Cả bản chỉ có 1 người biết chữ, hơn 2 mùa không trồng được lúa. Hãy cho bản cái đập ngăn nước và thầy dạy chữ, đó là lời thỉnh cầu của dân bản.
Những người sống biệt lập giữa rừng (Kỳ 1)
Những người sống biệt lập giữa rừng (Kỳ 2)
Không biết lấy gạo đâu mà ăn!
Như đã nói, vị trí cắm bản rất đẹp, thuận tiện cho việc sinh sống tự cung tự cấp: có đất màu trồng lương thực, nước suối chảy quanh năm với lượng cá nhiều và rau rừng đủ loại. Nơi đây được bà con cho là điều kiện tốt nhất so với các bản khác dọc miền tây Quảng Bình. Thế nhưng, bà con bản Đoòng đang phải đối mặt với chuyện thiếu đói triền miên. Toàn bộ diện tích trồng lúa màu mỡ giờ không thể trồng được nữa bởi bị cát lấp trong các mùa lũ trước. Quan trọng hơn là con đập ngăn nước được bà con đắp để đưa nước vào ruộng mấy năm nay cũng đã bị lũ cuốn trôi.
Không thể trồng lúa, mọi người trồng bắp và đậu đen, giống các loại cây này phải mua từ đồng bằng lên. Cây mọc rất xanh tốt, nhưng khốn nỗi thú rừng đâu có tha, nhất là đàn lợn rừng quá đông không thể xua đuổi hết. Bao nhiêu cọc rào đều bị chúng ủi phăng huống chi là những gốc cây bé bỏng.
Chị Hoa địu con dẫn ra ruộng bắp khi sương còn ướt đẫm trên lá. Cả ngày chăm sóc nhưng chỉ sau một đêm lại thành bãi chiến trường. Hàng vạt bắp cao bằng mấy gang tay nằm ngổn ngang, gốc rễ bay tứ tung. Sống trong vườn quốc gia, bà con không thể chặt phá, đốt, săn bắt nên phần nào bất lực trước đàn thú hung dữ. Nuôi gà thì bị chồn ăn thịt hết. Chị Hoa phải buộc thúng có ổ gà đang đẻ trong góc nhà sàn, ngay sát chỗ nằm ngủ, thế mà có khi vẫn bị chồn leo lên cắn. “Muốn bắt được lợn phải dùng dây thừng mà dây chỉ có ở chợ, từ chợ đến bản phải qua bao nhiêu là trạm kiểm lâm thì làm sao lọt được, lại bị phạt nặng ấy chứ” – anh Sắc bảo.
Già làng Tòa thiết tha: “Mong Nhà nước hãy quan tâm chúng tôi hơn nữa, chứ như thế này sớm muộn gì bà con cũng chết đói. Hãy cho bản con đập, dân bản sẽ gùi vật liệu xuống, gùi đến khi nào xong mới thôi. Chú xem chiếc máy xay lúa này mà chúng tôi còn đưa xuống được mà”. Nói rồi già nhất quyết đi lục tìm cần quay để quay máy nổ. Máy nổ nhạy lắm dù 2 năm nay chưa chạy lần nào. Ngày trước lúa gạo nhiều, già bán một con bò lấy 4,5 triệu đồng mua nó về nhưng chỉ chạy được vài bữa đành nằm im đến nay vì không có lúa. Thế nên bà con phải mua gạo của chị Bông đem vào, không có tiền thì nợ. Nợ dây chuyền, chị Bông đang nợ hơn 1 tấn gạo với nhà buôn ở chợ. Chị ngồi thừ ra: “Chừ lỡ rồi biết mần răng được”.
Niềm vui khi bắt được nhiều cá. |
Rau cá sẵn nhưng cơm vẫn là thứ không thể thiếu. Không sản xuất được, trai làng đành đi xa kiếm tiền về mua gạo. Bản có đến 5 người đã ra đi. Họ đi bất cứ đâu, nhiều người sang tận Lào. Và thế là những người vợ trẻ ở nhà mòn mỏi trông chờ. Trong căn nhà quá nhỏ và trống huơ trống hoác, không có bất cứ vật dụng gì đáng giá, Nhành ôm đứa con dại chưa đầy 1 tuổi thẫn thờ. Hai mẹ con qua bữa trưa với một vẹm cơm và nồi canh rau tàu bay trong veo. Không đành lòng, tôi lại mở ba lô lấy mì gói và sữa dành đi đường cho họ. Nhành chỉ biết chồng đi với mấy người ở Trường Sơn hơn 1 tháng nay chưa về. Biết bao giờ chồng Nhành về và có kiếm được gì không? Nhành lại đang mang thai đứa con thứ hai, dân trong bản thương nhưng cũng không ai có gì mà cho.
Học chữ đã mới cưới vợ
Đám trẻ con như Lỵ, Xọc, Quầy rất nhanh nhẹn, mắt sáng tinh anh. Thấy bố Tòa lục cầm mấy tờ giấy, chúng vây quanh giành xem. Còn các bà mẹ thì đứng nghe xem thử bố Tòa có đề xuất với cán bộ chuyện dạy chữ cho con cái mình không. Chị Hoa vừa chỉ tay lên ngực vừa bày tỏ: “Mấy lần miềng xuống đồng bằng, thấy mấy đứa con nít ở đồng bằng mang sách đi học mà trong tim đau thắt. Miềng cũng muốn con miềng được đi học như thế. Chúng được đi học là thích lắm, đứa đầu có học được một ít chữ khi miềng còn ở Trường Sơn. Còn mấy đứa thanh niên trong bản nói chừ được đi học là học đã rồi mới cưới vợ”.
Duy nhất bố Tòa biết chữ vì hồi nhỏ bố có đi học và đi kháng chiến theo bộ đội cách mạng. Trước đây, ông Vinh – một người đồng đội cũ của bố Tòa ở Nghệ An vào
thăm rồi được bản hợp đồng dạy chữ. Ông dạy hơn 1 năm thì thôi, giờ chẳng ai nhớ chữ gì. Tôi hỏi sao bố không mở lớp dạy cho con cháu? Ông bảo: “Bố già mắt kém rồi, mấy đứa lại nghịch và cách đọc mà bố học ngày xưa khác bây giờ. Ví như trước đọc một từ theo thứ tự từ trước ra sau, giờ thêm đánh vần sau ra trước. Phải biết cách mới dạy được chứ”.
Khi đoàn rời bản, mọi người vẫy tay chào mà vẫn không quên dặn với theo: “Cán bộ nhớ đưa trường và đập về cho miềng với”. Trước kia gọi “bản lậu” vì bản không thuộc đơn vị quản lý hành chính nào hết. Bố Tòa đã hai lần mang hồ sơ ra UBND xã Sơn Trạch nhập hộ khẩu, nhưng lãnh đạo xã lúc đó không chịu nhận vì đường xa cách trở. Khi có sự can thiệp của tỉnh thì xã Tân Trạch nhận. Nhưng trớ trêu thay từ bản Đoòng đến trụ sở xã Tân Trạch xa gấp mấy lần đến Sơn Trạch. Nếu luồn rừng thì mất 1 ngày, theo đường 20 mất ngày rưỡi, còn ra Sơn Trạch chỉ hơn 2 tiếng đồng hồ (nếu đi xe máy từ đường Hồ Chí Minh). Thế nên ít khi trưởng bản đi họp trên xã, mà có đi cũng chẳng gặp lãnh đạo xã để đề xuất nguyện vọng.
Vì nằm trong vùng lõi của vườn, vùng thuộc diện bảo vệ nghiêm ngặt nên lực lượng kiểm lâm phải thường xuyên vào kiểm tra, ký kết các bản cam kết bảo vệ rừng. Đã có ý kiến thành lập bản sinh thái kết hợp tuyến du lịch hang Mèo nhằm thúc đẩy sự phát triển của bản nhưng không vào đâu. Năm 2003, dân bản đã làm đơn đề xuất với UBND huyện Bố Trạch: Quan tâm đến đời sống sức khỏe của người dân bản Đoòng, giải quyết cho một số người dân đi tập huấn lớp y tá để về phục vụ chăm lo đời sống sức khỏe cho thôn bản.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Cẩm Sơn nói rằng: “Muốn xây dựng cái gì kiên cố tại đó cũng khó, vì thuộc vùng lõi của Vườn Phong Nha – Kẻ Bàng và phải chờ ý kiến của tỉnh. Đưa họ đi định cư chỗ khác thì họ không đồng ý vì trái phong tục tập quán với tộc người khác”. Tại sao không có một giải pháp tạm thời nào để giúp đỡ đồng bào qua khó khăn? Trong khi có thông tin là một số giáo viên trẻ hiện đang dạy tại xã Tân Trạch sẵn sàng về dạy ở bản Đoòng. Xem ra, chính quyền địa phương vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết cho bản Đoòng.