“Vương quốc” đá quý: Đào đá đỏ, phá rừng xanh (Kỳ 1)

Được cho là “vương quốc” đá quý từ những năm 1980, sau mỗi cơn mưa rào, núi đồi ở Lục Yên, Yên Bái ràn rạt đá quý trơ ra, những viên ruby có giá trị hàng chục nghìn đôla người dân đào được bán cho thương gia trong nước và nước ngoài.

Tin ấy lan rộng, người Thái Lan đã nhanh chân tận dụng cơ hội đầu tư vào Lục Yên để khai thác đá quý. Còn người dân trong nước đua nhau đổ về Lục Yên với mơ ước đổi đời…

Thời hoàng kim ở “vương quốc” đá có đến hàng nghìn người đến miền đất hứa. Đó là thời điểm những năm 1980, 1990 thế kỷ trước. Không biết số người đổi đời thành hiện thực chiếm bao nhiêu phần trăm so với những số mạng đã “ra đi vì cuộc sống cao sang, ngờ đâu ra đi xác thân nằm lại rừng hoang vu”…

Trong cơn say giấc mộng đổi đời, trai tráng khắp nơi lũ lượt đổ về đây. Lục Yên trở thành bãi khai thác đá quý tự do lớn nhất cả nước. Có lúc đội quân “săn” đá đỏ lên đến 10.000 người. Khủng khiếp hơn khi mà dãy núi nào có tin người đào được đá quý thì dãy đó sẽ trở nên tan hoang trong thời gian ngắn bởi đội quân hùng hậu đó…

Đường lên Cổng Trời

Trở lại Lục Yên lần này, thị trấn vùng núi có nhiều đổi thay. Những quán hàng san sát, nhà cao tầng mọc dày hơn, thị trấn nhộn nhịp suốt ngày đêm. Những bãi đá đỏ gần thị trấn đã không còn nhiều người khai thác. Mỗi hầm chỉ còn lại vài ba người mót sái đãi đá tấm về bán cho những người làm tranh đá quý. Anh Hiệp, chủ nhà nghỉ Hồng Ngọc đã giới thiệu cho một số tay buôn đá đỏ để dẫn vào nơi khai thác đá mới, cách thị trấn Yên Thế gần 30km đi sâu vào rừng già.

Vừa đến chợ An Phú, thấy người lạ tìm hỏi anh Nam, anh Nghị ngay lập tức đã có vài thanh niên hỏi có mua đá không. Lẽ thường, ở chợ đá, bãi vàng… cứ có người lạ đến là người địa phương hỏi mua hàng, như phản xạ tự nhiên, hình thành từ khi có chợ đá. Anh Nam đi vắng, anh Tuyến – “tay” buôn đá có máu mặt ở Lục Yên dẫn khách theo lên bãi Cổng Trời.

Theo giới “săn” đá đỏ, Lục Yên là “vương quốc” của đá quý thì Cổng Trời được cho là thủ phủ. Đá ở Cổng Trời đẹp. Mới có người đào được viên hồng ngọc bằng đốt ngón tay út bán được cả chục nghìn đôla. Trên đường vào Cổng Trời, anh Tuyến mua được viên ruby của 2 thanh niên đi từ bãi ra, giá 1 triệu đồng.

Từ trung tâm xã An Phú lên bãi đá, quãng đường không xa nhưng đầy nguy hiểm và gian nan. “Gọi là đường cho oai thôi chú mày ơi, thực chất đó là lối mòn toàn đá hộc. Đến chân núi phải leo bộ ngược núi mất gần tiếng đồng hồ mới đến được thung lũng Cổng Trời. Trước đây, có người chết phải cáng mất gần ngày mới ra đến bến xe, đưa xác về quê” – anh Tuyến nói.

Dọc đường đi, những dãy núi cao vút chen lẫn rừng già trùng điệp. Càng vào sâu thung lũng Cổng Trời, có cảm giác như nơi đây vừa qua cuộc giao tranh. Núi đá nham nhở hầm hố như bị bom dội. Con suối đục ngầu sền sệt màu máu của rừng. Mảnh đất của những người ham mê đổi đời đầy vẻ ảm đạm, tang tóc… Hậu quả của “nền công nghiệp” khai thác tự do lồ lộ khắp nơi. Ngay trung tâm thị trấn, những núi đá tan hoang, hai bờ dòng sông Chảy nham nhở…

 
Cánh rừng tan hoang.

Những cơn “bão tuyết” sau mỗi tiếng… mìn nổ

“Đầu Tân Mùi nghe bi ai thê lương, nghe chuyện đá màu…”, tiếng mìn trên đỉnh đầu làm đứt đoạn nhạc chế Don đang hát. Don mới 16 tuổi mà đã làm đá ở bãi này được 2 năm. Don bảo: “Năm 1991, bãi đá Châu Bình ở Nghệ An nổi lên những cuộc chết chóc vì đá đỏ. Đó là em nghe những người từng làm ở đó lên bãi này làm kể lại. Còn ở Lục Yên những năm 80 đã có chợ đá quý rồi”.

Anh Nguyễn Văn Hải, người khai thác đá cám ở khe nước dưới chân Cổng Trời cho biết: “Tôi làm 3 năm ở đây, chứng kiến nhiều người chết lắm rồi. Chủ yếu chết do đá lăn và sập hầm. Cuối năm ngoái, xảy ra hai vụ chết 4 người. Chuyện chết chóc ở đây khó tránh khỏi lắm. Có khi người chết còn không lấy được xác ra. Hôm 23/03, một tảng đá từ đỉnh núi lăn đè vào lán của chị út làm tan nát tất cả.”. Những cái chết ở bãi vàng hay bãi đá đỏ như thế này khó tránh khỏi.

Bởi sự khai thác tùy tiện dùng mìn phá đá, đục hầm với những công cụ thô sơ. Cánh rừng xanh bạt ngàn gỗ quý đã bị màu đá trắng phủ như tuyết, tan hoang. ở đây, bất kể cái gì liên quan đến đá là người ta dùng mìn. Đánh đường lên Cổng Trời bằng mìn, phá đá dùng mìn và bạt núi bằng mìn… Mìn đã biến những núi xanh cao ngất thành những bãi tan hoang như tuyết phủ giữa rừng già. Người ta đã đội tang cho núi rừng như thế.

Dường như, nơi đây là thế giới riêng, người ta có làm gì thì không ai biết. Đối với những cửu vạn xấu số, chỉ trong chốc lát chủ bãi đá cho quấn chăn đưa thẳng về quê. Cách đây vài năm có một đoàn người nước ngoài đến thăm dò trữ lượng, tuổi đá quý. Họ đã ái ngại bởi cách khai thác vô cùng thô sơ và tùy tiện ở nơi đây. Nơi đây còn là viên ngọc không thể mua được nên “ông Tây” đã từ chối việc hợp tác…

Dưới chân lán, ngửa mặt lên đỉnh núi nhìn thấy bãi Cổng Trời nhưng đi lên đó phải mất cả tiếng đồng hồ. Anh Tuyến cho biết: “Chỉ có nổ mìn mới lấy đá gốc, trong đó mới có đá quý”. Chính vì vậy mà nơi đây chỉ ngớt tiếng mìn về đêm.

Mỗi ngày họ cho nổ hàng tấn mìn để tìm đá. Ban ngày dưới chân núi Cổng Trời tấp nập người qua lại gùi đá thuê, “săn” đá… Người xô đá, đá xô cây, cây xô người. Cuộc mưu sinh ở đây như cái vòng luẩn quẩn phải trả giá bởi tội ác gây cho thiên nhiên. Đang nói chuyện, Don ngừng lại vì phải đi đập đá: “Mìn ngừng nổ là bọn em phải đi tìm đá gốc”. Lao động bờ bãi, rừng rú như thế này vất vả, nguy hiểm khó tránh khỏi. Họ có cuộc sống vô cùng tạm bợ. Bữa cơm chiều trong chiếc lán, chỉ có cá khô và rau rừng.

Làm lụng vất vả nhưng không được gì hay sinh chuyện. Buồn vui họ đều có thể khao nhau bằng những bi thuốc phiện. Một lát sau, Thùy cùng lán với Don vác cục đá về, lấy búa đục tách đá gốc lấy đá quý… Cách làm đá quý thô sơ như chính cách khai thác của họ. Ngay cả những viên ngọc quý giá nhưng cũng chỉ có duy nhất chiếc búa để lấy nó ra. ở đây những gương mặt non choẹt như Don không ít. Họ cũng như Don bỏ học để vào tìm kiếm đá đỏ mong sang giàu…

Một đêm ở Cổng Trời thật khó ngủ vì tiếng muỗi vo ve. Bước ra khỏi lán, một màu sáng đục mờ ảo phía thung lũng Cổng Trời u tịch. Đó là những núi đá gốc bị mìn tàn phá, màu trắng là ánh quang tích sáng từ ban ngày. Don tỉnh giấc và bảo: “Anh chợp mắt cho đỡ mệt để sớm mai còn xuống núi thăm chợ đá. Một phiên chợ có một không hai, chợ đá quý bán đá như bán… rau thì chỉ có ở Lục Yên. ở đó có những mẹt hàng trị giá hàng nghìn, hàng chục nghìn đô la nhưng người ta vẫn bày bán trên mẹt và mảnh nilon trải xuống nền đất ”.