ThienNhien.Net – Tôi tự thấy mình gắn bó nhiều với đồng bào miền núi phía Bắc, từng sống trong những vùng ruộng nương hoang biệt khi bà con vừa chân ướt chân ráo di cư tự do đến “cắm chốt” giữa rừng già, từng đến với những bản làng ở nơi cao nhất Việt Nam, ở đó, thứ rừng giàu có nhất, được bảo vệ nghiêm ngặt nhất cũng đã bị tàn phá thảm thương. Nhưng, nỗi ám ảnh về sự bất lực của người giữ rừng, sự vô lối của những kẻ phá rừng ở Tây Bắc không nhiều bằng những gì tôi đã tận mắt nhìn thấy, tận tai nghe thấy ở Đắc Lắc, Đắc Nông.
Kì 1: Nhật ký ở nơi “cuối đất cùng trời”
Kì 2: Bùng nổ xã mới, thôn mới
Kì 3: Rừng mất, cán bộ giữ rừng bất lực
Kì 4: Nóng bỏng Đăk R’măng
Kì 5: Cuộc sống dựng từ rừng hoang
Kì 6: Bài toán, bài toán, vẫn là… bài toán?
Với tư cách nhà báo, tôi từng là người duy nhất, đi bộ cả ngày trời dập lửa cùng bà con và cán bộ huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái khi rừng già bị cháy. Rừng cháy khốc hại do những kẻ trồng cả chục, cả trăm héc-ta cây thuốc phiện đốt, hòng giết chết những cán bộ đi triệt phá nương anh túc “vàng thoi bạc nén” của họ. Rồi công an tóm được những kẻ thủ ác, tên tuổi của họ, bức ảnh về rừng thuốc phiện họ trồng lên mặt báo hẳn hoi. Nghĩa là rất cụ thể, rất thật. Nhưng, điều đó chưa thể sánh với những gì tôi đã thấy ở mảnh đất Đắc Lắc, Đắc Nông này.
Bãi thu giữ gỗ và xe vận chuyển gỗ lậu tại hạt kiểm lâm Đăk Mil. Nhìn vào đây, mới biết rừng đang bị phá khủng khiếp tới mức nào! (Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng) |
Vùng di cư tự do này, rừng bị phá một cách thê thảm. Dường như người ta phá công khai quá hoặc là người cán bộ nhìn thấy người ta phá nhiều quá rồi nên coi là chuyện bình thường thì phải. Rừng cháy đỏ rực cả góc trời Ea Súp, rừng bị đốt nườm nượp ở Đắc G’long, gỗ lớn bị đốt đen thui, nằm như ngả rạ, kín cả một rông núi. Khói đốt nương mù mịt, cả những người di cư tự do sậm sùi khóc thương phận nhục nhằn của mình đều ngay trước mặt tôi.
Hàng nghìn người nhảy dù vào tàn sát hàng nghìn héc-ta rừng ở Tuy Đức; cùng lúc, gần 4.000 người “cố thủ” cạo trọc rừng Đắc R’măng. Những việc đau thương ngần ấy mà cứ nhẹ như lông hồng. Nó diễn ra ven đường cái hoặc trước mắt người cán bộ đưa đường cho chúng tôi. Tây Bắc, có khi phải đi cả ngày leo núi mới gặp phá rừng, mà gặp rồi thì hoặc là kiểm lâm phải nhảy ra bắt lâm tặc, hoặc lâm tặc sẽ đuổi đánh kẻ tò mò nghiêng ngó sự “phi pháp”. Đằng này, ở đây, rừng cứ bị tàn sát giữa thanh thiên bạch nhật, như cái điều cần phải thế. Cái chết của rừng trở nên ai oán hơn.
Thào Seo Vềnh cười lấp lóa răng bịt vàng kể về cả tháng trời bồng bế vợ con đột nhập vào Cư K’bang rồi lẩn lút sống ven suối, ăn mỳ tôm của người cán bộ tốt bụng để lại trên bờ đá; Vàng Văn Dùng nức nở xin cán bộ hãy thương phận “cùng trời cuối đất” của mình và hàng nghìn bà con mình. Họ ám ảnh tôi bởi phận người di cư tự do, cái sai của họ là cái sai “đã rồi”, cái sai do sự sôi réo đến kiệt lực của cái dạ dày. Nhưng, khi đã được sắp xếp ổn định cuộc sống rồi, chắc gì họ đã đổi đời trên vùng đất mà họ coi là làm chơi ăn thật, là “đất tốt đến mức, thế gian này không ở đâu có đất tốt bằng” kia (người di cư tự do tin như thế khi vào Tây Nguyên). Bởi biển người vô tận nữa lại ập vào, như cả trăm hộ đã ập vào xã vốn đã toàn dân di dân tự do Cư K’bang (Ea Súp), như hàng trăm hộ tiếp tục phá vỡ mô hình “an cư cho người nhảy dù” ở Trung đoàn 720 (Tuy Đức).
Như điểm nóng Đắc R’măng. Mà ngay cả khi họ không vô tổ chức làm vỡ kế hoạch đi nữa, thì số phận của xã Đắc Sin (huyện Đắc R’lấp, Đắc Nông) đã ám ảnh tôi rất nhiều về sự “có bữa nào ăn bữa ấy”, “cha chung không ai khóc”. Hai đợt di dân lớn vào hai năm 1987 và 1998 đã biến vùng rừng hoang là nơi tiếp giáp với rừng Nam Cát Tiên trù phú này trở thành một cái xã khổng lồ với khoảng 1.000 nhân khẩu, với cả nghìn héc-ta hồ tiêu. Cả thập niên, Đắc Sin màu mỡ, là thiên đường của điều, hồ tiêu, rồi cà phê, bà con đã bóc lột rừng, rồi bóc lột đất của rừng đến cạn kiệt. Họ giàu lên, nhưng hàng chục năm họ vẫn ở lều, ở nhà tạm. Đúng hơn, xã Đắc Sin vẫn chỉ là cái lều nương của bà con, nếu có tiền, họ ổn định ở nơi khác. Họ canh tác mà không nghĩ đến cái kế lâu dài. Đất bạc màu quá nhanh, tiêu, điều, cà phê bị sâu bệnh, sản lượng và diện tích cùng giảm thê thảm. Nhiều “gương sáng” làm kinh tế vẫn sa đà nghiện hút. Cán bộ xã thì lục đục, có không ít người đã mắc vòng lao lý. Lãnh đạo xã cứ một mực cho rằng: xã có quá nhiều người giàu, khi mà giá tiêu năm 2008 này là gần 70 nghìn đồng/kg, nhiều nhà mua đất ở khắp Sài Gòn, Đồng Nai, Gia Nghĩa hoặc làm trang trại ở quê cũ phía Bắc. Nhưng, nhìn xóm làng đìu hiu, trẻ em nheo nhóc, cuộc sống tạm bợ như một cái ruộng rẫy ở “quê hương của vua tiêu, tỷ phú điều” như thế, tôi vẫn thấy quá… tiêu điều. Chúng ta bỏ xứ tha hương, chúng ta hy sinh những cánh rừng màu mỡ, chúng ta để vợ con nheo nhóc, thất học để… đêm ngày miệt mài với rừng xanh núi đỏ; để rồi đổi lấy những điều đó ư?
Giọt nước mắt của Vàng Dùng, sự đau đớn của Seo Vềnh là có thật. Có thật như nụ cười hồn nhiên của các bé học sinh gái người Mông củi nước, nấu cơm trong hốc rừng trụi lụi. Khát vọng tìm miền đất giàu sang của gần 14.000 người đã nhảy dù vào Đắc Nông có thể là chính đáng và chân thành, dẫu nó đã gây nên sự đau đầu cho “chảo lửa” di cư tự do kia. Nên chăng, chúng ta phải nương theo “nhu cầu cuộc sống” của bà con mình, để chủ động điều tiết, đưa dân đi vào vùng kinh tế mới, với sự mạnh dạn cắt những vùng rừng đã nghèo kiệt (mà ta chưa chịu công nhận) cho họ, tổ chức quản lý họ bằng nghĩa đồng bào nhưng nghiêm minh, nghiêm khắc, công bằng. Biết đâu, như thế lại chả vừa dung hòa được cái tục “phạ phung” (di chuyển theo chu kỳ) của một số cộng đồng; vừa tạo điều kiện cho bà con được đi tìm vùng đất hứa mà làm giàu; vừa thực hiện được chủ trương sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ lá phổi xanh cho xứ sở và cho cả địa cầu. Cắt đất rừng chủ động còn hơi là việc rừng bị phá một cách không thể kiểm soát như hiện nay. Nên chăng, có hàng trăm hàng nghìn người tử tế đã thử góp chữ “nên chăng” cho tình trạng này, nhưng xem ra, bài toán vẫn còn phải “treo” ở đó. Chỉ có bài toán của rừng là đã có lời giải: rừng đã bị giết và sẽ còn bị giết.
Tây Nguyên – Hà Nội, tháng 3 và tháng 4 năm 2008.