Sau khi bãi rác Gò Cát đóng cửa đầu tháng 08/2007, công trường xử lý rác Đa Phước, quận Bình Chánh, TP.HCM không kịp tiến độ, bãi rác Phước Hiệp (huyện Củ Chi) phải tiếp nhận 5.500 – 6.000 tấn rác thải/ngày, khiến công tác xử lý rác thải gặp nhiều khó khăn…
Công nghệ cũ làm khổ dân
Nhà máy xử lý nước rỉ rác Gò Cát (Bình Hưng Hoà – huyện Bình Chánh) sử dụng công nghệ lọc nano, không hoạt động được hết công suất, trong khi hàng ngàn mét khối nước rỉ rác của bãi rác này được đưa lên bãi rác Đông Thạnh chứa tạm vẫn chưa có hướng xử lý sáng sủa.
Theo những nhà quản lý, vận hành nhà máy cho biết “vấn đề chủ yếu nằm ở hệ thống các màng lọc nano – khâu xử lý cuối cùng”.
Nguyên nhân hệ thống màng lọc nano không làm việc hết công suất vì rác “thập cẩm”, sinh ra nước rỉ rác cũng “thập cẩm”… nên sau khi xử lý qua một số khâu cơ bản, nước rỉ rác vẫn còn chứa nhiều chất cặn lơ lửng cùng các chất ô nhiễm khác. Do đó, màng lọc nano bị tắc, dẫn đến công suất đầu ra ở khâu xử lý cuối cùng này bị giảm xuống rất thấp, đồng thời ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước thải sau xử lý.
Ngoài ra, công nghệ được sử dụng tại Nhà máy xử lý nước rỉ rác Gò Cát do phía đối tác Hà Lan thiết kế, xây dựng phù hợp hơn đối với các nước phát triển vì rác của họ được phân loại nghiêm chỉnh, hàm lượng các chất ô nhiễm cũng không đến nỗi quá cao như rác ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam (VN) nói chung.
Từ ngày Nhà máy xử lý nước rỉ rác Gò Cát được phía đối tác của Hà Lan chuyển giao đến nay đã phải thay thế một số màng lọc nano, tiêu tốn khá nhiều tiền. Nhưng nhà máy này chỉ đạt công suất xử lý 40-50m3/ngày đêm so với công suất thiết kế là 400m3/ngày đêm. Chưa kể, nước rỉ rác từ bãi Gò Cát vào khoảng vài trăm mét khối/ngày đêm.
Theo tìm hiểu, được biết, dự án công trường xử lý rác Gò Cát có tổng vốn đầu tư 261 tỉ đồng, trong đó Chính phủ Hà Lan tài trợ không hoàn lại 60%, phía VN 40%. Tổng diện tích công trường này là 25ha, trong đó 17,5ha chôn rác.
Tuy nhiên, sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng vào 02/2002, Trạm xử lý nước rỉ rác tại Gò Cát do Công ty Vermeer (Hà Lan) thiết kế và lắp đặt với công suất 17,5m³/giờ bị trục trặc ở bộ phận siêu lọc khiến nước thải sau khi xử lý không đạt tiêu chuẩn gây ra mùi hôi và phải ngưng hoạt động. Người dân phản ứng gay gắt do mùi hôi từ hồ nước rỉ rác bốc ra làm ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân sống chung quanh.
Vào thời điểm đó, một số chuyên gia, nhà khoa học về môi trường nhận định ứng dụng công nghệ mới từ các nước Tây Âu vào xử lý nước rỉ rác tại Việt Nam là không hợp lý và tốn kém vì thành phần rác và thời tiết ở mỗi nơi mỗi khác.
Hiểm họa rác còn treo lơ lửng!
Đầu tháng 08/2007, bãi rác Gò Cát chính thức đóng cửa sau hơn 5 năm hoạt động. Toàn bộ 3.000 – 4.000 tấn rác thải ra hàng ngày “bí” đầu ra buộc phải chuyển về chôn lấp tại bãi rác Phước Hiệp (thuộc Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Tây Bắc thành phố, huyện Củ Chi).
Để khắc phục, Công ty Môi trường đô thị TP.HCM đã triển khai giải pháp tình thế như xây các hồ chứa tạm; phủ bạt để hạn chế nước mưa thấm nhiều vào rác; dùng xe bồn chuyên dụng vận chuyển nước rỉ rác sang bãi rác Đông Thạnh để “nhờ” xử lý… Hiện lượng nước rỉ rác hôi thối, bị ứ đọng theo ước đoán vào cỡ 50.000m3.
Điều đáng lo ngại là sau khi đóng cửa, trên 1.000m³ nước rỉ rác/ngày vẫn phải tiếp tục xử lý. Trong khi đó, với công nghệ xử lý rác hiện tại, công trường này chỉ có thể xử lý 400m³/ngày. Lượng nước rỉ rác còn lại buộc phải chuyển qua bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn), mặc dù bãi rác này đã đóng cửa từ lâu.
Nhiều người dân sống chung quanh bãi rác cho biết, nhiều năm nay chịu đựng mùi hôi, ô nhiễm từ rác ở bãi rác Đông Thạnh. Tưởng bãi rác đóng cửa, nay mở lại sẽ còn ô nhiễm hơn.
Trong khi đó, nước rỉ rác chưa xử lý tại bãi rác Phước Hiệp thải ra kênh Thầy Cai không những gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người dân chung quanh.
Hiện nay, nước rỉ rác của công trường xử lý rác Phước Hiệp được thu gom và do Công ty TNHH Đức Lâm và Công ty Khoa học công nghệ môi trường Quốc Việt xử lý, tổng công suất là 700m³ /ngày đêm với giá tiền 35.000đ/m³. Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 05/2007 đến nay nước thải sau xử lý của hai đơn vị này đã làm ảnh hưởng đến chất lượng nước mặt kênh Thầy Cai.
Nước thải ra có màu đen và có mùi hôi đặc trưng của rác. Các chỉ tiêu COD, BOD, Coliforms… đều vượt tiêu chuẩn cho phép (TCVN 5945-2005).
Hoạt động của hai hệ thống này thường xuyên gặp sự cố. Khi làm vệ sinh hệ thống xử lý nước rỉ rác làm ô nhiễm kênh Thầy Cai và các mương thoát nước. Hiện nay, bãi rác Phước Hiệp đã hoạt động gấp đôi công suất cho phép, trên 6.000 tấn/ngày. Trong khi đó, bãi A1 của công trường chỉ có thể tiếp nhận 3.000 tấn rác/ngày do vậy công ty phải tận dụng luôn bãi số 1 dù bãi này đã đóng cửa từ cuối năm 2006.
Trước “hiểm họa” rác, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố buộc phải áp dụng giải pháp tình thế. Đó là quyết định mở lại bãi rác Đông Thạnh để tiếp nhận khoảng 800m³ nước rỉ rác từ bãi rác Gò Cát chuyển về và 200m nước thải hầm cầu từ cơ sở Hòa Bình (đơn vị duy nhất tại TP.HCM tiếp nhận nước thải hầm cầu cũng đã phải đóng cửa) chuyển đến.
Nỗi lo rác thải đang được đổ dồn vào bãi rác Đa Phước. Hiện nay, ngoài việc dùng chế phẩm sinh học, phủ kín bạt để khử và ngăn mùi hôi, Công ty Môi trường đô thị đã phải tạm “chữa cháy” bằng cách dùng xe bồn chở mỗi ngày 800 m3 nước rỉ rác đưa đi xử lý tại bãi rác Đông Thạnh. Hiện lượng nước rỉ rác tại Gò Cát khoảng 50.000 m3.
Cho đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có một công nghệ nào cho các bãi rác ở TPHCM để xử lý nước rác đạt tiêu chuẩn theo quy định.