Sau thời gian đầy khó khăn sau Tết Mậu Tý, ngành thủy sản Việt Nam đang đứng trước những điều kiện khá thuận lợi về thị trường, chính sách…Tuy nhiên, vẫn còn đó nỗi lo không nhỏ về nguồn nguyên liệu chế biến.
Nỗi lo thiếu nguyên liệu
Theo thông tin từ các doanh nghiệp (DN) thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhu cầu tiêu thụ sản phẩm philê cá tra ở các nước Ảrập, Mỹ, khu vực Trung và Nam Mỹ…, đang tăng rất mạnh. Các doanh nghiệp này đang nhận được khá nhiều đơn đặt hàng từ nước ngoài, do đó, đã đẩy mạnh thu mua cá tra, ba sa. Nhờ vậy, giá cá tra, ba sa ở an Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang… đang tăng liên tục trong những ngày qua.
Ở An Giang, giá cá tra đã tăng thêm 300 đ/kg để đạt mức 14.000-14.300 đ/kg. Ở Đồng Tháp, giá cá tra từ mức 13.900 đ/kg đã tăng lên thành 14.200 đ/kg. Còn ở Tiền Giang, Công ty Hùng Vương đã ký hợp đồng thu mua cá tra nguyên liệu với nông dân, thời gian mua từ 7-11/4, với mức giá 15.000 đ/kg. Dự kiến, trong thời gian tới, khi đầu ra tiếp tục thuận lợi, giá cá tra có thể lên tới 15.500-16.500 đ/kg.
Tuy nhiên, những khó khăn trong thời gian qua đang dẫn tới nguy cơ là ngành chế biến thủy sản sẽ bị thiếu hụt khá nhiều nguyên liệu trong thời gian tới. Theo VASEP, trong quý 2, lượng cá tra thu hoạch ở An Giang (tỉnh có sản lượng cá tra lớn nhất ở ĐBSCL) sẽ chỉ còn 24.000 tấn. Như vậy, chắc chắn các DN sẽ bị thiếu hụt khá nhiều nguyên liệu cá da trơn trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8 tới. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết, nguyên nhân là do nhiều hộ nông dân, do khó vay vốn từ ngân hàng và lãi suất ngân hàng quá cao, nên đã phải tạm ngưng đầu tư nuôi cá tra, ba sa.
Trong khi đó, ở thời điểm này, các DN sử dụng nguyên liệu từ khai thác thủy sản trên biển, vẫn đang đói nguyên liệu do nhiều tàu cá đã phải nằm bờ bởi chi phí xăng dầu tăng cao. Chỉ riêng ở Bà Rịa – Vũng Tàu, hầu hết các nhà máy chỉ thu mua được chừng 1/3 nguyên liệu so với trước đây.
Mở hết cỡ cho xuất khẩu
Mới đây Bộ NN-PTNT đã có công văn gửi các đơn vị trực thuộc về việc tháo gỡ khó khăn cho các DN thủy sản. Trong đó, đáng chú ý là những yêu cầu đối với công tác kiểm nghiệm sản phẩm. Theo đó, Bộ đã yêu cầu Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản phải nhanh chóng hoàn thiện quy định và thực hiện chặt chẽ quy trình kiểm nghiệm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của DN, rút ngắn tối đa thời gian chờ đợi nhằm giảm chi phí lưu kho đối với hàng hóa xuất khẩu.
Cục phải liên đới chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng đã kiểm nghiệm và cấp giấy chứng nhận nhưng lô hàng vẫn bị khách hàng khiếu nại, trả lại vì chính những chỉ tiêu kiểm nghiệm. Cục cần quản lý chặt chẽ hoạt động của nhân viên kiểm nghiệm, quy định thực hiện chặt chẽ việc lấy mẫu, trả lại vật mẫu cho DN với chất lượng tốt nhất có thể, trừ phần tiêu hao hợp lý; nghiêm cấm việc sử dụng mẫu vật vì mục tiêu trục lợi cá nhân dưới mọi hình thức; nghiêm cấm việc sách nhiễu gây khó khăn cho DN.