Người gây dựng thương hiệu chó xoáy

Nói đến Phú Quốc, nhiều người nghĩ ngay đến “đặc sản” chó xoáy trứ danh. Dù ở Đảo Ngọc có không dưới 10 người mở cơ sở nuôi chó xoáy, song chỉ “Tuấn chó”- anh Lê Quốc Tuấn, Trưởng Phòng Hợp tác đầu tư Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang, mới được xem là người gầy dựng thương hiệu chó xoáy Phú Quốc

Từ thị trấn Dương Đông, theo con đường đất đỏ đi về ấp Cây Thông, xã Cửa Dương – nơi anh Lê Quốc Tuấn đang nuôi khoảng 1.000 chú chó xoáy Phú Quốc. Hiện ra giữa rừng điều bạt ngàn là Trung tâm Bảo tồn chó xoáy Thanh Nga của “Tuấn chó” với khuôn viên rộng khoảng 1.200 m2.

Từ một bữa đi săn

Thấy người, đàn chó đua nhau sủa inh ỏi. “Không sao đâu, coi vậy chứ chúng rất hiền, thân thiện với khách”- “Tuấn chó” đẩy vội cửa rào mời khách vào. Từng đàn chó mẹ, chó con kéo nhau đến đánh hơi, liếm láp chân, tay khách rồi kéo nhau ra vườn đùa giỡn.

Thật kinh ngạc khi nghe anh bảo trong đàn chó 1.000 con này, anh đều đặt và nhớ tên từng con. Chỉ tay vào một chú chó có lông màu vàng sậm, anh hài hước: “Tôi đặt tên nó là 180, vì khi nó còn nhỏ bị bệnh, tôi mua thuốc trị hết 180.000 đồng”. Xoay qua một chú chó có bộ lông bóng mượt xa xa, anh bảo: “Chú này tên Mù. Dù nó không thấy đường nhưng rất thính, chạy nhảy giỏi, hay đào hang, thích ăn khoai mì”. Đến một chuồng chó khác, bên trong nền đất có lỗ đào sâu hoắm, anh Tuấn cho biết: “Con này chuẩn bị sinh nở đây. Dù là giống chó săn nhưng khi đẻ chúng lại lo cho con hết mình, từ chỗ ăn đến chốn ngủ”.

Ở Phú Quốc có không dưới 10 cơ sở nuôi chó xoáy nhưng nói đến trang trại của “Tuấn chó” thì ai cũng biết vì anh là người đầu tiên có công nghiên cứu, bảo tồn, xây dựng thương hiệu chó xoáy. Cơ duyên đưa anh đến với nghề nuôi chó cũng rất tình cờ, đó là lúc anh học phổ thông, trong một lần đi săn bị lạc đường.

Tuấn nhớ lại: “Khi ấy, xã Vân Khánh, huyện An Minh – Kiên Giang quê tôi thường bị lũ lụt, mất mùa. Để cải thiện bữa ăn cho gia đình có đến 10 anh em, tôi thường dắt chú chó xoáy đi săn trong rừng tràm. Một lần, mải đuổi theo thú, trời tối lúc nào không hay, tôi đành mắc võng trên cây nằm ngủ giữa rừng. Khuya tỉnh dậy, tôi thấy chú chó săn vẫn dỏng tai nằm phủ phục bên dưới canh cho tôi ngủ. Tôi yêu quý loài chó xoáy Phú Quốc từ đó”.

Mười năm sau, năm 1992, ý định bảo tồn, phát triển chó xoáy đến với Tuấn khi anh tốt nghiệp Đại học về nhận nhiệm vụ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang. Có nhiều dịp ra Phú Quốc công tác, anh Tuấn nhận thấy chó xoáy là con vật đặc trưng của đảo mà chưa có ai bảo tồn và anh nảy sinh ý định ra đảo khôi phục giống chó xoáy.

 
Chó Phú Quốc tại Trung tâm Bảo tồn chó của anh Lê Quốc Tuấn.

Lấy tôm nuôi chó

Anh Tuấn nhớ lại: “Lúc đó khó khăn lắm, tôi phân vân không biết làm sao để có tiền nuôi chó. Suy nghĩ mãi rồi tôi quyết định chỉ còn cách nuôi tôm mới mau có tiền”. Nói là làm, Tuấn thuê đất nuôi tôm sú cạnh biển. Trúng 5 vụ tôm liên tục, thu được vài trăm triệu đồng, anh Tuấn ra đảo Phú Quốc mua 1.200 m2 đất tiến hành dự án nuôi chó mà anh ấp ủ bấy lâu.

Anh Nguyễn Ngọc Quyết, bạn Tuấn, kể: “Hồi ấy, cứ cuối tuần là Tuấn lại ra đảo, lùng sục khắp nơi mua chó. Tuy gia đình Tuấn không ai chấp nhận nhưng anh ấy vẫn quyết tâm thực hiện ý định của mình”.

Năm 2000, Trung tâm Bảo tồn chó xoáy Thanh Nga được thành lập. 120 chú chó được anh đưa về nuôi thử nghiệm. Sau một tháng, đàn chó của anh chỉ còn lại… 10 con. “Lúc ấy, vì chưa quen môi trường, chưa biết cách nuôi, chó bị bệnh chết hàng loạt. Tôi cùng 4 người bạn thay nhau chôn không xuể”.

Sau lần ấy, Tuấn trắng tay, vợ chán nản đòi ly hôn. Không nản chí, Tuấn về Rạch Giá, cầm giấy tờ nhà đến ngân hàng vay tiền, tiếp tục mua 30 chú chó khác về nuôi. Rút kinh nghiệm lần trước, lần này anh mời bác sĩ thú y ra tận đảo, tiêm thuốc chích ngừa cho từng con. Vài tháng sau, những chú chó xoáy thích nghi với trại và hoàn toàn khỏe mạnh. Thấy thế, anh tiếp tục vào đất liền vay tiền mua chó. Ba năm sau, những chú chó được anh thuần dưỡng bắt đầu sinh con trên đất đảo.

Từ vài chục con ban đầu, đến nay khu bảo tồn chó xoáy của anh Tuấn đã có khoảng 1.000 con. Trung bình mỗi tháng, trung tâm của anh tiếp không dưới 10 đoàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về đời sống chó xoáy. Khi được hỏi động cơ nào để anh quan tâm đến công việc này, Tuấn tâm sự: “Ngoài chuyện yêu thích chúng, tôi nghĩ việc bảo tồn, phát triển loài chó xoáy đang có nguy cơ mai một là việc nhất thiết phải làm, nhất là những người sinh ra và trưởng thành ở Kiên Giang như tôi”.

Thành lập Khu Bảo tồn chó xoáy Phú Quốc

Khi bước đầu thành công, Lê Quốc Tuấn đăng ký công trình nghiên cứu về chó xoáy Phú Quốc với Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh. Lần đầu tiên, một công trình khoa học nghiên cứu về tính cách, đặc trưng cũng như quy trình nuôi chó được hội đồng thẩm định đánh giá cao. Không dừng lại, anh tiếp tục tham gia hội thi điển hình sáng tạo do Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam tổ chức và vinh dự nhận giải thưởng sáng tạo. Ngày 25/05/2006, thương hiệu chó xoáy Phú Quốc được Cục Sở hữu trí tuệ chính thức công nhận. Năm 2008, thương hiệu chó xoáy Phú Quốc nhận luôn cúp vàng trong Top 100 Thương hiệu Việt.

Anh Lê Quốc Tuấn hồ hởi cho biết UBND tỉnh vừa duyệt dự án xây dựng Khu Bảo tồn chó xoáy Phú Quốc tại Trung tâm Bảo tồn chó xoáy Thanh Nga với tổng diện tích 30 ha. Tại khu bảo tồn, ngoài việc nuôi dưỡng, phát triển đàn chó dành cho du khách tham quan, còn có khu chuyên nuôi chó dành cho các chuyên gia muốn nghiên cứu, học tập kinh nghiệm về loài chó. Trung tâm còn xây dựng khu đua chó, khu vui chơi giải trí dành riêng cho du khách.