bảo tồn tre và bảo tồn thực vật, phục vụ cho nghiên cứu khoa học. Có nhiều đề tài mà TS Mỹ Hạnh ấp ủ. Hiện đã và đang nghiên cứu việc ứng dụng tre, ứng dụng công nghệ xanh trong cuộc sống hàng ngày của con người, ứng dụng tre để hấp thu chì, kim loại nặng để giải phóng đất bị ô nhiễm; nghiên cứu loài tre nào có thể dùng sợi tre để làm bio-composite thay thế cho composite thông thường; nghiên cứu sử dụng cellulose của tre để làm nguyên liệu chống thấm nước, chế tạo ra các loại vải, túi nylon sinh học, thay thế cho mặt hàng nylon nhựa…

Nếu những đề tài này thành công thì không chỉ góp phần làm thay đổi đời sống của người dân Việt Nam, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, bởi vì các quốc gia phát triển hiện nay vẫn đang ráo riết đi tìm nguyên liệu sinh học để thay thế cho các nguyên liệu hiện hữu, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Với sự giúp sức của nhiều chuyên gia, kỹ sư giỏi trên thế giới, TS Mỹ Hạnh tin tưởng những đề tài đó sẽ trở thành hiện thực. Điều khiến bà băn khoăn nhất là làm sao phải duy trì và phát triển Làng tre Phú An đúng là một ngôi làng sinh thái sau khi chính thức đi vào hoạt động, làm sao để không vì nguồn lợi du lịch trước mắt mà phá vỡ đi không gian yên bình, xáo trộn môi trường sống của thiên nhiên và con người, làm sao để duy trì thành một khu bảo tồn để thế hệ mai sau có nơi nghiên cứu và nhân rộng ra thành nhiều rừng tre đặc chủng ứng dụng cho nhiều lợi ích khác nhau của con người. Và với những gì hiện có, nếu có thêm thời gian, nếu được đầu tư thêm thì hoàn toàn có thể biến nơi đây thành một bảo tàng sinh thái tre cấp quốc gia.